Chỉ tiêu xã hội-môi trường:

Bước đi vững chắc trên nửa chặng đường

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Phát triển xã hội, bảo vệ môi trường là mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011- 2015. Các kết quả đã đạt được (2011 đến nay) trong điều kiện phải tập trung cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, là điều thật đáng mừng, tạo đà cho việc khắc phục những bất cập nảy sinh.

Lĩnh vực xã hội và môi trường liên quan đến vấn đề dân số, lực lượng lao động, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng...

Về dân số có một số điểm đáng lưu ý. Đó là quy mô dân số Việt Nam đến giữa năm 2012 đạt gần 88,8 triệu người, cùng với cơ cấu dân số trẻ có nhu cầu thường cao hơn, đa dạng hơn đã tạo nên thị trường có dung lượng hấp dẫn các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng  hiện đạt khoảng 111 tỷ USD.

Mặc dù dân số hàng năm vẫn còn tăng tới gần 1 triệu người, nhưng tốc độ tăng đã giảm tương đối nhanh trong thời gian qua và chủ yếu dựa trên sự tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình khả năng có thể đạt xấp xỉ kế hoạch đến 2015.

 Bước đi vững chắc trên nửa chặng đường - Ảnh 1
Mục tiêu và kết quả thực hiện. Nguồn: Kế hoạch 5 năm và Tổng cục Thống kê; (1) chỉ tính số có bằng cấp, chứng chỉ

Tỷ lệ dân số thành thị liên tục tăng lên, năm 2012 đã đạt gần 32% nhưng còn thấp (đứng thứ 7/11 và thấp hơn tỷ lệ 43% ở Đông Nam Á, đứng thứ 39/51 và thấp hơn tỷ lệ 45% của châu Á, đứng thứ 166/210 và thấp hơn tỷ lệ 51% của thế giới) và chất lượng đô thị hóa còn thấp. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (số bé trai/100 bé gái) đã gia tăng (từ 105,6% năm 2005 lên 112,3% năm 2012, ở vùng đồng bằng sông Hồng còn lên tới 120,9%) làm mất cân bằng giới tính, là điều đáng quan ngại trong khía cạnh xã hội về lâu dài.

Về lao động, điểm tích cực rõ nhất là cơ cấu lao động đang làm việc đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tỷ trọng của khu vực nhà nước đã giảm (từ 11,6% năm 2005 xuống còn 10,4% năm 2012); tỷ trọng của khu vực ngoài nhà nước lớn và tăng lên (từ 85,8% lên 86,3% năm 2012); tỷ trọng của khu vực FDI dù còn thấp nhưng cũng đã tăng (từ 2,6% lên 3,3%).

Đây là kết quả của việc chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập.

Tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 55,1% xuống còn 47,4%, của công nghiệp- xây dựng tăng từ 17,6% lên 21,2%, của dịch vụ tăng từ 27,3% lên 31,4%, là kết quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên khả năng không đạt mục tiêu giảm tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp- thủy sản.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm (theo Niên giám thống kê), đã giảm.

Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá, song chậm lại và mức năng suất lao động còn thấp, nhất là nông, lâm nghiệp- thủy sản.

Thu nhập người dân nông thôn tính theo giá thực tế năm 2012 so với năm 2010  cao gấp 1,44 lần, bình quân 1 năm tăng 20%. Khả năng năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thu nhập của nông dân đang gặp khó khăn do tăng trưởng nông, lâm nghiệp- thủy sản bị giảm liên tục trong vài năm nay do giá lương thực và một số nông sản xuất khẩu bị giảm, trong khi chi phí đầu vào và giá một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác tăng cao hơn.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 đã giảm so với năm 2010 (11,1% so với 14,2%, giảm 33,1% trong 2 năm); ở khu vực thành thị và một số vùng (như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long) có tỷ lệ thấp hơn. Tuy nhiên, số hộ cận nghèo còn nhiều; chênh lệch thu nhập nhóm có thu  nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất còn cao.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) theo số liệu của Tổng cục Thống kê còn thấp. Cơ cấu đào tạo theo trình độ, ngành nghề, lý thuyết/thực hành và việc sử dụng hết, sử dụng đúng ngành nghề chưa hợp lý.

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam năm 2012 thuộc loại cao (đứng thứ 6/11 và cao hơn mức 71 tuổi ở Đông Nam Á, đứng thứ 26/51 và cao  hơn mức 70 tuổi của châu Á, đứng thứ 120/210 và cao hơn mức 70 tuổi của thế giới. Các thứ bậc này đều cao hơn thứ bậc về GDP bình quân đầu người. Đây là một trong những yếu tố làm cho thứ bậc về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đứng thứ 117 thế giới cao hơn thứ bậc của một số nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam.

Đáng chú ý, các kết quả trên đạt được trong điều kiện mấy năm qua Việt Nam còn phải tập trung cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tỷ lệ che phủ rừng cuối năm 2011 đạt 39,7%; sản xuất lâm nghiệp mấy năm nay tăng khá, nên có khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho đến cuối năm 2015 (42- 43%). Tuy nhiên mật độ và chất lượng rừng còn thấp; tình trạng rừng bị cháy, rừng bị chặt phá còn lớn. Sản lượng gỗ khai thác liên tục tăng lên tương đối nhanh (năm 2005 là gần 3 triệu m3 thì năm 2012 là trên 5,25 triệu m3, tăng trên 75%, bình quân 1 năm tăng trên 8,3%, trong khi diện tích rừng trồng tập trung năm 2012 chỉ tăng gần 5,5% so với 2005, bình quân 1 năm chỉ tăng 0,8%). Việc bảo vệ và cải thiện môi trường về nước, không khí, chất thải,… tuy có nhiều cố gắng nhưng mức độ ô nhiễm còn lớn, có mặt gia tăng.

Trên đây là những kết quả và những vấn đề đặt ra về một số chỉ tiêu chủ yếu được đưa thành mục tiêu để so sánh. Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn không ít hạn chế, trong đó nổi lên một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, hoạt động văn hóa, tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… Những hạn chế này nếu không có biện pháp hạn chế hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống nói chung.