Cách nào liên kết chặt hơn?

Theo Thành Nam/daibieunhandan.vn

Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho đến nay vẫn rất lỏng lẻo dù được nhận diện từ lâu. Để xóa ranh giới này thì vai trò hậu thuẫn của Chính phủ rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp phải tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng đến đích.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cải thiện theo thời gian…

Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự lan tỏa của khu vực này đối với kinh tế trong nước.

Trong thời gian qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo ra những lợi ích khá rõ nét và bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa thông qua việc giới thiệu công nghệ và bí quyết, chuẩn mực quốc tế trong sản xuất và dịch vụ, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động cũng như tạo ra việc làm trong ngành công nghiệp hỗ trợ và du lịch.

Kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI bước đầu đạt được kết quả khả quan. Một số doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG... Nếu như năm 2014 mới có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung thì đến năm 2017 đã có 29 doanh nghiệp và tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 57%.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, với định hướng mới trong thu hút FDI là tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, thời gian qua, một số doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã có nhiều chương trình thiết thực nhằm xây dựng các chuỗi giá trị, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đây là tín hiệu bước đầu trong cải thiện chất lượng vốn FDI và nâng cao giá trị gia tăng của dòng vốn này đối với nền kinh tế.

Theo điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo thống kê, có khoảng 26,6% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam. Tỷ lệ này chưa cao song cũng cho thấy sự cải thiện mối liên kết giữa hai khu vực theo thời gian.

… nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng

Tuy nhiên, kết quả này còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 9 năm ngoái cho rằng khu vực FDI vẫn không kết nối được với khu vực tư nhân trong nước.

Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được tích hợp gián tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu (chứ không phải là nhà xuất khẩu trực tiếp) và sản xuất linh kiện không phải quan trọng (ngoại vi) của chuỗi giá trị thượng nguồn hoặc tham gia vào việc lắp ráp hạ nguồn.

Điều này được phản ánh trong bảng xếp hạng của Việt Nam về chất lượng của các nhà cung cấp địa phương trong Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu khi Việt Nam xếp thứ 109 trong số 138 nền kinh tế, đứng sau cả Philippines (74), Thái Lan (77) và Malaysia (22).

Một trong những nguyên nhân chính là do các chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa được thực thi tốt và hiệu quả. Bản thân doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, cho biết khó khăn khi thúc đẩy liên kết giữa 2 loại hình doanh nghiệp một phần do số doanh nghiệp có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI rất ít ỏi. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị.

Chính sách đầu tư nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không tự động tạo ra liên kết và thúc đẩy việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, giai đoạn tới cần cải thiện chất lượng dòng vốn FDI nhằm đón đầu xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa hai khu vực doanh nghiệp này.

Tất nhiên, việc xóa ranh giới giữa hai cộng đồng doanh nghiệp trong cùng một nền kinh tế cần sự tham gia của cả doanh nghiệp FDI, bởi chính họ sẽ có lợi hơn nếu có được sự hậu thuẫn ngay tại thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp FDI cần thay đổi cách tiếp cận, theo hướng cởi mở hơn đối với doanh nghiệp trong nước, như chia sẻ, hợp tác về thông tin, công nghệ, thị trường, đào tạo, phương thức quản trị… thậm chí có hỗ trợ, giúp đỡ để các doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn trong hợp tác.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng vai trò của Chính phủ là phải giảm thiểu các rào cản để doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác sâu hơn; đẩy mạnh thực thi các chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đủ khả năng trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp…