Các biện pháp quản lý tiền thuật toán

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình và nhóm nghiên cứu (1) - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Tiền thuật toán là một loại tiền tệ kỹ thuật số, được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở và được giao dịch mua bán trên môi trường internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện tại, trên thế giới có hàng nghìn loại tiền thuật toán khác nhau như Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Litecoin (LTC), Monero (XMR), DASH, Ethereum Classic (ETC), IOTA (MIOTA) hay NEM (XEM)... trong đó, phổ biến nhất là đồng Bitcoin. Trước sự phát triển mạnh mẽ và lan rộng của tiền thuật toán, Chính phủ một số quốc gia đã có những phản ứng chính sách khác nhau.

Một số vấn đề về tiền thuật toán

Tiền thuật toán (crypto currency) là loại tiền được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, dựa trên các phần mềm mã nguồn mở và công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Mỗi cá nhân sở hữu ví tiền thuật toán sẽ có một chìa khóa riêng để chứng minh danh tính của mình và một khoá công khai tương ứng. Nền tảng công nghệ tiên tiến và mức độ bảo mật cao giúp tiền thuật toán được coi là xu thế tất yếu trong quá trình tiến hóa của tiền tệ và khoa học công nghệ thông tin.

Hiện tại, trên thế giới có nhiều loại tiền thuật toán khác nhau nhưng phổ biến nhất là Bitcoin (BTC). Tất cả những đồng tiền còn lại có tên gọi chung là Altcoin. Các Altcoin được tạo ra bởi các thuật toán khác nhau, nhưng vẫn dựa trên nền tảng chính của Bitcoin.

Các hoạt động liên quan tới tiền thuật toán gồm sử dụng tiền thuật toán như một phương thức thanh toán, đầu cơ tiền thuật toán, đào Bitcoin, huy động vốn thông qua phát hành tiền thuật toán (ICO). 

ICO là một phương thức huy động vốn dựa trên tiền thuật toán, trong đó một đồng tiền thuật toán mới hoặc thẻ bảo mật mới được phát hành cho nhà đầu tư để đổi lấy tiền tệ chính thống như USD hoặc các loại tiền thuật toán phổ biến khác như Bitcoin, Ethereum, Litcoin, USDT...

Năm 2017, đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường tiền thuật toán, đưa loại tiền này trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới và trở thành một trong những phương thức đầu tư đem lại lợi nhuận khổng lồ nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nhất trong năm.

Chỉ trong năm 2017, đồng Bitcoin đã tăng giá từ 972,95 USD, với vốn hóa thị trường tương ứng là 15 tỷ USD lên 13.411 USD với vốn hóa thị trường tương ứng 225 tỷ USD, thậm chí có thời điểm đồng tiền này đã lên tới gần 20.000 USD.

Quan điểm của các quốc gia về quản lý tiền thuật toán

Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của tiền thuật toán, Chính phủ các quốc gia đã có những phản ứng chính sách khác nhau đối với loại tiền này, có thể chia ra làm các nhóm:

(i) Cấm hoàn toàn tiền thuật toán và các hoạt động liên quan; (ii) Chỉ cấm một số hoạt động liên quan tới tiền thuật toán; (iii) Không can thiệp vào các hoạt động liên quan tới tiền thuật toán; (iv) Xây dựng môi trường thân thiện với công nghệ chuỗi khối và phát triển tiền thuật toán. 

Một số quốc gia chỉ ban hành lệnh cấm đối với một số hoạt động liên quan tới tiền thuật toán hoặc đưa ra các cảnh báo về các rủi ro liên quan (Mỹ, Canada...).

Trong khi đó, một số ít quốc gia như: Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, Ecuador coi tiền thuật toán là loại tiền hợp pháp và thừa nhận chức năng thanh toán của loại tiền này.

Các biện pháp quản lý tiền thuật toán trên thế giới

Cơ quan quản lý tiền thuật toán

Tại một số quốc gia, các cơ quan chuyên trách trong bộ máy hành chính quốc gia đưa ra các thông báo, cảnh báo liên quan tới rủi ro do tiền thuật toán đem lại. Cụ thể, ở Trung Quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghệ thông tin và Ngân hàng trung ương (NHTW) là những cơ quan đã ra các thông báo về cảnh báo hậu quả của đầu tư và giao dịch tiền thuật toán.

