Bệ phóng thương mại năm 2017

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2017, dù còn không ít khó khăn, nền kinh tế trong nước và thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường dầu thô, thị trường chứng khoán trên thế giới. Vậy, bệ phóng nào cho hoạt động thương mại Việt Nam tăng tốc trong năm 2017?

Năm 2017, nền kinh tế trong nước và thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2017, nền kinh tế trong nước và thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2017 sẽ tăng trưởng 3,5% (năm 2016 là 3,2%). Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 tăng 3,1% (năm 2016 là 2,9%).

Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 được Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo sẽ hồi phục tăng trưởng vượt mốc 3% do những yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ giảm bớt.

Kỳ vọng “con hổ kinh tế”

Ở trong nước, năm 2017, giới chuyên gia cho rằng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được cho là sẽ tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh), cho biết trong những ngày cuối năm 2016, chúng ta có tin mừng là chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên 8 bậc.

Liệu trong tương lai, Việt Nam có nỗ lực để trở thành “con hổ kinh tế” mới của khu vực với sự đột phá về chất hay không vẫn là điều kỳ vọng của giới chuyên gia và truyền thông quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.

Ông Dũng chia sẻ mình vẫn là người “thần thánh hoá” Hiệp định TPP. Với chính sách bất định của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, một số điều khoản trong TPP có thể thay đổi theo hướng có lợi cho người Mỹ và có thể bất lợi cho phía Việt Nam.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn Mỹ cao thì sẽ giúp nâng cao chất lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trên thực tế, vẫn có không ít ý kiến cho rằng có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn cứ là Việt Nam.

Thế nhưng, như quan điểm khác của chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, nếu có TPP thì hoàn toàn khác với không có chứ sao lại có thể nhận định qua loa là giống nhau được. Việt Nam coi Mỹ như thị trường hàng đầu và giúp cho Việt Nam phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần theo dõi có hay không cuộc chiến thương mại tay ba giữa Mỹ, Trung Quốc với Việt Nam.

Nếu như có xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Không riêng vấn đề này, những biến động của nền kinh tế thế giới đòi hỏi các DN Việt cần phải chủ động theo dõi sát sao.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2017, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Nước ta sẽ triển khai thực hiện các cam kết đối với Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và ASEAN với các đối tác khác, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là TPP.

Vượt thách thức, tranh thủ thời cơ

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường.

Chưa kể, nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.

Giới chuyên gia cho rằng thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,…chưa được đẩy lùi làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Bối cảnh quốc tế và trong nước cho thấy, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội phát triển, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, phấn đấu đạt được những bước tiến mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước.

Trong mục tiêu tổng quát của năm 2017 theo định hướng của Chính phủ có nêu rõ việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, cần tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nắm giữ và chịu nhiều áp lực quản lý hoạt động thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với không ít biến động, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,8%, Bộ Công Thương cho biết phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8% so với năm 2016.

Ngoài ra, mục tiêu xuất khẩu trong năm 2017 cũng được Bộ Công Thương đề ra là tăng khoảng 6-7% so với năm 2016. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10%.

Theo khuyến nghị của giới chuyên gia, trong năm 2017, Việt Nam cần tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới, lợi thế của Việt Nam và phải coi đây là khâu đột phá, cũng như phát triển xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế.

Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung phát triển, khai thác cả các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.