Cách tiếp cận lý thuyết lập dự án cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

TS. NGUYỄN HỒNG MINH, LÊ QUANG ANH - Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

(Tài chính) Thời gian qua, do tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn là khâu lập dự án còn nhiều yếu kém. Để doanh nghiệp chủ động hơn về tài chính và phát triển bền vững, thì công tác lập dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nguyên nhân và hạn chế của công tác lập dự án

Điểm lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam trong những năm qua có thể thấy, nhìn chung đã có bước phát triển nhất định cả về số lượng lẫn quy mô hoạt động. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các DNNVV ở Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Minh chứng là, thời gian qua, nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, giải thể, thậm chí phá sản.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, trong đó tập trung ở các nguyên nhân đã được Tổng cục Thống kê sắp xếp theo mức độ, gồm: (i) Giảm cầu trong nước; (ii) Khó khăn trong tiếp cận vốn; (iii) Khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào; (iv) Những bất ổn vĩ mô; (v) Nhu cầu thị trường nước ngoài suy giảm; (vi) Khó khăn trong tuyển dụng lao động và những nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, còn có thể kể đến có một số nguyên nhân khác như: (i) Chất lượng nguồn nhân lực thấp (lao động quản lý và lao động trực tiếp); (ii) Chiến lược và kế hoạch phát triển DN không rõ ràng, không phù hợp; (iii) Chưa trú trọng cho hoạt động marketing; (iv) Khả năng liên danh, liên kết còn nhiều bất cập…

Cách tiếp cận lý thuyết lập dự án cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam  - Ảnh 1

Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là chiến lược đầu tư không đúng năng lực, không phân tích được tình hình khách quan và năng lực của DN, dẫn đến không có được hướng đầu tư hiệu quả, càng đầu tư càng khó khăn, càng bị lỗ. Muốn đầu tư có hiệu quả, trong từng giai đoạn phát triển, DN phải xây dựng được những dự án đầu tư tốt, mang tính khả thi cao và vấn đề nâng cao năng lực lập dự án của các DN cần được trú trọng, nhằm phát triển bền vững các DN Việt Nam.

Trên thực tế, tỷ lệ các DN ở Việt Nam có thể tự lập được dự án chưa nhiều, bởi các yếu tố sau:

- Năng lực của chủ DN: Theo các quy định của Việt Nam về việc thành lập DN, yêu cầu đối với trình độ chuyên môn của chủ DN không được đặt thành vấn đề lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường. Tuy nhiên, nó cũng là bất cập khi trong quá trình điều hành các hoạt động của DN, đặc biệt là các hoạt động đầu tư, chủ DN nếu không có kiến thức chuyên môn sẽ khó có khả năng chỉ đạo hoặc trực tiếp tham gia vào việc lập dự án.

- Ý thức về công tác lập dự án: Các DN chỉ mới nhận thức về công tác lập dự án để huy động vốn, chưa ý thức được nếu có một dự án tốt thì nó sẽ giúp DN đảm bảo được tài chính và phát triển bền vững hơn. Trên thực tế, các DN có thể thuê một tổ chức tư vấn hoặc một cá nhân nào đó lập dự án, sau khi dự án được thông qua và huy động được vốn thì việc triển khai thực hiện dự án có thể sẽ khác so với dự án được lập, trong đó các khó khăn, rủi ro xuất hiện dẫn đến nhiều dự án khi lập thì hiệu quả, khi thực hiện sẽ kém hiệu quả, thậm chí là bị thua lỗ. Việc hình thành ý thức về lập dự án cũng như cập nhật các kiến thức liên quan đến lập dự án cũng sẽ giúp cho các chủ DN có được cách nhìn đầy đủ hơn về bản thân DN và đề xuất các phương án đầu tư có tính khả thi cao.

