Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung

Bùi Cẩm Hường (Theo Tạp chí Tài chính - Bảo hiểm)

(Tài chính) Dự báo về tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam và những bất cập trong hệ thống hưu trí hiện nay như tỷ lệ tham gia thấp, gia tăng đối tượng hưởng hưu trí, mất cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng…, đang đặt ra yêu cầu cải cách hệ thống hưu trí theo hướng đảm bảo sự bền vững của hệ thống, sự cân đối của quỹ hưu trí trong dài hạn và bao phủ số đông dân số nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hệ thống hưu trí ở một số quốc gia, Việt Nam đang nghiên cứu mở rộng hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay thành hệ thống hưu trí đa tầng, đa trụ cột, từ đó giảm nguy cơ không bền vững của hệ thống, giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, tăng an sinh xã hội cho người dân.

Trong những năm gần đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Tài chính triển khai song song xây dựng hai đề án về bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính chính thức ban hành Thông tư 115/2013/TT-BTC về việc Hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư 115). Hiện tại, Bộ LĐ-TB &XH cũng đang hoàn tất quá trình nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm Chính sách hưu trí bổ sung (sau đây gọi tắt là Đề án), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2013 và triển khai đầu năm 2014.

Mục tiêu của bài viết là nhằm giúp người đọc phân biệt bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung trong khuôn khổ Thông tư 115 và Đề án, cung cấp thông tin cơ bản về vai trò của bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung trong nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan, bài viết sử dụng các khái niệm và nội dung của Thông tư 115 về bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện và dự thảo Đề án thí điểm Chính sách hưu trí bổ sung.

Khái niệm về bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện

Theo dự thảo của Đề án thí điểm Chính sách hưu trí bổ sung của Bộ LĐ-TB&XH, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, tồn tại dưới dạng các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư, do các định chế tài chính trung gian thực hiện và được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Quỹ hưu trí bổ sung được hình thành trên cơ sở đóng góp của người lao động và/hoặc người sử dụng lao động và sẽ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ được Ban điều hành quỹ (gồm đại diện người lao động và chủ lao động) chỉ định.

Theo Thông tư 115 của Bộ Tài chính, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động. Mỗi người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân hay hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm có một tài khoản bảo hiểm hưu trí riêng theo quy định. Quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành từ phí bảo hiểm và là tập hợp các tài khoản bảo hiểm hưu trí của người được bảo hiểm.

Nói cách khác, về bản chất, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một loại sản phẩm tài chính mà người lao động và/hoặc chủ lao động có thể tham gia đóng góp tiền tiết kiệm theo định kỳ vào các sản phẩm hưu trí. Người lao động sẽ được nhận chi trả từ quỹ khi đến tuổi nghỉ hưu. Số tiền hưu trí mà mỗi cá nhân được hưởng phụ thuộc vào tổng số tiền đóng góp của cá nhân và/hoặc tổ chức đó và hiệu quả đầu tư vốn của quỹ hưu trí tự nguyện.

So sánh giữa bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Giống nhau:

Bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện đều là một phần nguồn thu nhập của người đến tuổi nghỉ hưu. Các khoản đóng góp của người tham gia đều được quản lý dưới dạng hình thức tài khoản cá nhân. Tài sản hình thành trên tài khoản này đều thuộc sở hữu của người tham gia bảo hiểm, có quyền sử dụng khi đến tuổi nghỉ hưu.

Khác nhau:

Tiêu chí

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Bảo hiểm hưu trí bổ sung

Nguyên tắc thực hiện

Là sản phẩm thương mại, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, do các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp.

Không phải là một sản phẩm thương mại. Là một chính sách bảo hiểm xã hội

Đóng góp

Theo hình thức tự nguyện

Theo hình thức tự nguyện (trong giai đoạn đầu) và/hoặc bắt buộc (thông thường trong giai đoạn sau)

Đối tượng tham gia

Cá nhân người lao động, hoặc nhóm người lao động (bảo hiểm hưu trí nhóm do chủ sử dụng lao động mua)

Người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc

Mức đóng góp

Phụ thuộc vào ý chí cá nhân hoặc chủ sử dụng lao động

Tỷ lệ đóng góp quy định trong hợp đồng lao động/thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể:

Tổng mức đóng góp từ 5-22% tiền lương hàng tháng của người lao động.

Mức tối đa: 5,06 triệu/người/tháng.

Mức tối thiểu: 250.000 đồng/người/tháng.

Hai mức này được điều chỉnh theo mức lương cơ sở

Quyền lợi chi trả cho người tham gia

Công ty BHNT cam kết lãi suất đầu tư tối thiểu tại hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, công ty BHNT có thể chia thêm lãi tùy thuộc vào kết quả kinh doanh.

Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư sẽ chi trả cho người tham gia.

Quyền lợi người tham gia khi rút tài khoản trước hạn

Áp dụng khi người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Luật.

Toàn bộ các khoản đóng góp của người lao động sẽ được hoàn lại.

Danh mục đầu tư của Quỹ

Tuân thủ theo quy định về Danh mục và hạn mức đầu tư tài sản của Quỹ hưu trí tự nguyện tại Thông tư 115

Tài sản của Quỹ hưu trí tự nguyện không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, …, cổ phiếu của công ty chứng khoán, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

Nhà nước sẽ quy định hoạt động đầu tư của Quỹ hưu trí bổ sung:

- Quy định danh mục đầu tư đối với các tài sản đầu tư

- Quy định các loại tài sản được phép đầu tư.

Tổ chức tài chính trung gian tham gia

Công ty BHNT và Công ty Quản lý Quỹ

Công ty Quản lý Quỹ

Ngân hàng lưu ký

Các tổ chức và các định chế tài chính trung gian khác (tổ chức quản trị dịch vụ thành viên, tổ chức dịch vụ quản trị quỹ…)

Phí

Phí quản lý quỹ: <=2% giá trị tài sản đầu tư.

Ngoài ra, có quy định về một số loại phí khác gồm phí chuyển khoản tài khoản, phí quản lý hợp đồng bảo hiểm, phí bảo hiểm rủi ro…

Chưa đề cập về phí trong Đề án

Quy định thời gian tối thiểu (sau khi ký hợp đồng/làm việc tối thiểu) để được hưởng khoản hưu trí

Quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm hưu trí của công ty BHNT

Thời gian làm việc tối thiểu 5 năm để được hưởng 100% hưu trí bổ sung

Luật

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm

Theo Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội

Ưu đãi thuế

Có ưu đãi thuế cho người lao động và người sử dụng lao động

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, ưu đãi thuế (dành cho người lao động và người sử dụng lao động) của bảo hiểm hưu trí bổ sung nên cao hơn mức ưu đãi thuế của bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Vai trò của bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung trong nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam

Việc hình thành và phát triển hai loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ bổ sung thêm trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững và đảm bảo tính đầy đủ hơn cho hệ thống hưu trí. Đây được xem là giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là một bộ phận của BHXH, sẽ góp phần bổ sung quyền lợi hưu trí, từ đó, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.

Đối với người tham gia đóng góp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ giúp người lao động cải thiện khả năng tài chính để có cuộc sống tốt hơn sau khi được đáp ứng nhu cầu tối thiểu bởi quyền lợi theo chế độ BHXH và có thể chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh trong cuộc sống.

Đối với thị trường tài chính, lượng vốn hình thành từ các quỹ hưu trí tự nguyện và bổ sung sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững của thị trường vốn. Ngoài ra, dòng vốn từ các quỹ hưu trí sẽ được tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Sự sẵn sàng của các bên tham gia trong triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung

Từ góc độ Chính phủ, nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc cải cách hệ thống hưu trí, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời đã có những quy định về ưu đãi thuế cho các bên tham gia đóng góp.

Đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện, theo quy định hiện hành về ưu đãi thuế dành cho người lao động, phần đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế của cá nhân tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng[1]. Khoản tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động sẽ được trì hoãn đóng thuế TNCN đến thời điểm người lao động nghỉ hưu. Trước khi trả tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% đối với khoản tiền phí tích lũy, tiền tích lũy đóng góp quỹ tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động2.

Tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện là khoản thu nhập được miễn thuế3. Về ưu đãi thuế đối với khoản đóng góp của người sử dụng lao động, theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNDN và Luật thuế TNDN sửa đổi mà Bộ Tài chính vừa hoàn tất lấy ý kiến các bộ, ngành, liên quan đến quy định các khoản chi được trừ và khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế của doanh nghiệp, khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động được tính vào khoản chi được trừ trong trường hợp dưới 1 triệu đồng/tháng/người và cần phải ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: hợp đồng lao đông, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính của doanh nghiệp …4. Nếu khoản đóng góp vượt mức 1 triệu đồng/tháng/người, khoản chênh lệch sẽ không được tính vào chi phí trước khi xác định thu nhập chịu thuế. 

Đối với Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, theo dự thảo Đề án, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất Chính phủ một số chính sách ưu đãi thuế dành cho người tham gia đóng góp. Cụ thể là các khoản đóng góp của người lao động vào tài khoản hưu trí bổ sung được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân và người nghỉ hưu lĩnh tiền hưu hàng tháng sẽ không bị đánh thuế.

Về ưu đãi thuế đối với khoản đóng góp của người sử dụng lao động, theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNDN và Luật thuế TNDN sửa đổi, các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là phần trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung) cho người lao động không vượt mức quy định của pháp luật về BHXH (quy định hiện hành là tối đa không quá 5,06 triệu đồng/tháng/người).

Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tham gia triển khai thí điểm Chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung như một hình thức để đảm bảo quyền lợi, khuyến khích và giữ chân người lao động. Theo điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2010 đối với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và Hồ Chí Minh có đến 70% doanh nghiệp và tập đoàn được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia cho người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung.

Hiện nay, có 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hình thành Quỹ hưu trí bổ sung dành cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp coi đây là một hình thức bổ sung thêm phúc lợi cho nhân viên để khuyến khích sự gắn bó lâu dài. Đối với một số doanh nghiệp, nguồn quỹ được tạo ra từ việc đóng góp hàng tháng của cả doanh nghiệp và người lao động. Đối với một số doanh nghiệp khác, nguồn hình thành quỹ được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Quỹ hưu trí tự nguyện tại các doanh nghiệp chủ yếu do đơn vị tự quản lý. Tất cả các doanh nghiệp này đều sẵn sàng tham gia thí điểm chính sách hưu trí bổ sung.

Từ góc độ các tổ chức tài chính trung gian cung cấp dịch vụ, các hệ thống cần thiết về quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, giám sát, quản trị quỹ và các dịch vụ trung gian khác để vận hành hai loại hình bảo hiểm trên đều đã được các tổ chức tài chính sẵn sàng đáp ứng. Hiện tại, một số đơn vị đã sẵn sàng tham gia cung cấp dịch vụ bao gồm các công ty quản lý quỹ như VFM, VinaWeath, Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt… (cung cấp dịch vụ quản lý quỹ); ngân hàng HSBC, Standard Charter Bank… (cung cấp dịch vụ ngân hàng lưu ký); công ty Grant Thornton (cung cấp dịch vụ quản trị quỹ, dịch vụ kiểm toán)…

Tóm lại, nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam đã có một số kết quả bước đầu. Vai trò của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính là rất lớn trong việc thiết kế chương trình cải cách tổng thể, hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý và đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhận thức cộng đồng về việc tham gia các chương trình hưu trí. Quá trình này sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới và cần phải có sự góp sức của toàn bộ xã hội, đặc biệt là từ phía người lao động, người sử dụng lao động và cả các bên trung gian cung cấp dịch vụ vận  hành hệ thống.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng quan quá trình xây dựng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam, TS. Phạm Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội.

2. Thông tư 115/2013/TT-BTC về việc Hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện, ban hành ngày 20/8/2013.

3. Đề xuất mô hình hoạt động chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, Nhóm công ty đề xuất: Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth, Ngân hàng Standard Chartered, Công ty Grant Thornton Việt Nam.


[1] Khoản 1, Điều 6, Chương 2, Nghị định 65/2013/ NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ, Quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn liên quan của Bộ Tài chính.

2 Mục đ, khoản 2, điều 3, Chương 1, Nghị định 65/2013/ NĐ-CP ngày 27/6/2013.

3 Khoản 7 và Khoản 10, Điều 4, Chương 2, Nghị định 65/2013/ NĐ-CP ngày 27/6/2013

4 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Bộ Tài chính dự kiến lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi hoàn thiện trình Chính phủ, ban hành dự kiến trong tháng 11/2013.