Bảo hiểm vi mô: Công cụ bảo vệ cho người nghèo

PV.

Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bao gồm các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội.

Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.
Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.

Không chỉ được coi như một công cụ hữu hiệu để “bảo vệ” cho những hộ gia đình nghèo, bảo hiểm vi mô còn góp phần nâng cao sự hiểu biết về nhu cầu được bảo hiểm trong cộng đồng những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình tại các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, bảo hiểm vi mô còn đem lại kiến thức về tài chính bảo hiểm hay đơn giản hơn là giúp những người dân nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Hiện nay, bảo hiểm vi mô được triển khai với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, Bộ đã phê chuẩn cho 03 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm: Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam. Trong đó, Prudential, Dai-ichi đã dừng cung cấp sản phẩm này.

Là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường còn triển khai sản phẩm này, Manulife Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cung cấp đa dạng các loại hình bảo hiểm vi mô với các sản phẩm cung cấp nhiều quyền lợi gồm: quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, trợ cấp thu nhập khi nằm viện và hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng khi đáo hạn nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Sản phẩm bảo hiểm trên có mức phí 300.000đồng/năm (tương ứng 25.000đồng/tháng) và được thiết kế đơn giản. Đối tượng tham gia là hội viên Hội liên hiệp phụ nữ có độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, có thu nhập thấp và không ổn định, tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Về địa bàn triển khai, Manulife đã được Bộ Tài chính chấp thuận cho phép triển khai tại 22 tỉnh, thành phố. Tính đến hết quý II/2016, số lượng hợp đồng có hiệu lực của Công ty là 72.255 hợp đồng với tổng số phí bảo hiểm thu được là 8,9 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, một số tổ chức chính trị-xã hội cũng đã và đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho các hội viên của mình, điển hình là Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng.

Được biết, Hội Liên hiệp phụ nữ bắt đầu triển khai bảo hiểm vi mô từ tháng 6/2016. Tính đến ngày 30/6/2016, Hội đã cung cấp 1 sản phẩm là Sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay với số lượng thành viên tham gia là 6.278 người và doanh thu phí bảo hiểm đạt 422 triệu đồng.

Về phía Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng, từ cuối năm 2013 đến nay việc triển khai bảo hiểm vi mô sau 2 năm đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng đã cung cấp 02 sản phẩm bảo hiểm là Sản phẩm bảo vệ sinh mạng vốn vay và Sản phẩm nhân thọ cơ bản (Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khi nằm viện, tử vong/thương tật toàn bộ vĩnh viễn). Số lượng thành viên tham gia bảo hiểm vi mô của tổ chức này lên đến 8.936 người với doanh thu phí bảo hiểm đạt 1,52 tỷ đồng, tổng số quyền lợi được chi trả là 408,8 triệu đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Bộ Tư pháp tham gia ý kiến đối với căn cứ pháp lý và nội dung Dự thảo Quyết định hướng dẫn triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô.