Brexit sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư

Theo ncseif.gov.vn

Đó khẳng định của TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trong cuộc trả lời phỏng vấn Cổng thông tin điện tử NCIF về tác động của Brexit tới nền kinh tế của Việt Nam.

BTV: Thưa TS. Lương Văn Khôi, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương Quốc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) là một cơn địa chấn đối với nền kinh tế thế giới, vậy Brexit có những tác động trực tiếp gì tới nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

TS. Lương Văn Khôi

TS. Lương Văn Khôi: Việc Anh rời Liên minh châu Âu hay EU sẽ có những ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư.

Trước hết trong mối quan hệ với Anh, ảnh hưởng trực tiếp sẽ không quá lớn do quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Anh vẫn ở mức khiêm tốn.

Về đầu tư, tính đến năm 2015, Anh có 222 dự án còn hiệu lực với tổng đầu tư đăng ký 4,437 tỷ và đang xếp thứ 15 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Vốn đầu tư nước ngoài của Anh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản và công nghệ chế biến. Nếu Anh rời EU, tăng trưởng kinh tế của nước Anh giảm, kéo theo tiết kiệm và đầu tư giảm, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn từ Anh vào Việt Nam.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu từ Anh nhỏ hơn 1%, song Anh lại là đối tác thương mại tương đối quan trọng của Việt Nam trong EU vì Việt Nam đang duy trì vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với Anh nên việc kinh tế Anh suy giảm sẽ ảnh hưởng xấu tới thương mại của Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn duy trì mức xuất siêu vào nước này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-15, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Anh là 1,7 tỷ USD và năm 2015 là 3,9 tỷ USD. Kinh tế của Anh suy giảm sẽ kéo theo việc giảm nhu cầu đối với các loại hàng hóa của Việt Nam, làm giảm xuất khẩu và thặng dư thương mại.

Hơn nữa, việc đồng bảng Anh mất giá cũng sẽ khiến cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Anh kém cạnh tranh hơn. Ngoài ra, việc đồng Bảng Anh mất giá khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Anh giảm đáng kể về mặt giá trị.

Trong cơ cấu các sản phẩm được xuất khẩu sang Anh, tỷ trọng lớn thuộc về điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác.., các mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo đó là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ nói chung. Do vậy, các ngành hàng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu Anh rời EU.

Theo ông, Brexit có tác động như thế nào đến mối quan hệ giữa Việt Nam và EU?

Việc Anh rời EU cũng sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy ảnh hưởng tới quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 01/12/2015 và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố.

Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2016. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Việc Anh rời EU có thể sẽ khiến cho việc ký kế Hiệp đình này bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, sau khi chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Việt Nam sẽ phải đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Anh nếu như Anh chính thức rời EU.

EU là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, do vậy việc Anh rời EU sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Trao đổi thương mại hai chiều tăng mạnh từ 4,5 tỷ USD năm 2001 lên đến 2014 36,8 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 27,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 8,9 tỷ USD.

Năm 2014, EU trở thành thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam, với các sản phẩm xuất khẩu của chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, đồ gỗ gia dụng, hàng thủy sản.

Trong khi đó, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU tập trung là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, ôtô, xe máy, v.v.. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung cho nhau khá cao, hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho mỗi bên.

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu với EU. EU cũng là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam năm 2014 và lớn thứ 3 năm 2015.

Tính đến tháng 4/2016, có 1.809 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án của cả nước và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Việc Anh rời EU khiến đồng Euro giảm giá mạnh, khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào EU giảm đáng kể về mặt giá trị.

Do vậy, việc Anh rời EU khiến cho quy mô kinh tế của EU và tiềm lực kinh tế của các nước EU còn lại suy giảm. Trong trung hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường EU bị thu hẹp và tăng trưởng kinh tế tại các nước EU còn lại suy giảm. Đầu tư từ EU sang Việt Nam dự báo cũng yếu đi do tiềm lực tài chính của các nước EU suy yếu khi Anh rời khỏi khối.

Việt Nam cũng khó có thể trở thành địa điểm đầu tư thay thế khi các nhà đầu tư EU chuyển hướng đầu tư ra khỏi Anh, do sự khác biệt lớn giữa kinh tế Việt Nam với nền kinh tế Anh. Những tác động tiêu cực này sẽ làm giảm bớt những tác động tích cực mà hiệp định thương mại tự do EVFTA dự báo sẽ mang lại cho mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU.

Nhiều chuyên gia cho rằng tác động trực tiếp của Brexit tới nền kinh tế Việt Nam không lớn, song tác động gián tiếp của Brexit tới nền kinh tế nước ta là lớn. Ông có đồng tình với đánh giá này không?

Về cơ bản tôi đồng tình với nhận định đó, cụ thể là những tác động trực tiếp là không lớn, trong khi tác động gián tiếp là lớn hơn. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn một chút thì thấy tác động tác động trực tiếp cũng đáng quan tâm.

