Bảo hiểm Việt Nam: Thực hiện thành công các giải pháp chỉ đạo của Đảng, Nhà nước

PHÙNG NGỌC KHÁNH – Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Bảo hiểm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam, ở bất kỳ ở quốc gia nào cũng luôn tìm nhiều cách khác nhau để thúc đẩy, khuyến khích hoạt động bảo hiểm phát triển, tăng số lượng các loại bảo hiểm bắt buộc, miễm giảm thuế thu nhập đối với người kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà bảo hiểm đầu tư… Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều giải pháp chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước.

Buổi tập huấn Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính.
Buổi tập huấn Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến khó lường, bất ổn, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khá tích cực và ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội. Đó là thị trường bảo hiểm Việt Nam góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; thực hiện thành công các giải pháp về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và các Nghị quyết của Chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, có thể đề cập tới một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm như sau:

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, hiện có khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, một chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 17 DNBH nhân thọ, hai DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm. Trong giai đoạn này, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng, trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là một triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỷ đồng. …

Đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 11,7%/năm; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 24,6%/năm; Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tính đến hết năm 2015, tổng dự phòng nghiệp vụ nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các DNBH ước đạt 130.391 tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với năm 2010; Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH, tính đến hết năm 2015 ước đạt 157.266 tỷ đồng, tăng 1,99 lần so với năm 2010, hoàn thành vượt chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg vào cuối năm 2015. Trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp hơn 4.975 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối NSNN.

Với chức năng cơ bản của bảo hiểm đã được định sẵn, bảo hiểm đã góp phần tích cực trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Với 80% công trình lớn của nhà nước được bảo hiểm thì khi có rủi ro DNBH sẽ là đầu mối giải quyết bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác bảo hiểm còn đóng vai trò là kênh đầu tư trở lại đối với nền kinh tế khi DNBH tham gia mua trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 20-30 năm; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản... Trong thực tế, việc kịp thời khắc phục hậu quả thông qua bảo hiểm cùng các nhà đầu tư khắc phục hậu quả đã góp phần ổn định và thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế mà tiêu biểu là các vụ bồi thường tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh năm 2014 là minh chứng cụ thể… góp phần làm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Nỗ lực của ngành Bảo hiểm cũng đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế với tổng số dư đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 157.266 tỷ đồng cho đến hết năm 2015. Trong đó, tổng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào trái phiếu Chính phủ đạt gần 89.000 tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội

Tính đến hết năm 2015, đã có hơn 10 triệu lượt người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu lượt học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%). Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Đối với phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập thấp, một số doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức xã hội cũng đã triển khai bảo hiểm vi mô dành cho người có thu nhập thấp. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô phi nhân thọ chủ yếu được thực hiện qua chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư

Theo báo cáo của các DNBH, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế hiện đã lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm: Vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD). Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế

Ngay từ khi hình thành, các công ty tái bảo hiểm quốc tế đã có quan hệ chặt chẽ với thị trường bảo hiểm trong nước. Qua đó, không chỉ cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý rủi ro và bồi thường cho người tham gia bảo hiểm trong nước.

Việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài (26 DNBH có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ

Sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đến nay chúng ta đã “gặt hái” được một số kết quả khả quan: Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm là 304.017; Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; Tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng. Kết quả trên đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, góp phần thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Việc triển khai bảo hiểm thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đang được thực hiện tại 26/28 tỉnh.

Các chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử, hiện đang được triển khai nghiên cứu xây dựng, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tạo lập cơ chế bảo vệ tài chính, bồi thường cho các rủi ro, thiệt hại có thể lên tới mức độ thảm họa, góp phần giảm nhẹ gánh nặng của ngân sách nhà nước.

Ngoài những nội dung trên, Bảo hiểm Việt nam còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ.

Phân tích thị trường cho thấy, dư địa phát triển của bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 (Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI), nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân đạt khoảng 7-8%/năm; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, theo đó tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ được nâng cao chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư được thu hẹp.

Theo Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ), Nhà nước sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đạt chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế các loại thị trường dịch vụ. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế và các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ của Chính phủ trong thời gian sắp tới cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của thị trường bảo hiểm. Mức độ thâm nhập của bảo hiểm hiện nay mới chỉ đạt khoảng 2% so với GDP, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,55%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%). Đặc biệt, một số lĩnh vực như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe... tiềm năng của thị trường vẫn chưa được khai thác hết.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 xác định, Việt Nam sẽ phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Tóm lại, với những kế hoạch và dự định trên, thị trường bảo hiểm chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tiếp tục khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế xã hội.