Cách nào “xử” doanh nghiệp FDI bỏ trốn?

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Thủ tướng Chính phủ từng phải ban hành Chỉ thị chấn chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có yêu cầu báo cáo về việc vay và trả nợ của doanh nghiệp (DN) FDI. Tuy nhiên, khó khăn là việc kiểm soát tình hình hoạt động của DN FDI không dễ dàng. Nhiều trường hợp, DN FDI âm thầm giảm dần hoạt động, thanh lý gần hết tài sản và bỏ trốn, chỉ khi đó cả người lao động và các cơ quan quản lý mới biết.

Cách nào “xử” doanh nghiệp FDI bỏ trốn?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới đây đã ra thông báo về 12 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không có tại trụ sở, mất tích, bỏ trốn. Đó dường như chưa phải con số phản ánh đúng thực tế tình trạng DN FDI bỏ trốn.

Trước đó, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định rút giấy phép đầu tư của 17 dự án, cũng thuộc diện đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Nhưng nhiều nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin chính thức từ Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương này, tính đến cuối năm 2012 đã có gần 1.200 DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, trong đó có nhiều DN FDI.

Chưa có con số cuối cùng về số DN FDI bỏ trốn cho đến nay, nhưng theo số liệu chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, được công bố vào giữa năm ngoái, thì có đến gần 1000 DN FDI khi cơ quan này tiếp cận để điều tra về tình hình hoạt động đã không thấy còn tồn tại ở địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Báo cáo tổng kết năm 2012 của Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá nguyên vật liệu biến động, thị trường trong nước thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn... khiến hoạt động sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn.

Kết quả cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nếu so sánh thời điểm năm 2011 với năm 2007, nhiều chỉ tiêu hoạt động của các DN FDI thể hiện một xu hướng thiếu tích cực: tăng trưởng doanh thu thuần từ 16,3% lên 19,5% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm từ 51,7% xuống 29,9%; nộp ngân sách giảm từ 44,7% xuống 32%...

Trong tình hình suy giảm mạnh lợi nhuận chung đó, đã có nhiều DN FDI thua lỗ buộc phải xin dừng hoạt động trước thời hạn giấy phép. Theo thông tin từ nhiều Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, việc các DN FDI ngừng hoạt động, giải thể, thậm chí bỏ trốn chỉ diễn ra nhiều trong những năm gần đây. “Về FDI vay nợ bỏ trốn, thực tế có việc này xảy ra ở khu công nghiệp, do họ làm ăn thất bát”, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận như vậy trong buổi họp báo tại Bộ này hồi đầu năm nay.

Nhưng, một lượng không nhỏ chủ DN FDI đã chọn “lối thoát” là lặng lẽ trốn khỏi Việt Nam. Hệ lụy để lại là khoản tiền nợ lương công nhân, bảo hiểm, nghĩa vụ nộp thuế… đang trở nên rất khó xử lý. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, riêng 17 DN FDI bỏ trốn đã có số nợ với khách hàng gia công và nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hay thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2012 cho thấy, chỉ riêng tại 128 DN FDI thuộc nhóm gia công bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh đã có khoản nợ thuế trên 400 tỷ đồng…

Chưa dừng lại ở đó, “DN FDI bỏ trốn có vay tín dụng trong nước. Đây là vấn đề phức tạp”, ông Vinh khẳng định như vậy. Nguy hiểm ở chỗ, không ít DN FDI hiện có số nợ lên tới trên 1/2 giá trị tài sản của họ tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ từng phải ban hành Chỉ thị chấn chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có yêu cầu báo cáo về việc vay và trả nợ của DN FDI. Tuy nhiên, khó khăn là việc kiểm soát tình hình hoạt động của DN FDI không dễ dàng. Nhiều trường hợp, DN FDI âm thầm giảm dần hoạt động, thanh lý gần hết tài sản và bỏ trốn, chỉ khi đó cả người lao động và các cơ quan quản lý mới biết.

Sở dĩ như vậy, theo Bộ trưởng Vinh một phần cũng do pháp lý về FDI trong nước chưa đầy đủ, có nhiều điều chồng chéo, mâu thuẫn. Thời gian gần đây, một số tranh chấp được đưa ra tòa án quốc tế giải quyết nhưng ông Vinh “lo” phía Việt Nam thiếu thẩm phán giỏi về ngoại ngữ, am hiểu luật quốc tế… “Khi có các vụ việc xảy ra xử lý rất khó khăn”, ông nói.

Trước việc DN FDI bỏ trốn gia tăng, Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư phát triển vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến có đưa quy định phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với tổ chức chấm dứt dự án mà không thông báo, không thực hiện thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật. Dự thảo dự kiến được áp dụng từ 1/7/2013.

Quy định là vậy, nhưng với trường hợp chủ DN FDI bỏ trốn khỏi Việt Nam, có lẽ khâu khó nhất là thi hành án phạt và buộc DN thực hiện trách nhiệm trước các khoản nợ, chứ không chỉ là chế tài xử phạt nặng hay nhẹ.