Tại Hàn Quốc, các hoạt động liên quan tới tiền thuật toán được quản lý bởi Cơ quan giám sát tài chính và các cơ quan quản lý tài chính. Tại Anh, giao dịch tiền thuật toán phải đăng ký với Cơ quan kiểm soát tài chính. Tại Singapore, giao dịch liên quan tới tiền thuật toán phải đăng ký với Cơ quan tiền tệ (MAS). Tại Thụy Sỹ, Cơ quan giám sát thị trường tài chính phụ trách quản lý, theo dõi diễn biến và hoạt động của tiền thuật toán.

Tại Thái Lan, các sàn giao dịch tiền thuật toán có trụ sở tại Thái Lan chỉ được phép chuyển đổi tiền thuật toán với Bath Thái và phải đăng ký giấy phép hoạt động thương mại điện tử với Bộ Phát triển kinh doanh của Thái Lan. Các hoạt động nghi ngờ liên quan tới rửa tiền và tài trợ khủng bố phải được báo cáo cho Văn phòng chống rửa tiền.

Do tính chất đặc biệt của tiền thuật toán và các hoạt động phát sinh liên quan, đơn vị quản lý chuyên trách được thành lập tại một số quốc gia.

Trung Quốc đã thành lập Ủy ban chuyên gia kỹ thuật an ninh tài chính Internet quốc gia vào tháng 8/2017, chuyên kiểm soát và quản lý các hoạt động tài chính công nghệ. Cơ quan này đã ban hành văn bản cảnh bảo và hình thức huy động tài chính thông qua ICO.

Tại Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp tiền ảo Nhật Bản và Hiệp hội Blockchain Nhật Bản, đại diện cho 16 sàn giao dịch tiền ảo do Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản quy định, đã sáp nhập vào một tổ chức với nhiệm vụ cải thiện các biện pháp an ninh và xây dựng các tiêu chuẩn cho các hoạt động xung quanh các chương trình ICO.

Quy định pháp lý

Những quốc gia được đánh giá là có môi trường thân thiện với công nghệ chuỗi khối đã hoặc đang thiết lập khuôn khổ pháp lý riêng cho tiền thuật toán và các hoạt động liên quan.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dành riêng cho người sử dụng tiền thuật toán và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường và ngành công nghệ Blockchain của Hàn Quốc.

Để kiểm soát và hạn chế rủi ro liên quan tới hoạt động bất hợp pháp về rút tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt là sau các vụ tấn công của hacker đối với sàn giao dịch tiền thuật toán, lấy cắp tài khoản người dùng một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều gia tăng các biện pháp quản lý hoặc cấm đối với hoạt động của tiền thuật toán nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong nước. Cụ thể:

Sau sự cố bị đánh cắp toàn bộ số tiền ảo của sàn giao dịch tiền ảo Mt.Gox tại Nhật Bản vào năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã cấm các ngân hàng và các công ty chứng khoán chấp nhận giao dịch Bitcoin bằng tài khoản không được đăng ký.

Hàn Quốc cũng ban hành các quy định về xác minh tài khoản giao dịch tiền thuật toán, yêu cầu sử dụng tên thật và gắn với tài khoản ngân hàng thực thông qua hệ thống tên thực triển khai bởi sau ngân hàng lớn trong hệ thống...

Công cụ quản lý

Bộ công cụ hướng dẫn: Những quốc gia muốn tạo điều kiện cho tiền thuật toán phát triển thường ban hành bộ công cụ hướng dẫn cho các hoạt động liên quan tới tiền thuật toán. Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sỹ đã ban hành bộ hướng dẫn ICO. Các bộ, ban ngành của chính phủ Nhật Bản cũng đang nghiên cứu về việc ban hành hướng dẫn ICO.

Sau khi lệnh bãi bỏ lệnh nghiêm cấm sử dụng Bitcoin (được) ban hành vào năm 2013 và hợp pháp hóa các hoạt động liên quan tới Bitcoin vào năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã ban hành Tài liệu tham vấn cộng Aor Tor Ngor 34/2560 đối với cách tiếp cận ICO. Bộ tài liệu nhằm khuyến khích các hình thức huy động vốn cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

Chính sách thuế

Khi các quốc gia có xu hướng coi tiền thuật toán là một phương tiện thanh toán, không phải hàng hóa thì các giao dịch chuyển đổi giữa tiền tệ truyền thống và tiền thuật toán không bị đánh thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Ngược lại, khi các quốc gia muốn hạn chế và tăng cường kiểm soát đối với hoạt động đào tiền, thuế suất của các đối tượng liên quan tới hoạt động này sẽ được điều chỉnh tăng lên hoặc hạn chế miễn giảm.

