Bảo hiểm nông nghiệp: Khó cho doanh nghiệp, lợi cho người dân (*)

Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam

(Tài chính) Là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép tham gia thu xếp tái bảo hiểm chính cho chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315/QĐ-TTg, sau hơn 2 năm đồng hành gắn bó cùng với các DNBH (Bảo Việt và Bảo Minh), Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) đã tích cực, chủ động tham gia tích cực vào chủ trương lớn này.

Các DNBH cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm, điều kiện/điều khoản bảo hiểm và phương thức tái bảo hiểm phù hợp hơn với thị trường. Nguồn: Internet
Các DNBH cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm, điều kiện/điều khoản bảo hiểm và phương thức tái bảo hiểm phù hợp hơn với thị trường. Nguồn: Internet

Chuẩn bị từ những bước đầu tiên

Nhận thức tầm quan trọng cũng như ý nghĩa quan trọng của công tác BHNN, ngay trước khi có Quyết định 315/CP-TTg, Vinare đã chủ động làm việc với đối tác chiến lược của mình là Tập đoàn Tái bảo hiểm Thụy Sỹ Swiss Re đề nghị hỗ trợ khi thị trường bảo hiểm Việt Nam chuẩn bị triển khai BHNN và phía Swiss Re đã chấp thuận đề nghị này.

Ngay sau khi Quyết định 315/CP-TTg ban hành, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo thí điểm BHNN, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập Tổ Tư vấn BHNN, trong đó bao gồm đại diện của các vụ trong Bộ và 3 DNBH gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh và Vinare để giúp Ban chỉ đạo xây dựng các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai BHNN.

Dưới sự chỉ đạo của Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính, Tổ tư vấn, trong đó có Vinare đã khẩn trương phối hợp cùng với các chuyên gia hàng đầu về BHNN của Swiss Re tiến hành các công việc cần thiết cho việc triển khai thí điểm BHNN theo Quyết định của Chính phủ, gồm:

Một là, tổ chức thu thập số liệu thống kê cần thiết để phục vụ cho công tác định phí bảo hiểm;

Hai là, tổ chức các buổi hội thảo, khảo sát nhằm phổ biến kiến thức, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức thực hiện trong BHNN…;

Ba là, xây dựng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi và thủy sản;

Bốn là, xây dựng biểu phí bảo hiểm cho các sản phẩm bảo hiểm cụ thể;

Năm là, tổ chức thành lập bộ máy, đại lý của các DNBH; tập huấn kiến thức, thông tin, tuyên truyền về BHNN…;

Sáu là, hoàn thành thu xếp chương trình tái bảo hiểm cho năm 2011 và 2012 của chương trình thí điểm. Kết quả, tính cho đến hết năm 2012, dịch vụ BHNN theo Quyết định 315 được các DNBH trong nước giữ lại khoảng 17,07%, phần còn lại Bảo Việt, Bảo Minh và Vinare đã có được sự bảo vệ của các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế mà đứng đầu là Swiss Re (với tỷ lệ lên đến gần 57% - tính đến thời điểm ngày 31/12/2012. Kết quả năm 2012, Swiss Re đã lỗ hơn 10 triệu USD);

Bảy là, trên cơ sở thực tiễn sau khi triển khai, ý kiến đóng góp của các địa phương triển khai, người được bảo hiểm và theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, các DNBH đã đàm phán với các nhà nhận tái bảo hiểm và sau đó đã sửa đổi các điều kiện/điều khoản và phí bảo hiểm cho phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam.

Những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị

Những tồn tại

Trải qua hơn hai năm chuẩn bị và triển khai Chương trình thí điểm BHNN, bên cạnh những thành tựu nhất định, thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến DNBH/Tái bảo hiểm cần phải tháo gỡ để tiếp tục triển khai thành công chương trình. Trong đó, các DNBH/Tái bảo hiểm đã gặp nhiều khó khăn cả về chủ quan và khách quan như sau:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò của bảo hiểm nói chung, đặc biệt là BHNN của người nông dân Việt Nam và một số cán bộ lãnh đạo các cấp còn hạn chế.

Thứ hai, kinh nghiệm về thực tế triển khai BHNN của các DN Việt Nam còn rất hạn chế. Đặc biệt đối với sản phẩm thủy sản, các nhà bảo hiểm quốc tế cũng không có nhiều kinh nghiệm để tư vấn cho Việt Nam. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bồi thường rất lớn trong bảo hiểm tôm mà các DN đã gánh chịu trong năm 2012.

Thứ ba, số liệu thống kê phục vụ cho công tác định phí bảo hiểm "thiếu và yếu" nên ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định mức phí phù hợp; Thiếu các cơ quan chuyên môn, cơ quan giám định độc lập phục vụ cho công tác công bố thông tin phục vụ cấp đơn bảo hiểm và giám định tổn thất.

Thứ tư, sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các bộ, ban ngành trung ương và địa phương ảnh hưởng chậm trễ trong công tác triển khai.

Thứ năm, nhiều quyết định, yêu cầu đề xuất và kiến nghị của các cơ quan quản lý các cấp không phù hợp thực tế kinh doanh và thông lệ của bảo hiểm, ví dụ như yêu cầu mở rộng rủi ro điều kiện bảo hiểm, giảm phí bảo hiểm không dựa trên cơ sở thực tiễn và tính toán với căn cứ khoa học… làm cho các DNBH bị động và gặp khó khăn khi thu xếp tái bảo hiểm hoặc thuyết phục các nhà nhận tái bảo hiểm thay đổi các điều kiện/điều khoản đã ký kết từ đầu năm.

