Bảo hiểm thủy sản: Không chỉ là chuyện bồi thường

Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản được triển khai thí điểm chưa bao lâu, lại gặp đúng thời điểm dịch bệnh trong khi quan niệm của người dân và của cả cơ quan bảo hiểm về bảo hiểm nông nghiệp đối với lĩnh vực thủy sản còn chưa cùng một hướng. Có thể thấy, không chỉ là chuyện bồi thường, quan trọng là quyền lợi của người dân và cơ quan bảo hiểm phải song hành và theo cơ chế đôi bên cùng có lợi.

Bảo hiểm thủy sản: Không chỉ là chuyện bồi thường
Bảo hiểm đã tiến hành chi trả cho nhiều người dân bị thiệt hại. Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Thiệt hại và trục lợi

Ngành bảo hiểm đã triển khai hợp đồng bảo hiểm ở một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo dư luận, cả ngành bảo hiểm và người dân đều rất phấn khởi. Có thể ví bảo hiểm như sợi dây an toàn khi người thợ leo lên cao. Càng lên cao càng cần sợi dây bảo hiểm chắc chắn. Khi có sự cố xảy ra, thay vì phá sản, bỏ nghề, bảo hiểm sẽ cho người nông dân một cơ hội để họ có thể gắn bó với ngành bằng nguồn vốn dự phòng.

Thời gian vừa qua, nguồn vốn “ứng cứu” này đã tới được người dân. Bảo hiểm đã tiến hành chi trả cho nhiều người dân bị thiệt hại, đồng thời đang hoàn thiện nhiều hồ sơ khác để thực hiện việc chi trả cho người nuôi. Tuy vậy, một sự kiện hi hữu đã xảy ra: Theo ước tính thì số tiền chi trả bảo hiểm quá lớn, có thể khiến các công ty bảo hiểm “vỡ trận”. 

Hợp đồng bảo hiểm tại Bạc Liêu tăng đột biến, gấp 3 - 4 lần so với dự kiến. Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, chỉ tính riêng hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, đến hết năm 2012, số tiền đề nghị bồi thường đã lên gần 200 tỷ đồng (và còn tiếp tục tăng), quá 300 - 400% số phí thu được. Các công ty bảo hiểm rơi vào cảnh không thể không trả cho người dân theo hợp đồng đã ký, mà nếu trả thì họ sẽ trở thành con nợ.

Người dân nhiều tỉnh tỏ ra bức xúc, cho rằng các công ty bảo hiểm đã chiếm dụng vốn Nhà nước khi chậm chi trả cho dân. Trong khi đó các công ty phải rà soát, kiểm tra, tính toán lại thiệt hại. Nhân lực, thời gian, công sức để kiểm tra, giám định thiệt hại cũng tốn không ít. Mỗi ngày Bảo Việt Sóc Trăng nhận hàng trăm cú điện thoại “kêu cứu” vì tôm cá chết. Người đi giám định sợ dân trục lợi, thiệt hại ít mà hô lên nhiều. Dân sợ người giám định không đánh giá đúng thiệt hại, nghĩ sai về dân.

Giám đốc một công ty nuôi trồng thủy sản chia sẻ: "Việc trục lợi là có; chẳng hạn nuôi ít, để tôm chết, lấy bồi thường. Song hiện tượng đó rất ít. Quá trình nuôi của người dân gắn với việc cung cấp giống, thức ăn, phụ thuộc vấn đề phải có tôm nguyên liệu bán cho nhà máy nên không dễ để... nuôi ảo”. Theo đánh giá của một số người nuôi trồng, số tiền đền bù của bảo hiểm vẫn không thể đủ chi phí đầu tư, chưa kể việc đền bù không dễ dàng, nhanh chóng.

Lãnh đạo một công ty bảo hiểm ở TP.  Hồ Chí Minh cho biết, người dân còn có cách nhìn chưa đúng về bảo hiểm. Chẳng hạn, “người dân cho đây là vốn hỗ trợ của Chính phủ. Thực chất, ngành bảo hiểm là một đơn vị kinh doanh. Cũng như người nông dân, ngành bảo hiểm cũng có những mục tiêu của mình” - ông nói.

Vấn đề ở đây là quyền lợi của người dân và của ngành bảo hiểm phải song hành với nhau và phải là cơ chế đôi bên cùng có lợi chứ không phải kiểu bảo hiểm mang tính bao cấp. 

Cùng trên một con thuyền

Nhiều người, kể cả nhân viên ngành bảo hiểm, cũng cho rằng ngân sách bảo hiểm là dành chi trả cho người dân lúc khó khăn. Thật ra đó chỉ là một phần nhỏ trong tác động nhiều mặt của ngân sách bảo hiểm. Vốn của ngành Bảo hiểm phải được sử dụng linh hoạt và giúp dân ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra chứ không phải chờ thiệt hại xảy ra để bồi thường. Đồng vốn do dân và Nhà nước huy động phải dùng để ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời tác động tích cực lên quá trình nuôi trồng. Đó mới là những đồng vốn có khả năng sinh lợi cho cả đôi bên.

Mới đây, tham dự cuộc ký kết thỏa thuận hợp tác của ngành bảo hiểm với Công ty Văn Minh AB tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thấy ngành Bảo hiểm có những nỗ lực đi theo hướng này. Công ty Văn Minh AB không chỉ là đại lý bảo hiểm mà còn có trách nhiệm đưa ra và giám sát quy trình nuôi cho khách hàng của mình. Với kinh nghiệm, chuyên môn và đội ngũ nhân lực sẵn có, Văn Minh AB cùng với nhiều công ty thủy sản khác hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc giám sát và giúp đỡ người nuôi tránh thiệt hại.

Lãnh đạo Công ty Văn Minh AB nói: “Mục đích cuối cùng của chúng tôi là tạo ra vùng nguyên liệu ổn định và cung cấp tôm cá nguyên liệu cho các nhà máy. Do đó, việc trục lợi bảo hiểm từ phía chúng tôi sẽ không thể xảy ra; chưa kể, trong quá trình thực hiện quy trình nuôi trồng, chúng tôi còn cung ứng một nguồn vốn không nhỏ cho nông dân, nên chúng tôi cũng phải bảo toàn nguồn vốn của mình”.

Việc hợp tác giữa ngành Bảo hiểm với các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành Thủy sản sẽ mở ra hướng đi mới, kết hợp sức mạnh tổng hợp trong ngành để giải quyết vấn đề nan giải xưa nay của ngành là tính rủi ro cao. Khi quy trình nuôi trồng tốt, rủi ro sẽ giảm dần, ngành Bảo hiểm sẽ không bị vỡ nợ, người dân cũng có được những nguồn thu ổn định, tránh khỏi cảnh bấp bênh bên thửa ruộng của mình.

Ông Nguyễn Công Bình - Giám đốc Bảo Việt Sài Gòn cho biết, việc hợp tác với Văn Minh AB đang được đẩy mạnh triển khai. “Bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản là cần thiết, vấn đề là phải có hiệu quả cao” - ông Bình nói.