BHXH Việt Nam tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra chuyên ngành

Minh Tiến

Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội nói chung, nợ đọng bảo hiểm xã hội nói riêng, việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đóng bảo hiểm xã hội được ngành Bảo hiểm xã hội chú trọng tăng cường trong năm 2018.

Năm 2018, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ thanh tra chuyên ngành. thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố. Nguồn: Internet
Năm 2018, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ thanh tra chuyên ngành. thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố. Nguồn: Internet

Thanh tra, kiểm tra BHXH tại 30 tỉnh, thành phố

Năm 2018, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ thanh tra chuyên ngành (TTCN), thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lộ trình được đưa ra trong Quyết định số 34/QĐ-BHXH do BHXH Việt Nam ban hành ngày 03/01/2018.

BHXH Việt Nam cũng giao BHXH 63 tỉnh, thành phố thực hiện TTCN, liên ngành và kiểm tra trong năm 2018. Cụ thể sẽ có 5.396 cuộc TTCN đóng; 3.844 cuộc thanh tra liên ngành; 330 cuộc kiểm tra nội bộ cơ quan BHXH; 3.585 cuộc kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động; 510 cuộc kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh và 1.825 cuộc kiểm tra các đại lý thu, đại diện chi trả.

Theo BHXH Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2017, TTCN tại 2.859 đơn vị và thanh tra liên ngành tại 2.805 đơn vị đã phát hiện 29,56 nghìn lao động thuộc đối tượng phải tham gia, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian (số tiền phải truy đóng hơn 45 tỷ đồng); hơn 27 nghìn lao động đóng không đúng mức quy định (số tiền yêu cầu truy đóng 20,25 tỷ đồng).

Số tiền các đơn vị được thanh tra đang nợ 1.862 tỷ đồng, số tiền đã nộp trong thời gian thanh tra là 590 tỷ đồng, số tiền đơn vị đã nộp khi thực hiện kết luận thanh tra là 239 tỷ đồng. Qua công tác TTCN đã phát hiện 1.840 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng dư, gửi đóng với số tiền yêu cầu thoái thu, hoàn trả hơn 5 tỷ đồng. Qua TTCN, các đơn vị ban hành 158 quyết định xử phạt với số tiền 5,7 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy, quy định giao chức năng TTCN đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho cơ quan BHXH mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH tại các doanh nghiệp hiện còn diễn biến phức tạp.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đóng BHXH

Theo thống kê, tính đến đầu tháng 7/2017, tổng số nợ trong cả nước gần 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2016; trong đó, nợ BHXH chiếm gần 9.600 tỷ đồng; nợ BHTN hơn 540 tỷ đồng, nợ BHYT là 3.625 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; chế tài xử phạt chưa tương xứng hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi chưa nghiêm…

Thực tế cho thấy, từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa có hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nào được tòa án tiếp nhận và đưa ra xét xử. Nguyên nhân do nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khiến hồ sơ khởi kiện bị… tắc!

Thực hiện quy định của Luật BHXH (sửa đổi), ngành BHXH đã tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là về nhân lực để triển khai chức năng TTCN đóng BHXH, BHYT, BHTN. Sau khi Nghị định số 21/2016/NÐ-CP về thực hiện chức năng này của ngành BHXH có hiệu lực thi hành (từ 1/6/2016), BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã khẩn trương vào cuộc.

Những kết quả trong thời gian đầu thực hiện thanh tra đóng BHXH khá khả quan so với hoạt động kiểm tra trước đây. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng các cuộc thanh tra đã được tiến hành cũng như số tiền phải thu hồi sau thanh tra với số đơn vị vi phạm cũng như tổng số nợ đọng, công tác này vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế, tại các nước đang phát triển, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ phụ trách từ 1.000 - 2.000 lao động, thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH nước ta hiện phụ trách tới 100.000 lao động.

Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện cũng rất hạn chế; việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý DN chưa đáp ứng yêu cầu; quy định về quyền xử phạt, mức xử phạt của giám đốc BHXH tỉnh còn hạn chế...