Thứ sáu, hiểu không rõ về vai trò của tái bảo hiểm nên thắc mắc về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phí trả cho các nhà tái bảo hiểm quốc tế.

Thực tế, cho đến thời điểm này, các nhà nhận tái BHNN theo chương trình thí điểm bị lỗ gần 300 tỷ đồng, cụ thể như sau:

- Tổng số phí bảo hiểm thu được: 231 tỷ đồng;

- Sổ phí các nhà tái bảo hiểm nhận được: 204 tỷ đồng;

- Hoa hồng trả cho bảo hiểm gốc: 71 tỷ đồng;

- Tổng số tổn thất: 524 tỷ đồng;

- Các nhà nhận tái phải trả bồi thường: 463 tỷ đồng (88,3%);

- Kết quả: lỗ 330 tỷ đồng (204 tỷ đồng phí tái bảo hiểm  - 534 tỷ đồng tổn thất và hoa hồng).

Như vậy, có thể nói rằng với khoản tiền 463 tỷ đồng các nhà nhận tái bảo hiểm chi trả thì người hưởng lợi trực tiếp là bà con nông dân bị tổn thất đã tham gia bảo hiểm. Khoản tiền thu được này lớn hơn hai lần số tiền mà các nhà nhận tái bảo hiểm nhận được.

Mặc dù các DNBH/tái bảo hiểm đã chủ động thương thảo với các nhà nhận tái bảo hiểm để thu xếp chương trình tái bảo hiểm của năm 2013 từ quý IV/2012 nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chương trình tái bảo hiểm của 2013 vẫn chưa thu xếp xong và còn tới 20% chưa được bảo vệ.

Nguyên nhân chủ yếu là do ngoài việc BHNN khó thu xếp do rất hạn chế các nhà nhận tái bảo hiểm thì BHNN của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm cũng chưa có nhiều hấp dẫn (rủi ro cao, điều kiện rộng, phí rất cạnh tranh, tỷ trọng phí bảo hiểm cây lúa tháp, thủy sản cao, thiếu sự minh bạch về số liệu, nhiều vấn đề liên quan đến giám định tổn thất và giải quyết bồi thường…).

Hơn nữa, kết quả kinh doanh BHNN theo chương trình thí điểm trong năm 2012 có kết quả không thuận lợi và theo kế hoạch năm 2013 thì thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số phí bảo hiểm.

Một số kiến nghị

Để có thể khắc phục được những hạn chế và khó khăn nêu trên và đảm bảo chương trình thí điểm thành công, đạt được mục tiêu đề ra của chương trình, từ góc độ của một DN chuyên tái bảo hiểm, Vinare đã có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, triển khai BHNN là chủ trương đúng của Chính phủ, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho nông dân thì BHNN còn thay đổi nhận thức về vai trò của bảo hiểm, quen dần với tập quán bảo hiểm, tăng cường công tác đề phòng hạn chế tổn thất, hạn chế việc ỷ lại vào sự cứu trợ của Chính phủ... Do đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về phí bảo hiểm cho nông dân (cả chương trình thí điểm và triển khai rộng rãi sau này).

Thứ hai, mở rộng quy mô địa bàn bảo hiểm đối với cây lúa để phục vụ được số đông nông dân.

Thứ ba, Bộ Tài chính cần trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các DNBH và tái bảo hiểm nhau sau:

- Bù lỗ cho các DN thực hiện chương trình thí điểm trong các năm 2012, 2013. Bởi, trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc kinh doanh bảo hiểm hầu như không có lợi nhuận, nay các DN lại phải chịu khoản lỗ do thực hiện thí điểm BHNN là gánh nặng đối với các DN.

- Bảo vệ (nhận lại) đối với tỷ lệ tái bảo hiểm là 25% còn lại do các DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) không thu xếp được. Theo dự kiến kế hoạch 2013 của các DN, trong trường hợp xấu nhất (thảm họa), số tiền bồi thường cao nhất đối với 25% không được các nhà nhận tái bảo hiểm bảo vệ lên đến 1.035 tỷ đồng. Nếu các DNBH phải gánh chịu số tiền này thì nguy cơ phá sản là có thể nhìn thấy được.

- Tham gia cùng các DNBH/tái bảo hiểm Việt Nam trong chương trình tái bảo hiểm (cả đối với chương trình thí điểm và về định hướng lâu dài về sau), cụ thể: đối với trường hợp thảm họa (tổn thất quá lớn), số tỷ lệ tổn thất (bồi thường so với phí bảo hiểm) 150% hay 180% hay 200% (trên phí bảo hiểm) thì Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm, số tiền tổn thất nếu dưới tỷ lệ này các DN phải chịu. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này.

- Các cơ quan chính quyền địa phương cần có chính sách và sự hỗ trợ tích cực các DNBH trong tuyên truyền, trong khi triển khai cấp đơn bảo hiểm và giải quyết bồi thường.

- Các DNBH cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm, điều kiện/điều khoản bảo hiểm và phương thức tái bảo hiểm phù hợp hơn với thị trường.

(*) Bài viết này được lược trích từ Tài liệu Hội nghị đánh giá thí điểm BHNN do Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.