“Bệ đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ chính sách tài chính

TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường và các điều kiện cho khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm… giúp bảo đảm tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó chú trọng các chính sách tài chính với vai trò “bệ đỡ” là yêu cầu bức thiết nhất, giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016

Xem xét trên tiêu chí số lượng doanh nghiệp (DN) và số vốn đăng ký thành lập mới trong suốt giai đoạn 1991-2016 có thể nhận thấy, DN khởi nghiệp không ngừng phát triển, đặc biệt trong 6 năm trở lại đây (2011-2016). Ngay trong thời điểm kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn (2011-2013) nhưng cả nước vẫn có thêm 224.200 DN thành lập mới, bằng 41% tổng số DN được thành lập trong suốt 20 năm trước đó (1991 - 2010).

Giai đoạn 2014-2016, nền kinh tế thoát khỏi đáy suy thoái, cùng với khung chính sách ngày càng hoàn thiện (Luật DN 2015, Luật Đầu tư 2015…) tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi sự hoạt động kinh doanh, số lượng DN đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng lên. Theo đó, năm 2014 có thêm 74.800 DN đăng ký thành lập mới và năm 2015 có số DN thành lập mới đạt 94.750, tăng 26,6% so với năm 2014.

Sáu tháng đầu năm 2016, cả nước có 54.501 DN đăng ký thành lập mới, tăng 20% về số DN so với cùng kỳ năm 2015 (so với cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới 6 tháng đầu năm 2015 tăng 21,7%).

Bên cạnh số lượng DN thành lập mới ngày càng tăng lên, số vốn của DN cũng dần phục hồi và theo xu hướng tăng. Năm 2014, số vốn đăng ký thành lập mới DN tăng 8,4% so với năm 2013 và năm 2015 tăng 39,1% so với năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký thành lập mới là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2015. Xét về quy mô vốn/DN cũng có sự cải thiện đáng kể từ 5,13 tỷ đồng năm 2013 lên 6,3 tỷ đồng vào năm 2015. Với làn sóng khởi nghiệp đang tăng tốc và ngày càng mạnh mẽ, số lượng DN thành lập mới sẽ ngày càng tăng, kỳ vọng đạt 1 triệu DN vào năm 2020.

Chính vì vậy, để đẩy mạnh và khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp, Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước đang xây dựng và đề xuất các chính sách hỗ trợ đối tượng này, trong đó, chính sách tài chính được coi là bệ đỡ cho DN khởi nghiệp.

Chính sách tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số chính sách tài chính gồm các chính sách hỗ trợ trực tiếp (như chính sách thuế, chính sách tín dụng) và chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườm ươm. Cụ thể:

Thứ nhất, ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) với các mức độ ưu đãi khác nhau dành cho DN khởi nghiệp (các DN thành lập mới hoặc thực hiện các dự án đầu tư mới) có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc thực hiện đầu tư tại các khu vực kinh tế - xã hội kém phát triển, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Trong đó, mức độ ưu đãi cao nhất cho áp dụng mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới của DN khởi nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Thứ hai, chính sách tín dụng đối với DN khởi nghiệp bao gồm: Các ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Hỗ trợ DNNVV được áp dụng đối với các DN khởi nghiệp đáp ứng về quy mô lao động hoặc nguồn vốn là DNNVV, hoặc đáp ứng được các tiêu chí đối với DN đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, mô hình phát triển vườn ươm DN trong một số lĩnh vực ưu tiên như KHCN nhằm hỗ trợ cho DN thành lập mới. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí thành lập, hoạt động các vườm ươm công lập (Vườn ươm Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh); Vườn ươm CRC (Đại học Bách khoa Hà Nội); Vườn ươm khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Vườm ươm DN (công viên phần mềm Quang Trung TP. Hồ Chí Minh)… và các ưu đãi về thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TNCN…) đối với các vườn ươm.

Thông tư 214/2015/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi về hỗ trợ ngân sách nhà nước, thuế và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định tại Quyết định 1193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp các DN khởi nghiệp hình thành và phát triển.

Các vườn ươm đã có thể cung cấp cho DN khởi nghiệp một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ và bổ sung những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết, giảm bớt rủi ro đầu tư và kinh doanh, giảm nguy cơ phá sản đối với các DN khởi nghiệp. Nhìn chung, các chính sách đã từng bước hỗ trợ DN khởi nghiệp, tạo nhiều kênh huy động vốn cho DN và góp phần quan trọng trong giảm thiểu rủi ro khởi nghiệp, gia tăng khả năng tồn tại và phát triển cho DN khởi nghiệp.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển nhanh của hệ sinh thái khởi nghiệp với các cấu phần mới nên cơ chế chính sách và khung pháp lý chưa được bổ sung kịp thời để điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những DN khởi nghiệp theo phương thức mới như Quỹ Đầu tư mạo hiểm Việt Nam, sự công nhận giá trị bằng tiền của tài sản vô hình trong góp vốn thành lập công ty hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với DN khởi nghiệp... Cụ thể:

- Các chính sách tài chính đối với việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn chung chung, chỉ là một cấu phần nhỏ trong một số chương trình, chưa tập trung cụ thể vào đối tượng khởi nghiệp. Chính sách thuế hiện hành theo hướng hỗ trợ DN theo địa bàn, lĩnh vực nên bất kỳ DN nào đáp ứng được các điều kiện ưu đãi thì sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng. Do đó, nếu DN khởi nghiệp không thực hiện kinh doanh tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành thì cũng không được hỗ trợ về thuế.

- Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các DN khởi nghiệp ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các DN khởi nghiệp, đặc biệt là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn. Giai đoạn 2011-2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng nhưng kết quả cho vay đối với DNNVV vẫn còn khá khiêm tốn, tỷ lệ dư nợ cho vay trung bình khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

- Mô hình vườm ươm ở nước ta đang trong giai đoạn đầu hình thành, quy mô nhỏ, hoạt động ươm tạo khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguồn tài chính đầu tư hiện nay cho các vườn ươm vẫn còn hạn chế và mang tính chất thử nghiệm, các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn chưa quan tâm nhiều đến chương trình.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Với việc thừa nhận vai trò to lớn của DN khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước đã bắt đầu có những động thái về mặt chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp. Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ DN đến năm 2020, Chính phủ đã nhấn mạnh cần tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, để DN khởi nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển bền vững, cần có các chính sách và quy định pháp luật phù hợp, trong đó, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, chính sách phát triển vườm ươm… sẽ tạo nền tảng ban đầu về nguồn lực tài chính cho DN khởi nghiệp.

Một là, về chính sách thuế: Thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với các DN khởi nghiệp nhằm giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.

Thực hiện các ưu đãi thuế (miễn giảm thuế TNDN, thuế chuyển nhượng vốn, cho phép khấu trừ đối với chi phí nghiên cứu phát triển) được các nước như Ấn Độ, Anh, Hà Lan… áp dụng; trong đó thuế TNDN thường được miễn trong khoảng từ 3-5 năm đầu khi DN mới thành lập, sau đó sẽ áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông; các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn tại DN khởi nghiệp sáng tạo của các nhà đầu tư được miễn thuế trong trường hợp đầu tư tại thời điểm DN khởi nghiệp sáng tạo chưa có lợi nhuận tính thuế.

Hai là, về chính sách tín dụng: Tập trung vào các chính sách như bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các DN khởi nghiệp trong giai đoạn đầu thành lập nhằm giải quyết bài toán về vốn cho DN. Cụ thể:

- Bảo lãnh tín dụng: Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho những DN khởi nghiệp đi kèm các cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu.

- Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng nhằm huy động vốn cho khởi nghiệp: Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một DN khởi nghiệp nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn, thiếu tài sản đảm bảo của các DN khởi nghiệp, các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn tại ngân hàng thương mại là điều hết sức khó khăn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Chính phủ các nước thường tạo điều kiện để khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp (Singapore, Isarel, Hà Lan…) và khuyến khích các hình thức gọi vốn từ số đông cộng đồng (Mỹ, Đức, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…), hoặc Chính phủ phối hợp với nhà đầu tư tư nhân đầu tư vốn ban đầu vào các DN khởi nghiệp theo hướng vốn đối ứng nhằm giảm thiểu rủi ro cho đầu tư khởi nghiệp.

Trong đó, để hình thành Quỹ khởi nghiệp, Nhà nước cần tham gia góp vốn (tối đa 30%) và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các các nhà đầu tư tư nhân tham gia (sau 05 năm). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp theo hướng tạo khung pháp lý để quản lý, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn.

Ba là, đối với hỗ trợ gián tiếp cho DN khởi nghiệp thông qua thúc đẩy vườm ươm DN hoạt động có hiệu quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho vườm ươm. Theo kinh nghiệm của các nước (Mỹ, Isarel, Australia, Malaysia,..) để vườm ươm công lập hoạt động có hiệu quả thì Nhà nước sẽ thực hiện các hỗ trợ ban đầu như cấp đất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành, sau đó để vườm ươm hoạt động theo cơ chế tự chủ theo hướng các DN ươm tạo sẽ trả kinh phí cho vườm ươm khi bắt đầu có doanh thu.

Cơ chế này góp phần tạo động lực thúc đẩy vườm ươm tìm cách hỗ trợ DN một cách tối ưu để DN hoạt động có hiệu quả. Không chỉ vậy, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế chính sách cho sự ra đời và phát triển của các vườm ươm tư nhân.

Bốn là, các giải pháp khác:

- Hỗ trợ tiền mặt: dựa trên cân đối thu, chi NSNN, Chính phủ nghiên cứu, xem xét giải pháp  hỗ trợ các DN khởi nghiệp thông qua hỗ trợ một lượng tiền mặt theo một tỷ lệ nhất định trên vốn tự có của DN;

- Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách khuyến khích về các nhà đầu tư xây dựng các khu dịch vụ dùng chung cho các DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa như hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng.

-  Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DN khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DN khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN khởi nghiệp. Mô hình này đã rất thành công trong việc hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, góp phần giảm bớt áp lực huy động nguồn tài chính - thường là gánh nặng đối với các DN mới thành lập.  

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê, Động thái và thực trạng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa;

3. TS. Trần Lương Sơn, ThS. Chu Thái Hòa, Nhà nước và khởi nghiệp: Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam;

4. Action Plan: Starting a startup revolution http://www.iisermohali.ac.in/StartupIndia_ActionPlan_16January2016.pdf;

5. OECD (2012), Entrepreneurship policy framework and implementation guidance;

6. OECD (2012a), Financing SMEs and Entrepreneurship: An OECD Scoreboard, OECD, Paris.