Bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho dự án đầu tư công

Theo tapchithue.com.vn

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành và địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hai phương án bội chi

Lần đầu tiên Luật NSNN (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII thông qua đã quy định bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là một cấu phần trong bội chi NSNN. Theo đánh giá, đây là điểm mới quan trọng để tăng cường kiểm soát bội chi NSNN. Cụ thể, Luật NSNN mới quy định, chỉ NSĐP cấp tỉnh mới được phép bội chi. Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của NSNN, Luật mới cũng đưa ra quy định về điều kiện được phép bội chi và mức dư nợ vay của NSĐP.

Trên cơ sở này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NSNN đã nêu rõ, ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương được phép bội chi khi nguồn NS đó chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND cấp tỉnh quyết định; đồng thời bội chi ngân sách cấp tỉnh hằng năm không vượt quá mức bội chi được Quốc hội quyết định cho từng địa phương. Về điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương khi phát sinh khoản nợ quá hạn, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán năm trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán. Phương án 2:Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán. Riêng với trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hàng năm, căn cứ diễn biến thị trường vốn, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội quy định tỷ lệ tối thiểu các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương có thời hạn vay trung và dài hạn. Lũy kế số dư nợ ngân sách địa phương, bao gồm cả số vay bù đắp bội chi theo dự toán, không vượt mức dư nợ vay.

Mức dư nợ vay của NSĐP cũng được Bộ Tài chính đưa ra khá chi tiết trong dự thảo. Cụ thể, đối với các địa phương có số thu được hưởng lớn hơn chi thường xuyên, mức dư nợ vay không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; đối với các địa phương có số thu được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên, thì dư nợ vay không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Riêng với Hà Nội và TPHCM, không vượt quá 60% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.

Quỹ tài chính không được hỗ trợ kinh phí

Thực tế hiện nay, có khá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách, vì vậy các nhà quản lý cho rằng, nhất thiết phải thu hẹp, tránh sự chồng chéo trong quản lý. Trên cơ sở này, dự thảo nghị định đưa ra quy định, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và được quản lý trực tiếp bởi cơ quan đó. NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có thể được hỗ trợ vốn điều lệ từ NSNN khi được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; cũng như có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN.

Mặc dù NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động, nhưng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và cơ quan quản lý quỹ phải tuân thủ các quy định của Luật NSNN và quy định của pháp luật về lập, chấp hành, quyết toán, kiểm toán NSNN. Hàng năm, cơ quan quản lý quỹ báo cáo Bộ Tài chính kế hoạch và quyết toán thu chi để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Cơ quan quản lý quỹ do địa phương quản lý, báo cáo Sở Tài chính kế hoạch thu chi và quyết toán thu chi quỹ để tổng hợp báo cáo UBND, HĐND cấp tỉnh cùng với báo cáo dự toán và quyết toán NSĐP. Ngoài ra, cơ quan quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách ở trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để giải trình với Quốc hội khi có yêu cầu; cơ quan quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách ở địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh để giải trình với HĐND cùng cấp khi có yêu cầu.