Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quyết tâm cao để vượt qua khó khăn

Huyền Trang

(Tài chính) Trước trọng trách lớn được Đảng và Nhà nước giao phó, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành riêng cho Thời báo Tài chính Việt Nam (TBTCVN) cuộc trao đổi xoay quanh những định hướng lớn, những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tài chính sẽ thực hiện trong thời gian tới. FinancePlus.vn xin đăng lại bài phỏng vấn này.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, là người được Đảng và Chính phủ  tin tưởng giao phó trọng trách điều hành nền tài chính Quốc gia trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, tác động rất lớn đến cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng sẽ chỉ đạo  ngành Tài chính có những giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành nhiệm vụ?
http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_06_12/635553.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính
 Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực tiễn cho thấy, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, tăng trưởng kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn… ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu thu nộp ngân sách của năm 2013; trong khi đó nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi cấp bách khác cũng đòi hỏi rất lớn. Nhiệm vụ thu, chi và cân đối ngân sách trong thời điểm hiện nay thực sự là một “bài toán khó” yêu cầu chúng ta phải dồn lực giải quyết.

Trước mắt, toàn ngành Tài chính sẽ nỗ lực cố gắng với quyết tâm cao nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, giải quyết nợ xấu… phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn.

Toàn ngành sẽ tập trung công sức, trí tuệ, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 31 ngày 8/11/2012 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành đầu năm nay về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Định hướng lớn sẽ là tiếp tục triển khai chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012; Nghiên cứu các chính sách tài chính để huy động các nguồn lực của xã hội tập trung cho đầu tư phát triển… tạo tích lũy cho DN.

Tới đây nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng một cách nhanh chóng để sớm đưa các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.

Thưa Bộ trưởng, các đơn vị thuộc hệ thống ngành Tài chính  như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… đã dồn lực quyết tâm bằng mọi biện pháp phấn đấu thu ngân sách đạt kết quả cao nhất cho năm 2013. Song, để mục tiêu này đạt hiệu quả hơn nữa, rất cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách. Bộ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng vậy! Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương phải có sự phối hợp chỉ đạo điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết hàng tồn kho, chính sách về thuế hỗ trợ DN… một cách đồng bộ để cùng đạt mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Có thể nhấn mạnh thêm, để thực hiện thu NSNN hiệu quả, các đơn vị ngành Tài chính cần tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế qua thực hiện rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu NS trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công… Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế kết hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ quy định.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá… tránh thất thu NSNN.

Thưa Bộ trưởng, đất nước từng trải qua nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn, do đó mục tiêu “tiết kiệm” luôn được đặt lên hàng đầu. Vấn đề này sẽ được Bộ trưởng chỉ đạo như thế nào trong thời gian tới?

Chúng ta cần phải mạnh dạn và kiên quyết cắt bỏ các khoản chi không thực sự cần thiết; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách. Đương nhiên vẫn nỗ lực để đảm bảo các khoản chi trong trong dự toán được duyệt. Ưu tiên chi cho con người (lương và tính chất lương); các khoản chi đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư các công trình quan trọng.

Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi NSNN. Cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ô tô. Hạn chế tối đa hội nghị hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định….Bộ Tài chính đề nghị tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…

Thực hiện cắt giảm dự toán chi, thu hồi bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với vốn đầu tư và kinh phí đầu tư đã giao trong dự toán 2013 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến 30/6 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định; vốn đầu tư thuộc kế hoạch 2013 đến 30/6 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai qui định.

Thưa Bộ trưởng, năm 2013 là một trong những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển Tài chính đến năm 2020, mọi vấn đề được xem như là “vạn sự khởi đầu nan”. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình tài chính- ngân sách vẫn khó khăn như hiện nay, Bộ trưởng có tin tưởng vào khả năng hoàn thành các mục tiêu như trong Chiến lược đã đề ra?

Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Mặc dù trong những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển Tài chính gặp nhiều khó khăn, thách thức (nhất là tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2013), nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản chí. Chúng ta vẫn phải kiên định thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Tài chính đến năm 2020. Với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, của Quốc hội đã và sẽ ban hành tôi tin tưởng rằng, nếu có sự quyết tâm cao chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!