Trung Quốc sử dụng biện pháp giảm khấu trừ thuế và thắt chặt các chính sách liên quan tới tiêu thụ điện, quyền sử dụng đất, thu thuế bảo vệ môi trường  nhằm tăng chi phí hoạt động đào Bitcoin, gây sức ép buộc các hoạt động đào Bitcoin phải chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Đối với các quốc gia ban hành cơ chế quản lý chính thức đối với tiền thuật toán, các loại thuế và thuế suất cũng được quy định cụ thể. Chính phủ Nhật Bản đánh thuế vào các hoạt động liên quan tới tiền thuật toán từ năm 2014, bao gồm thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế cư trú và thuế tiêu dùng.

Tuy nhiên, thuế tiêu dùng 8% đối với giao dịch sử dụng tiền thuật toán đã được bãi bỏ từ 1/7/2017 do ảnh hưởng từ việc thay đổi quan điểm không đánh thuế GTGT khi sử dụng tiền thuật toán để trao đổi hàng hóa và dịch vụ của liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Lợi nhuận thu được từ giao dịch tiền thuật toán được coi là thu nhập khác, phải trả thuế thu nhập nếu lợi nhuận trên 200 nghìn Yên. Thu nhập từ giao dịch tiền thuật toán cũng phải chịu 10% thuế cư trú. Phần thua lỗ từ giao dịch tiền thuật toán không được tính khấu trừ thuế như các khoản lỗ từ đầu tư các loại tài sản khác.

Việc lựa chọn loại thuế đánh lên các giao dịch tiền thuật toán một phần thể hiện quan điểm/thái độ của quốc gia đó đối với tiền thuật toán. Liên minh châu Âu không đánh thuế GTGT trong giao dịch chuyển đổi giữa tiền tệ truyền thống và tiền thuật toán nhưng thuế GTGT và các loại thuế khác, vẫn áp dụng đối với các giao dịch trao đổi giữa hàng hóa, dịch vụ với tiền thuật toán.

Như vậy, một cách gián tiếp, Liên minh châu Âu đã coi tiền thuật toán như một loại tiền tệ. Anh coi tiền thuật toán là ngoại hối và cũng là tài sản để đầu tư nên đã áp dụng thuế chuyển nhượngvốn đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch tiền thuật toán và không áp dụng thuế GTGT đối với giao dịch trao đổi giữa tiền thuật toán và dịch vụ, hàng hóa.

Các quốc gia như: Đan Mạch, Đức, Bỉ, Hà Lan cũng có các cách tiếp cận khác nhau trong việc đánh thuế đối với các giao dịch liên quan tới tiền thuật toán và lợi nhuận thu được từ hoạt động này.

Cơ quan thuế Đan Mạch thông báo các công ty sử dụng hoặc kinh doanh tiền thuật toán sẽ phải chịu thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác nhưng các cá nhân, tư nhân kinh doanh các loại tiền mã hóa thì không phải chịu thuế. Tây Ban Nha đang cân nhắc giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ chuỗi khối và các loại tiền mã hóa.

Slovenia không đánh thuế chuyển nhượng vốn đối với các nhà đầu tư kinh doanh các loại tiền mã hóa vì không coi đó là thu nhập của các nhà đầu tư. Tại Đức, các sàn giao dịch có thể được hưởng ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền thuật toán và khai thác công nghệ chuỗi khối.

Đức coi tiền thuật toán là một loại ngoại tệ, do đó mọi giao dịch liên quan tới tiền thuật toán được miễn giảm thuế, nếu lợi nhuận giao dịch dưới 600 euro hoặc thời gian nắm giữ tiền thuật toán trên một năm.

Tác động của chính sách quản lý tới sự phát triển tiền thuật toán

Việc quản lý và quan điểm đối với đồng tiền thuật toán ở một số quốc gia thời gian qua đã có những tác động khác nhau đến hoạt động giao dịch cũng như sự phát của các đồng tiền kỹ thuật số, như:

Thứ nhất, việc ban hành lệnh cấm đối với tiền thuật toán của các quốc gia có giá trị đầu tư lớn đã làm các đồng tiền này giảm giá mạnh trên các sàn giao dịch quốc tế.

Việc chính phủ Trung Quốc cấm hoàn toàn các ICO đã khiến các công ty liên quan tới ICO hoạt động tại quốc gia này phải ngừng hoạt động và di chuyển trụ sở sang nước khác làm giảm giá các loại tiền thuật toán.

Sau khi công ty giao dịch kinh doanh Bitcoin Trung Quốc (BTCC) tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại Trung Quốc từ 30/9/2017, giá Bitcoin giảm xuống còn 3.490 USD, so với thời điểm đỉnh cao của Bitcoin là 5.014 USD (ngày 2/9/2017) thì giá Bitcoin đã giảm 25%. Đồng Ether cũng giảm 13% và đồng Litecoin giảm 24%.

Thứ hai, việc cho phép giao dịch tiền thuật toán ở một số quốc gia đã và đang góp phần kích thích sự phát triển của các sàn giao dịch tiền thuật toán và nắm giữ tiền thuật toán tại quốc gia đó.

Nhật Bản là quốc gia có thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới, chiếm đến 61% tổng lượng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu, và được nắm giữ bởi 2,7% dân số. Tại Nhật Bản, các chính sách dành cho tiền ảo tương đối thân thiện qua đó đã tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn và phát triển.

Tại Hàn Quốc, có khoảng hơn 10 sàn giao dịch tiền thuật toán đang hoạt động, nhu cầu đối với tiền thuật toán tại quốc gia này đã đẩy giá các loại tiền ảo tại các sàn của Hàn Quốc cao hơn 30% so với giá bình quân trên thế giới.

Thứ ba, việc tạo môi trường thân thiện đối với tiền ảo góp phần thu hút các công ty công nghệ đầu tư vào công nghệ blockchain. 4 trong 10 dự án ICO lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ (Theo báo cáo của PwC), Thị trấn Zug thuộc miền Nam Zurich được gọi là thung lũng tiền thuật toán (Crypto valley) và là trụ sở của Ethereum và Cardano.

Thứ tư, việc ban hành các biện pháp quản lý phù hợp sẽ vừa khuyến khích sự phát triển của công nghệ chuỗi khối, vừa đa dạng hóa nguồn thu cho ngân sách các chính phủ.

Tại Nhật Bản, việc áp thuế vào các giao dịch điện tử đã góp phần đáng kể vào nguồn thu của quốc gia này. Theo ước tính, thuế thu được từ các doanh nghiệp kinh doanh tiền thuật toán vào khoảng 1 nghìn tỷ JPY, tương đương 9,18 tỷ USD mỗi năm.

Một số vấn đề về quản lý tiền thuật toán

Có thể thấy, những đặc tính khác biệt của tiền thuật toán so với các loại tài sản hay các loại tiền chính thống khác đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc quản lý tiền thuật toán. Cụ thể:

Thứ nhất, so với các loại tài sản khác, các loại tiền thuật toán có biến động giá rất lớn và thường xuyên, do đó việc xác định cơ sở tính thuế hoặc giá trị tài sản để áp thuế sẽ phức tạp và khó khăn hơn.

Khi các quốc gia muốn đánh thuế lên các giao dịch tiền thuật toán thì việc lựa chọn cơ chế đánh thuế và khung thuế suất cũng là một vấn đề do chưa xác định được đặc tính của tiền thuật toán, như là một loại hàng hóa đặc biệt, một phương thức thanh toán hay một loại tài sản đầu tư.

Thứ hai, các giao dịch tiền thuật toán đều dưới dạng ẩn danh, các tài khoản giao dịch, nhận tiền thay đổi sau mỗi lần giao dịch nhằm bảo vệ danh tính và thông tin chủ tài khoản.

Tính minh bạch của mỗi giao dịch được thể hiện thông qua thông tin lưu lại trên sổ cái phân tán và được theo dõi bởi phần mềm phức tạp của chuỗi khối. Do đó, việc xác định danh tính thực của mỗi giao dịch tiền thuật toán sẽ gặp khó khăn.

Thứ ba, công nghệ chuỗi khối không ngừng phát triển. Nhiều loại tiền thuật toán mới ra đời, ưu việt và có tính năng vượt trội hơn Bitcoin, đòi hỏi nhà quản lý phải thường xuyên cập nhật, bám sát hoặc đi trước công nghệ nếu muốn quản lý các loại giao dịch liên quan đến tiền thuật toán.

Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền thuật toán, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.          

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 1255/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;

2. Tạp chí Tài chính (2018), Các nước quản lý tiền ảo như thế nào?;

3. Bitconnect.co. (2016) “Japan Officially Recognizes Bitcoin and Digital Currencies as Money - THIS TITLE IS WRONG”. Archived from the original on 2016-05-14;

4. Herald (2014) “Korean-American caught buying illegal drugs with Bitcoin”. The Korea Herald. Herald Corporation. 17 March 2014. Retrieved 20 April 2018;

5. McKenna, F. (2017) Here’s how the U.S. and the world regulate bitcoin and other cryptocurrencies. Market watch, 28 December 2017.