- Hoạt động hướng dẫn lập dự án: Nhiều DN vẫn coi việc lập dự án là công việc thường xuyên và có ý thức với công tác lập dự án nhưng cũng vẫn rơi vào tình trạng khi lập thì khả thi, song đến lúc thực hiện lại không khả thi… Bản thân DN, nếu thực hiện theo đúng dự án mình lập nhiều khi cảm thấy là “bức tranh” xa lạ và không biết cách triển khai dự án như thế nào. Đối với các đối tác nước ngoài, các mô hình lập dự án của Việt Nam thường không được họ chấp nhận hoặc chỉ coi đó là nguồn thông tin để họ tham khảo và xây dựng lại dự án do phía Việt Nam đề xuất…

Hiện cả nước có khoảng trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp; Tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tài sản vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất chế biến, xây dựng, cơ khí nhỏ, thương mại và dịch vụ.

Đề xuất mô hình lập dự án mới

Từ những tồn tại và hạn chế trong công tác lập dự án đối với DNNVV trên, tác giả đưa ra ví dụ về một mẫu dự án tương đối đầy đủ: (i) Căn cứ xây dựng dự án; (ii) Sản phẩm; (iii) Thị trường; (iv) Khả năng đảm bảo và phương thức cung cấp các yếu tố "đầu vào'' cho sản xuất; (v) Xác định quy mô và chương trình sản xuất; (vi) Công nghệ và trang thiết bị; (vii) Nhu cầu nguyên liệu, bán thành phẩm, nhiên liệu, năng lượng, phụ tùng và các yếu tố đầu vào khác; (viii) Địa điểm; (ix) Quy mô xây dựng và các hạng mục xây dựng; (x) Tổ chức sản xuất - kinh doanh; (xi) Nhu cầu nhân lực; (xii) Tổ chức và tiến độ thực hiện đầu tư; (xiii) Tổng kết yêu cầu về vốn đầu tư và các nguồn vốn; (xiv) Phân tích tài chính; (xv) Phân tích kinh tế; (xvi) Phân tích các ảnh hưởng xã hội và môi trường; (xvii) Kết luận và kiến nghị.

Mẫu lập dự án trên thường phù hợp với các dự án lớn. Trên thực tế, nhiều dự án nhỏ không có khả năng “lấp đầy” 17 nội dung trên hoặc nếu “lấp đầy” thì công việc này trở nên rất khiên cưỡng. Với những dự án chỉ thực hiện một sự thay đổi ở một công đoạn nào đó của quá trình sản xuất kinh doanh như mua sắm trang thiết bị hay xây dựng nhà xưởng… thì việc nghiên cứu thị trường hay một số nội dung khác là không cần thiết. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi không đề xuất một mẫu dự án cụ thể, mà đưa ra một khung lý thuyết để có thể áp dụng trong các trường hợp khác nhau.

Mô hình được đề xuất gồm 7 nội dung chính:

Thứ nhất, Xác định vấn đề nảy sinh của DN: Suy cho cùng, các dự án ra đời nhằm thực hiện một số mục tiêu phát triển nhất định của DN. Đó có thể là mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn. Việc xác định mục tiêu chỉ có thể thực hiện tốt nếu xác định được chính xác những vấn đề nảy sinh của DN cần phải giải quyết. Phần này trả lời câu hỏi: “Vị trí hiện tại của DN đang ở đâu?”, “DN đang có những vấn đề gì?” và câu hỏi: “Những vấn đề dự án đề cập có thuộc vào những vấn đề đó hay không?”.

Đối với DNNVV, một số vấn đề thường xuyên phải đối mặt là: Tình hình kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, năng lực cạnh tranh yếu, thách thức đổi mới công nghệ, yêu cầu đổi mới sản phẩm… Việc xác định các vấn đề của DN được thể hiện chi tiết ở Hình 1.

Từ những vấn đề chung mà DN phải đối mặt sẽ xác định nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó, sau đó xác định nguyên nhân của các nguyên nhân này… khi xác định một cách rõ ràng, chi tiết những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề mà DN đang phải đối mặt chúng ta sẽ xác định cần làm gì để giải quyết các vấn đề đó.

