Bảo vệ môi trường trước, thu hút FDI sau

Theo doanhnhansaigon.vn

Theo số liệu mới nhất về đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 20/8/2016, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký 9,795 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra còn có 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng thêm 4,571 tỷ USD. Như vậy trong 8 tháng qua, đầu tư nước ngoài đã tăng thêm 14,366 tỷ USD.

Ô nhiễm môi trường do hoạt động đầu tư ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường do hoạt động đầu tư ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tình hình này là một biểu hiện lạc quan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá thành công của nền kinh tế trong các báo cáo cuối năm, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu và góp phần đáng kể vào cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Thế nhưng trong niềm vui ấy vẫn còn nhiều nỗi lo triền miên và đang đặt ra nhiều thách thức, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động đầu tư ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nghiên cứu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện năm 2015 vừa được công bố mới đây cho thấy, có đến 60% tổng số doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, trong đó 23% vượt quy chuẩn cho phép từ 5 - 12 lần.

Gần 70% doanh nghiệp FDI cho biết, đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường từ 10 - 50% so với đầu tư ở nước họ. Tháng 4/2016, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố nghiên cứu tác động môi trường của khu vực FDI tại Việt Nam cảnh báo ngày càng nhiều dấu hiệu đáng lo.

Điển hình năm 2008, Công ty Vedan Việt Nam xả thải, gây ô nhiễm trên sông Thị Vải (Đồng Nai). Với việc xả chui 100.000m³ nước thải độc ra sông mỗi tháng, bán kính ô nhiễm rộng tới 10km dọc bờ sông Thị Vải, Vedan đã làm thiệt hại gần 2.700ha nuôi trồng thủy sản của Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây nhất, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Đài Loan đã xả thải hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế).

Sự cố môi trường tại miền Trung thời gian qua đã là hồi chuông cảnh báo, đặt ra trách nhiệm bảo vệ môi trường cho tất cả chúng ta. Hiện nay thực tế ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, từ rừng, đất đai, nguồn nước, không khí, khói bụi… gây nhiều thách thức lớn như sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Nguyên nhân là do ngoài việc hạn chế về tầm nhìn chiến lược, nhận thức, hiểu biết, kinh nghiệm… thì người đứng đầu các địa phương và ngay cả các bộ, ngành ở trung ương cũng chưa phát huy hết trách nhiệm của mình. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật, lương tâm trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp có vấn đề; hiểu biết của người dân về bảo vệ môi trường có giới hạn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Bảo vệ môi trường diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng; các vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát; nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, gây bất ổn xã hội.

Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Ô nhiễm môi trường bùng phát là do tích tụ từ lâu qua nhiều năm, trong quá trình phát triển.

Từ thực trạng đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.

Chính phủ có nhiều biện pháp tập trung chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực trạng ô nhiễm môi trường, những yếu kém, thách thức vẫn hiện hữu, chưa có biện pháp giải quyết tập trung ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các địa phương đang là cơ quan quản lý, cấp giấy phép trực tiếp các dự án đầu tư.

Thực tế ở nước ta thời gian qua cho thấy việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phân cấp mạnh về các tỉnh và không ít tỉnh đã chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao và chấp nhận các dự án FDI khai thác tài nguyên giá rẻ, với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị người dân phản ứng mạnh mẽ.

Giáo sư Đỗ Thanh Bái (Viện Hóa học Việt Nam), một người quan tâm đến vấn đề này, cho rằng trước đây tiêu chuẩn quá dễ dàng để trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ như vậy chúng ta chưa nhìn nhận hết khả năng ô nhiễm, tiếp nhận chất thải trong công nghiệp, cứ tiếp tục đầu tư nhưng năng lực tiếp nhận của môi trường đã chạm mức trần.

Bên cạnh đó, vấn đề tiếp nhận công nghệ ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, chuyển giao nhưng không được như chúng ta mong muốn, hệ quả nhận chuyển giao công nghệ nhưng chưa làm chủ công nghệ dẫn tới lượng chất thải nhiều, rủi ro lớn.

Các chuyên gia cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thu hút đầu tư, cần thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) bằng một hệ thống tiêu chí dùng chỉ tiêu GNI (Tổng sản phẩm quốc dân) có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Cụ thể, GNI = GDP + lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về – lợi nhuận FDI chuyển về nước họ.

Ngoài ra phải có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ, tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công vận hành.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, thể hiện ở việc chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng để phát triển bền vững thì cần phải biết nói không với những dự án FDI có tác động xấu đến môi trường. Việc thu hút đầu tư nước ngoài phải giảm thiểu tác động tới môi trường.

Bên cạnh chính sách khuyến khích đầu tư, Việt Nam đã đưa ra nhiều thể chế, cơ chế để bảo vệ môi trường tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với luật pháp quốc tế. Một trong những cơ chế đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường khá phù hợp với quy định trong luật pháp quốc tế, cung cấp tiêu chí đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, năng lực của chúng ta qua việc thực hiện còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh đó, Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-MUTRAP) giúp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện hai công trình nghiên cứu về “Khung chính sách nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” và “Tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” là một hướng mở đáng ghi nhận.

Các nghiên cứu tập trung vào việc xem xét khung khổ pháp luật, chính sách nhằm giảm thiểu các tác động môi trường của các doanh nghiệp và liên doanh FDI, cũng như tình hình thực hiện các quy định về pháp luật môi trường của các doanh nghiệp đó. Từ đó, xây dựng chính sách và đưa ra những kiến nghị phù hợp trong thời gian tới nhằm hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động môi trường từ các dự án FDI, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU.

Bảo vệ tài nguyên – môi trường là việc quốc gia hệ trọng mà theo xu thế hiện nay còn quan trọng hơn cả nhu cầu phát triển kinh tế của một đất nước. Điều này giải thích tại sao hiện nay các quốc gia tiên tiến luôn cân nhắc hướng phát triển đất nước phải ưu tiên xem xét đến các yếu tố về bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản có hạn, cũng như ảnh hưởng của việc khai thác đối với môi trường tự nhiên – xã hội và văn hóa khu vực, bởi nếu không sẽ có thể gây nên những ảnh hưởng xấu chưa lường hết được cho các thế hệ tương lai. Bảo vệ môi trường vì thế cũng phải được xếp vào loại chính sách quốc gia ưu tiên hàng đầu.

Cũng đã có nhiều góp ý từ các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn bớt những hậu quả ô nhiễm môi trường có thể phát sinh thêm trong tương lai do một số dự án đã được ký duyệt, sắp sửa tiến hành hoặc thậm chí đã tiến hành mà chưa thẩm định kỹ, Chính phủ nên thiết lập một định chế đặc biệt tạm gọi là “Ủy ban Môi trường Quốc gia”, để tái thẩm định tính khả thi của những dự án này, về phương diện môi trường, với sự tham gia của các nhà khoa học có thực tài trong nước cùng sự tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.