Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu

Theo sbv.gov.vn

Các tổ chức tín dụng (TCTD) dường như đã tìm kiếm đủ cách và đang tự xoay xở để mở rộng tín dụng, qua đó giảm tỉ lệ nợ xấu, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bế tắc từ phía cung. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cần có giải pháp khả thi để tháo gỡ theo trình tự từng nút thắt của nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu
Các ngân hàng cần tính toán và mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Trong những năm gần đây, các TCTD liên tục đưa ra nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, biện pháp này chưa mang lại kết quả mong đợi, tăng trưởng tín dụng ì ạch, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm.

Vấn đề đối với nền kinh tế lúc này là phải thúc đẩy nhu cầu chi tiêu, nên các TCTD đã tăng cường khai thác kênh cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất thấp. Đây là loại hình tín dụng đa dạng với thủ tục đơn giản và nhanh gọn, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, người tiêu dùng có thể vay trực tiếp tại ngân hàng hoặc vay qua thẻ tín dụng. Một số ngân hàng cũng thực hiện chính sách khuyến mại nhằm thu hút khách hàng vay vốn, tùy theo đối tượng khách hàng, mục đích sử dụng vốn vay và giá trị khoản vay, chủ yếu là ưu đãi về lãi suất trong những tháng đầu tiên.

Bên cạnh tác động cân bằng nguồn vốn huy động và cho vay, việc triển khai loại hình cho vay tiêu dùng đang giúp các TCTD đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đề ra.

Loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ này được hình thành và phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là cho vay qua thẻ tín dụng (thẻ ghi nợ). Đặc điểm của loại hình cho vay này là, lãi suất thường cao hơn lãi suất cho vay thông thường, và khách hàng có thể vay thấu chi vượt quá thu nhập hàng tháng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày hay đáp ứng yêu cầu thanh toán đối với một loại hình dịch vụ nhất định.

Cho vay tiêu dùng có tác dụng là trực tiếp thúc đẩy chi tiêu, giúp doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa và tính toán khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Về khía cạnh kinh tế học, sản xuất và tiêu dùng có mối quan hệ nhân quả: sản xuất thúc đẩy tiêu dùng, và tiêu dùng thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, trái với tác động của sản xuất đối với tiêu dùng, tác động của tiêu dùng đối với sản xuất thường chỉ mang tính ngắn hạn và không bền vững, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trước mắt. Nếu không có nguồn thu, thì mức độ chi tiêu sẽ giảm dần. Để đảm bảo cho hoạt động cho vay tiêu dùng trở thành loại hình dịch vụ phổ biến và được khách hàng ưa chuộng, yếu tố quan trọng là phải tạo nguồn thu cho người vay.

Các ngân hàng cần tính toán và mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là nhóm doanh nghiệp năng động, hiệu quả cao và tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Trước mắt, cần hướng vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày và hàng xuất khẩu, chủ yếu là công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, cũng phải rất thận trọng khi mở rộng cho vay, do làn sóng cho vay tiêu dùng lần này không thể tạo ra cú hích mạnh cho thị trường như thời điểm bùng nổ cho vay tiêu dùng xung quanh năm 2000 (giá nhà đất khi đó rất thấp), trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cũng rất yếu ớt và rủi ro vẫn tiếp tục đe dọa.

Mặc dù tín dụng tiêu dùng qua thẻ tín dụng thường là món vay nhỏ, rủi ro thấp, nhưng không loại trừ nguy cơ rủi ro, một bộ phận không nhỏ chủ thẻ vốn là lao động tại các doanh nghiệp có vấn đề, thậm chí có nguy cơ phá sản. Vì thế, mỗi TCTD cần thường xuyên giám sát và cập nhật thông tin khách hàng, đảm bảo kiểm soát được người vay nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ xấu; chỉ nên mở rộng cho vay qua thẻ dựa trên năng lực trả nợ của người vay và nguồn tài chính của ngân hàng; xác định rõ giới hạn rủi ro và những rủi ro có thể chấp nhận được; cân bằng giữa lợi ích trước mắt với mục tiêu phát triển trong dài hạn. Đây là yêu cầu cần thiết trong điều kiện tính minh bạch về thông tin khách hàng cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế, môi trường pháp lý còn có kẽ hở và chưa có chế tài đủ mạnh để thu hồi nợ xấu.

Các TCTD dường như đã tìm kiếm đủ cách và đang tự xoay xở để mở rộng tín dụng, qua đó giảm tỉ lệ nợ xấu, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bế tắc từ phía cung. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cần có giải pháp khả thi để tháo gỡ theo trình tự từng nút thắt của nền kinh tế.