“Bức tranh” tăng trưởng, đầu tư sẽ sáng sủa hơn?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Lạm phát tăng nhưng được kiểm soát tốt, các chỉ số PMI, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều tăng trong khi GDP tiếp tục tăng trưởng khả quan… được cho là sẽ tạo thêm bức tranh sáng cho triển vọng đầu tư tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các số liệu được Vina Capital, tập đoàn quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam, công bố ở Hội nghị thường niên các Nhà Đầu tư 2016 tại TP. Hồ Chí Minh ngày 13/10 cho thấy những triển vọng sáng sủa hơn của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Điều này sẽ giúp cho chương trình cổ phần hoá cũng như các doanh nghiệp (DN) tư nhân có nhu cầu gọi thêm vốn từ thị trường đại chúng cũng như các thương vụ đầu tư riêng.

Tiềm năng tăng trưởng mạnh

GDP tiếp tục tăng trưởng khả quan, đạt 6,4% trong quý III/2016, cao hơn quý I (5,5%) và quý II (5,8%). Tuy vậy, mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,9%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (6,5%). Vì thế, VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP 2016 đạt 6%, còn năm 2017 sẽ đạt 6,5%.

Điểm đáng ghi nhận là các chỉ số quản trị mua hàng (PMI), sản xuất công nghiệp và tiêu dùng của Việt Nam đều tăng. Mới đây, hãng Nikkei báo cáo PMI tăng đến 52,9 điểm vào tháng 9/2016, cao nhất 16 tháng qua, còn chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%, doanh số bán lẻ tăng 9,5% và 7,7% theo giá trị danh nghĩa và thực tế.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã phong phú hơn, vốn giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2016 hơn 11 tỷ USD, tăng 12% cùng kỳ năm ngoái. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital, cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, một trong những thị trường có nhiều lực hút đối với họ, nhất là các nhà đầu tư châu Á.

Như nhận định của ông Andy Ho, lạm phát ở Việt Nam tuy có tăng nhưng đã được kiểm soát tốt. Các chi phí cho giáo dục và y tế góp phần làm tăng lạm phát, song chỉ mang tính thời vụ và nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ.

Giá thực phẩm tăng khá, trong khi chi phí vận chuyển (xăng dầu) giảm. Hai lĩnh vực này chiếm 50% chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ông Andy Ho dự báo lạm phát 4% cho cả năm 2016 và 4,5% năm 2017.

Về dự báo triển vọng kinh tế 12 tháng tới, giới chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam vẫn tích cực dù có những thách thức trong ngắn hạn.

Các yếu tố cơ bản nền kinh tế vĩ mô vẫn rất tốt để tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường. Tiềm năng tăng trưởng kinh tế rất mạnh mẽ, và có xu hướng tăng lên đến 6,0% – 6,5% trong năm 2016 – 2017.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc tập đoàn Vina Capital, nhận định: “Việc Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các công ty đầu ngành, đơn cử như thương vụ bán một phần vốn tại Vimamilk, đang tạo thêm nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với nền tảng vĩ mô vững chắc và hàng loạt các cải cách diễn ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thị trường Việt Nam đã sẵn sàng mở rộng về quy mô”.

Còn đó các rủi ro

Mặc dù vậy, như lưu ý của nhóm chuyên gia từ Vina Capital, vẫn còn đó các rủi ro có thể đến từ việc không xử lý thỏa đáng các yếu tố. Đơn cử như chi tiêu Chính phủ đang ngày càng tăng, đặc biệt là cho đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nói về tình hình giải ngân vốn đầu tư cho phát triển trong năm tới, giới chuyên gia nêu quan điểm giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự báo ổn định.

Vấn đề này được lý giải do năm 2017, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Mặt khác, việc Chính phủ tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, triển khai đúng các quy định của Luật Đầu tư công sẽ giúp hoạt động giải ngân trở nên hiệu quả hơn.

Hoặc như nợ xấu, VAMC đã mua nhiều nợ xấu, góp phần làm giảm nợ xấu của ngành ngân hàng từ 17% xuống còn 3%, đồng thời lên kế hoạch bắt đầu bán đấu giá các khoản nợ xấu trong nửa sau của năm 2016.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể quan tâm đến việc mua lại các khoản nợ xấu, các cơ chế liên quan cũng đang được xây dựng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia. Giới phân tích nhấn mạnh, giai đoạn 2016 – 2017 sẽ là thời điểm hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) có khả năng phát triển mạnh khi các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ từ Thái Lan, Singapore đang có xu hướng tăng mạnh hoạt động ở Việt Nam.

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng giá trị thương vụ M&A đạt trên 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2015. Dự báo giai đoạn 2016 – 2017, giá trị này đạt khoảng 6 tỷ USD.

Với các DN nhà nước, Chính phủ đã công bố lộ trình nhằm đẩy mạnh việc cổ phần hóa. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa DN vẫn đang chậm chạp trong khi số vốn nhà nước ở các DN nhà nước còn rất lớn. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến nay, ước tính chỉ có khoảng 15% vốn nhà nước ở các DN nhà nước được bán.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết trong 9 tháng đầu năm 2016 có 49 DN nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 49 DN này là 31.938 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 23.289 tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia, các dư địa từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017.