Mua sắm tập trung:

Bước tiến mới trong quản lý tài sản công

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 170 (8/2016)

Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung là một chủ trương xuyên suốt từ trung ương đến địa phương nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước. Sau 5 năm thí điểm hình thức mua sắm tập trung tại 23 bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 quy định về việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 và Công văn số 5283/BTC-QLCS ban hành ngày 19/4/2016 hướng dẫn việc triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khi triển khai phương thức mua sắm tập trung (MSTT), cơ quan chức năng sẽ thông qua một đơn vị đầu mối để tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhằm MSTT một lượng lớn hàng hóa, dịch vụ cho nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, sẽ lựa chọn được các nhà cung cấp tốt nhất, với chất lượng sản phẩm tối ưu, giá thành hợp lý, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng bảo đảm hơn hình thức cũ.

Nhìn rộng hơn, hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản.  

Bên cạnh đó, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện MSTT sẽ ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Khi các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản có nhu cầu mua sắm, chỉ cần căn cứ vào thỏa thuận khung đã ký giữa nhà thầu được lựa chọn với đơn vị MSTT để ký hợp đồng trực tiếp. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí so với việc phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ từng đơn vị. 

Ngoài ra, các thông tin về MSTT sẽ được công khai, từ nhu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến kết quả mua sắm, do đó sẽ bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công. Như vậy, có thể thấy nếu triển khai tích cực, tổ chức bài bản, việc MSTT sẽ góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. 

Việc MSTT cũng đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, KBNN, Y tế, Giáo dục góp phần hạn chế tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả...

Do MSTT nên các Bộ, ngành trung ương và địa phương có nhiều thời gian cho công tác chuyên môn hơn cũng như có điều kiện rà soát, thực hiện sắp xếp, điều chuyển, sử dụng có hiệu quả tài sản trong quá trình quản lý, sử dụng.

Ưu điểm của phương thức mua sắm tập trung

Việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung góp phần tiết kiệm tối đa nguồn NSNN 

Việc mua sắm tài sản nhà nước tập trung sẽ mang lại một số kết quả tích cực như tiết kiệm chi phí mua sắm công với các lý do: Mua sắm với số lượng lớn, giá mua sẽ giảm; giảm đầu mối thực hiện mua sắm do khi thực hiện MSTT thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm cho mỗi loại mặt hàng. Theo thông lệ quốc tế, so với phương thức mua sắm cũ thì phương thức MSTT sẽ tiết kiệm được 10-17% tổng giá trị tài sản mua sắm. 

Bên cạnh đó, việc thực hiện mua sắm tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.

Khi phương thức MSTT vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Theo phương án như hiện nay, từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối MSTT, gồm: 02 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công nhờ đó cũng được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn. Qua đó, góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với mua sắm công tập trung.

Công khai và nộp vào ngân sách nhà nước các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi khi thực hiện mua sắm.

Các thông tin liên quan đến MSTT đều phải công khai, từ nhu cầu (số lượng, chủng loại, nguồn vốn, thời gian thực hiện, kế hoạch chọn nhà thầu) đến công khai kết quả, trong đó công khai số lượng tài sản mua sắm; chủng loại tài sản mua sắm; đơn giá mua sắm tài sản; nguồn vốn mua sắm tài sản; hình thức mua sắm tài sản; nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Chiết khấu được giảm trừ vào giá, riêng phần hoa hồng, khuyến mại, thông thường, như trước đây, Nhà nước không thu, các đơn vị được sử dụng miễn đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, theo phương thức MSTT, khoản này không để lại được mà theo quy định phải nộp vào ngân sách.

Việc yêu cầu công khai các khoản này không phải bây giờ, mà đã có chủ trương ngay từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành trung ương Đảng và được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

Kiểm soát tốt hơn công tác đấu thầu 

Theo phương thức MSTT, thay vì hàng ngàn đầu mối mua sắm sẽ chỉ có đơn vị mua sắm tập trung quốc gia (tại Bộ Tài chính); đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia (tại Bộ Y tế) và các đơn vị mua sắm tập trung của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh.

Đấu thầu là một khâu quan trọng trong quá trình mua sắm tài sản nhà nước, và thực tế không ít đơn vị mong muốn được tổ chức đấu thầu để có cơ hội “ăn chia miếng bánh ngân sách nhà nước”. Việc tập hợp thành các đầu mối MSTT liệu có giúp kiểm soát tốt hơn công tác đấu thầu và nâng cao chất lượng tài sản mua sắm hay không là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, MSTT sẽ thực hiện theo một trong hai cách thức: Ký thỏa thuận khung hoặc ký hợp đồng trực tiếp. Tuy nhiên, với danh mục MSTT cấp quốc gia, trước mắt trong năm 2016 là mua sắm xe ô tô, Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính công bố danh mục MSTT cấp quốc gia quy định là áp dụng ký thỏa thuận khung.

Khi MSTT cấp quốc gia đối với ô tô, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu mua sắm của các đơn vị trên cả nước, đơn vị MSTT quốc gia sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu. Cơ quan, đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, tiếp nhận tài sản và thanh toán cho nhà thầu này trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký.

Việc giám sát quá trình đấu thầu của một số đơn vị đấu thầu tập trung chắc chắn sẽ dễ hơn giám sát hàng nghìn đơn vị đấu thầu nhỏ lẻ. Vì thế, sẽ kiểm soát tốt hơn tham nhũng trong đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.

Như vậy, đơn vị MSTT quốc gia thuộc Bộ Tài chính hay đơn vị MSTT thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế chỉ là đầu mối đứng ra tổ chức đấu thầu, xác định giá thành sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ, lựa chọn nhà cung cấp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, mà không nắm giữ tiền phân bổ từ ngân sách, không thực hiện việc thanh toán với nhà thầu, từ đó sẽ giảm được nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. 

Bên cạnh đó, khi đấu thầu tập trung quốc gia theo quy định mới, giá tài sản mua phải trong thỏa thuận khung đã ký. Cho nên, các đơn vị mua sắm không thể mua với giá vượt khung, vượt định mức quy định. Nếu thực hiện tốt quy định này, có thể sẽ góp phần chấm dứt được lãng phí trong mua sắm tài sản công, trong đó có mua ô tô công.

Tạo đơn hàng lớn cho doanh nghiệp trong nước

Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, lợi ích dễ thấy là khi MSTT, Nhà nước sẽ tạo ra những đơn hàng lớn hơn cho doanh nghiệp, thay vì những đơn hàng nhỏ lẻ. Giả sử, cơ quan MSTT mua tập trung máy tính cho tất cả các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thì đơn hàng có thể lên tới hàng vạn máy một năm.

Nhà sản xuất khi nhìn thấy tiềm năng từ “thị trường” mua sắm tập trung, thì có thể xây dựng chiến lược đầu tư lớn, nhắm đến các đơn hàng lớn đến “siêu lớn” này. Nếu trúng thầu, thì có khi chỉ với một đơn hàng, doanh nghiệp đã đủ để khấu hao dây chuyền.

Sau khi đã khấu hao, phần sản xuất thêm được bán ra thị trường hoàn toàn có thể hạ giá và cạnh tranh với hàng ngoại. Bên cạnh đó, cũng tạo ra những doanh nghiệp sản xuất chuyên nghiệp, đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.