Thứ nhất, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, song Việt Nam luôn có xuất siêu sang thị trường này. Nếu kinh tế Anh suy thoái, đồng bảng Anh mất giá thì ngay cả khi hàng xuất khẩu của ta sang Anh không thay đổi về lượng thì khi đồng bảng Anh mất giá lớn sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của ta sang Anh, làm giảm giá trị thặng dự thương mại của ta với Anh, sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam tăng cao.

Còn nếu cầu nhập khẩu hàng hóa của ta giảm do kinh tế Anh suy thoái thì lượng hàng đó sẽ xuất đi đâu trong bối cảnh cầu chung của thế giới giảm như hiện nay. Đối với EU cũng vậy, việc đồng Euro giảm giá sẽ có tác động tới tổng giá trị hàng xuất khẩu của ta sang thị trường này. Kinh tế Anh suy thoái, kinh tế EU suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến khả năng giải ngân vốn FDI của EU vào Việt Nam.

Đối với những tác động gián tiếp Brexit sẽ có những tác động gián tiếp đáng kể tới kinh tế Việt Nam thông qua thương mại, đầu tư và giá cả hàng hóa thế giới.

Trước mắt, Brexit sẽ có tác động nhanh chóng tới giá và giá vàng trong nước. Giá vàng thế giới tăng sẽ ngay lập tức khiến giá vàng trong nước tăng. Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 24/6/2016 đã có cú bật ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, vượt 35 triệu đồng một lượng khi giao dịch quanh 35,5 – 35,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,9 triệu đồng so với lúc trước khi có kết quả chính thức của Brexit. Đây cũng là mức cao nhất của vàng SJC kể từ tháng 8/2015.

Brexit cũng sẽ ảnh hưởng tới biến động tỉ giá của đồng VNĐ do áp lực giảm giá đồng nội tệ để cạnh tranh xuất khẩu tăng. Trong quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu và sau khi có kết quả về Brexit, tỷ giá USD/VNĐ trong nước lập tức tăng lên khoảng 0,2% so với giá hôm trước.

Trong rổ 8 đồng tiền để làm 1 phần căn cứ xác định tỷ giá trung tâm tại Việt Nam, chỉ có đồng EUR là mất giá nhiều nhất, tức khoảng 2% tại thời điểm 16h ngày 24/6, các đồng tiền còn lại mất giá dưới 1%, trừ USD thì lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác.

Áp lực tăng tỷ giá USD/VNĐ là điều nhiều khả năng diễn ra vì sau Brexit, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Do vậy, tỷ giá USD/VNĐ sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.

Triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Với triển vọng tăng trưởng toàn cầu giảm đi, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam có thể sẽ đi thấp hơn trong những tháng tới.

Do thị trường tài chính toàn cầu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng tiêu cực sau sự kiện Brexit, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không tránh khỏi tác động của thị trường chứng khoán toàn cầu. Do đó, đầu tư kênh chứng khoán sẽ nhiều rủi ro, nhưng lại không mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, thị trường này khó tăng điểm cho đến cuối năm.

Về mặt ngắn hạn, BREXIT tác động tới thị trường tài chính quốc tế, tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ như giá vàng tăng, giá dầu có khả năng sẽ giảm, giá đồng Euro và đồng Bảng Anh giảm trong khi các đồng tiền khác như USD, Yên,… tăng giá sẽ có tác động tới giá của tiền đồng.

Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường tài chính, thị trường hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt là thị trường vàng, thị trường chứng khoán, thị trường dầu mỏ thế giới để có những phản ứng chính sách kịp thời như điều chỉnh tỷ giá, hạ lãi suất cho vay hoặc những chính sách ứng phó với giá dầu thế giới giảm để giảm thiểu những cú sốc bất lợi cho nền kinh tế.

Nhiều người cho rằng hiện đã hết dư địa để thực hiện chính sách chính sách nới lỏng tiền tệ như cát giảm lãi suất cho vay. Theo tôi, thì chúng ta vẫn còn dự địa và có thể thực hiện theo kinh nghiệm của những năm trước là thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường vàng, thị trường ngoại tệ để tránh đầu cơ vàng và đầu cơ ngoại tệ nhất là đồng đô la Mỹ.

Về lâu dài, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến trình tự do hóa thương mại thế giới, làm suy giảm tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc. Mỹ và EU hiện là những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Brexit có thể khiến EU tan rã, kinh tế thế giới nói chung và các nến kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới suy giảm khiến cho cầu của thế giới đối với hàng hóa dịch vụ suy giảm, nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ, và do đó có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, ngồn vốn FDI của Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam thay vì Anh hay EU để hưởng những ưu đãi do TPP mang lại.

Xin cảm ơn ông!