Bảo hiểm Y tế - nguồn lực y tế cơ sở

Theo Quốc Túy/daibieunhandan.vn

Nghị quyết số 20 - NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã quán triệt quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân”, song hiện nay, y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Góp phần giảm tải cho tuyến trên

Theo đánh giá của Bộ Y tế, BHYT là cơ chế tài chính y tế cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện BHYT toàn dân, ưu tiên sử dụng Quỹ BHYT tại Trạm y tế xã góp phần bảo đảm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), hướng đến bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, thời gian qua, nhiều hoạt động nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS đã được Ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện. 

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến YTCS. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật KCB và 241 thuốc mà trạm y tế tuyến xã phải cung cấp.

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Theo đó, Bộ đề nghị bỏ quy định giao Quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế tối đa bằng 20% Quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú, việc bỏ quy định giao quỹ sẽ nâng mức chi trả chi phí khám chữa bệnh tại Trạm y tế tuyến xã, qua đó nâng chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng người bệnh lên tuyến trên điều trị gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Hướng tới BHYT toàn dân

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân do chất lượng dịch vụ y tế tại hệ thống YTCS còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tại tuyến ban đầu, năng lực hoạt động của các cán bộ y tế tại YTCS còn hạn chế, danh mục thuốc cho các trạm y tế còn ít, nghèo nàn.

Tại nhiều địa phương miền núi diện tích rộng, xa trung tâm thì chỉ có mỗi một trạm y tế trong khi trạm này chưa được đầu tư thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi nhiều xã, phường ngay vùng đồng bằng sát cạnh bệnh viện huyện vẫn xây trạm y tế to trong khi không có bệnh nhân. Chính vì thế, dẫn đến sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa người dân miền núi và vùng đồng bằng.

Bên cạnh đó, YTCS còn có khó khăn về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho YTCS phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để giải quyết những vấn đề trên, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS.

Tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của YTCS như: Ðưa trạm y tế trực thuộc Trung tâm Y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới về kỹ thuật chuyên môn, tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân.