Các giải pháp công nghệ nông nghiệp tốt nhất sẽ có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh GMF lần thứ 6

Theo Mạnh Hùng/daibieunhandan.vn

Chương trình Thách thức Công nghệ Nông Nghiệp vùng Mê Kông tìm kiếm giải pháp công nghệ nông nghiệp và các mô hình kinh doanh mới nhằm thay đổi ngành công nghiệp tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chương trình Thách thức Công nghệ Nông Nghiệp vùng Mê Kông (MATCh) vừa chính thức công bố 23 startups công nghệ nông nghiệp tham gia chung kết chương trình MATCh 2018; bao gồm 13 doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Mi-an-ma, Việt Nam và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ nông nghiệp toàn cầu.

Với quy trình lựa chọn cạnh tranh, MATCh tìm kiếm giải pháp công nghệ nông nghiệp và các mô hình kinh doanh mới nhằm thay đổi ngành công nghiệp tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm. 127 doanh nghiệp đăng kí tham dự. Ban giám khảo gồm các nhà đầu tư, chuyên gia nông nghiệp đã chọn ra các doanh nghiệp vào vòng chung kết.

Các ứng cử viên vòng chung kết sẽ có cơ hội chia sẻ, học hỏi và hoàn thiện giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh của mình với các chuyên gia, các nhà đầu tư, và cố vấn. Các ứng cử viên sẽ tham dự khóa tập huấn để hoàn thiện mô hình kinh doanh và mở rộng kết nối. Bên cạnh đó, các ứng cử viên sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông vào ngày 30-31 tháng 3 tại Hà Nội, và trình diễn giải pháp và công nghệ của mình. Các ứng viên được mời tham dự Cuộc thi Future Food Asia Award tổ chức vào ngày 23/5, tại Singapore.

MATCh là chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đầu tiên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp tại Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Mi-an-ma và Việt Nam. Chương trình được tài trợ bởi chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á, đồng tổ chức bởi Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông (MBI), Future Food Asia Award, và Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Cốt lõi giai đoạn mở rộng (CASP).

Nhận xét về các ứng cử viên tham gia Chương trình thách thức năm nay, ông Dominic Mellor, Giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân – Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á chia sẻ: “Chúng tôi hết sức ấn tượng với các giải pháp công nghệ từ các ứng cử viên. MBI và các đối tác sẽ cùng các chủ nhân của sáng tạo công nghệ này triển khai giải pháp để góp phần biến ngành nông nghiệp khu vực tiểu vùng Mê Kông trở thành trung tâm cung cấp lương thực an toàn, dinh dưỡng hàng đầu cho thế giới.”

“Thông qua một số ứng viên MATCh, chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đã nắm bắt công nghệ và điều chỉnh tương đối nhanh chóng để dễ dàng ứng dụng cho các thị trường và khách hàng tại khu vực này. Các nhà cung cấp giải pháp toàn cầu thường là những công ty già dặn hơn và việc hỗ trợ họ phát triển trong Tiểu Vùng sông Mê Kông sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và tạo hình mẫu để doanh nhân địa phương có thể học tập và phát triển”, bà Isabelle Decitre, nhà sáng lập và CEO của ID Capital - doanh nghiệp vận hành chương trình–Future Food Asia Award Competition chia sẻ.

“MATCh tạo dựng nền tảng tuyệt vời giúp các doanh nghiệp kết nối trong hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp. Chúng tôi thực sự đã chia sẻ và học hỏi rất nhiều từ các ứng viên và cố vấn. Tôi hy vọng rằng MATCh sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi cùng tạo nên sự khác biệt trong khu vực sông Mê Kông”, ông Phạm Duy Hưng, CEO và nhà sáng lập Công ty Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (PADCO) nhận định.

MATCh được công bố bên lề Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp lần thứ hai vào tháng 9 năm 2017 tại Siem Reap, Cam-pu-chia", ông Pavit Ramachandran, Chuyên gia Môi trường Cao Cấp ADB cho biết “Cuộc họp đã thông qua chiến lược thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường cùng kế hoạch hành động cho năm 2018-2022 của các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng. MATCH là một sáng kiến quan trọng bởi doanh nghiệp và công nghệ là chìa khóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất nhỏ cùng tính bao hàm và bền vững của chuỗi cung ứng."

Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông (Mekong Business Initiative (MBI):  Sáng kiến Hỗ trợ khu vực Tư nhân vùng Mê Kông (MBI) là sáng kiến do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Úc thiết kế và đưa vào hoạt động từ năm 2015. MBI hoạt động vì sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi của ASEAN, tập trung vào Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với 3 trọng tâm: vận động chính sách, các hình thức tiếp cận vốn mới, và đổi mới sáng tạo. MBI được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Úc. Địa chỉ MBI trên mạng xã hội Facebook: MekongBusinessInitiative.

Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Cốt lõi giai đoạn 2 - Tiểu vùng Mê Kông mở rộng: (GMS Core Agriculture Support Program (CASP) – CASP hỗ trợ tiểu vùng Mê Kông mở rộng để hướng tới đạt được mục tiêu trở thành khu vực sản xuất hàng đầu thế giới về thực phẩm an toàn bằng việc áp dụng thực hành nông nghiệp thân thiện với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2 GMS CASP được thực hiện từ năm 2012, với cam kết sẽ hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh nông nghiệp của tiểu vùng thông qua việc tăng cường hội nhập thị trường khu vực và toàn cầu và sự liên kết giữa các tiểu vùng Mê Kông mở rộng. GMS CASP nhận được sự quan tâm của bộ nông nghiệp của 6 quốc gia tham gia Nhóm Công tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng về Nông nghiệp, bao gồm: Cam-pu-chia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (đặc biệt là Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây), Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, và Việt Nam. Chương trình GMS CASP được nhận đồng tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Thụy Điển, Quỹ Phát triển Bắc Âu, và Chương trình đối tác đồng tài trợ về nước (WFPF).

Future Food Asia Award (FFAW): Future Food Asia là hệ sinh thái ra đời đầu tiên dành cho các dự án sáng tạo công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chương trình được thực hiện với sự hợp tác với các công ty đa quốc gia, các tổ chức chính phủ, các công ty khởi nghiệp và các nhóm nghiên cứu, theo hướng hình thành mạng lưới liên kết đổi mới sáng tạo. Chương trình được vận hành bởi Công ty đầu tư ID Capital, nhằm tìm tiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm đổi mới đột phá trong chuỗi giá trị thực phẩm Châu Á. FFAW nhằm thúc đẩy tiềm năng sáng tạo công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hướng tới mục tiêu xúc tiến và hình thành một hệ sinh thái sáng tạo nhằm đối phó với những thách thức ngành thực phẩm.