Cách tiếp cận lý thuyết lập dự án cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam  - Ảnh 2

Thứ hai, xác định hướng phát triển của DN: Trên cơ sở xác định những vấn đề cần đối mặt và xác định hiện trạng năng lực, DN xây dựng được tầm nhìn về khả năng phát triển của mình trong tương lai. Tầm nhìn này thông thường là dài hạn và từ đó sẽ xác định được mục đích phát triển của DN. Từ mục đích phát triển (mục tiêu tổng thể), có thể chia thành các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Việc thực hiện các mục tiêu ngắn và trung hạn này sẽ giúp cho DN thực hiện được mục tiêu phát triển tổng thể. Mối liên hệ này được minh họa cụ thể ở Hình 2.

Trong đó, mục đích của DN là bắt đầu từ A (gia nhập thị trường) đến E (Ví dụ, chiếm lĩnh 20% thị phần sản phẩm). Mục đích này được thực hiện thông qua triển khai 5 dự án P1, P2, P3, P4, P5 để đạt được các mục tiêu B, C, D. Từ việc nhìn nhận tầm nhìn chúng ta xác định dự án đang định thực hiện đang nằm ở đâu trong sự phát triển của DN.

Thứ ba, những lợi ích tiềm năng DN có thể đạt được khi tiến hành dự án: DN hoạt động vì nhiều mục đích, một trong số đó là vì những lợi ích mà DN có thể đạt được khi thực hiện một hoạt động đầu tư xác định. Tính hợp lý của các dự án đầu tư được thể hiện rõ ràng ở những lợi ích mà dự án có thể đem lại cho sự phát triển chung của DN. Những lợi ích tiềm năng mà DN có khả năng đạt được được hình thành thông qua quá trình giải quyết những vấn đề nảy sinh mà dự án phải đối mặt.

Thứ tư, đầu ra của dự án: Đây là nội dung thường bị nhầm lẫn là các sản phẩm hoặc dịch vụ mà dự án tạo ra. Trên thực tế, đầu ra của dự án là những kết quả được tạo ra sau khi dự án được hoàn thành. Do đó, với các dự án đơn lẻ, có thể đầu ra của dự án này sẽ được sử dụng là đầu vào của một dự án mới. Còn đối với 1 dự án thì đầu ra của pha này có thể là đầu vào của pha tiếp theo (trong ví dụ trên đầu ra của dự án B và C là dây chuyền máy móc thiết bị được lắp đặt trên thực địa, đó là đầu vào của quá trình sản xuất thử nghiệm của dự án E).

Thứ năm, các nhóm chỉ tiêu đánh giá sự thành công hay thất bại của dự án: Khi xây dựng dự án chúng ta cần xây dựng các chỉ tiêu để xác định: Thế nào là dự án thành công và thế nào là dự án không thành công. Các chỉ tiêu này phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn: Sự liên quan; Hiệu quả; Hiệu suất; Sự tác động; Bền vững. Trong thực tế, các dự án thông thường chỉ dừng lại ở khâu đánh giá đầu vào, đầu ra và hoạt động của dự án, còn việc đánh giá kết quả, tác động khi tiến hành dự án vẫn chưa được xem xét một cách toàn diện.

Thứ sáu, thời hạn hoàn thành/Kế hoạch/Cách thức giải quyết vấn đề: Trong phần này, một trong những công cụ quan trọng là việc phân tích cây mục tiêu và lựa chọn chiến lược của dự án. Từ việc phân tích cây mục tiêu, DN sẽ phải chọn cách thức đi đến mục tiêu tổng quát của dự án có hiệu quả nhất. Thông thường nếu áp dụng tất cả các biện pháp để đạt được mục tiêu tổng quát thì chi phí để thực hiện sẽ cao hơn lợi ích đem lại khi mục tiêu đạt được. Vì vậy, khi lập dự án, cần xác định tác động của từng biện pháp đến kết quả của mục tiêu cuối cùng (có so sánh cả chi phí để thực hiện biện pháp với những lợi ích của biện pháp đem lại, thể hiện ở mục tiêu cuối cùng). Việc phân tích này sẽ giúp DN lựa chọn được những biện pháp cần được ưu tiên áp dụng cho dự án và những biện pháp không cần thiết phải áp dụng mà vẫn đạt được những yêu cầu chính của các mục tiêu.

Thứ bảy, chi phí/nguồn tài trợ dự án: Chi phí là cần thiết để thực hiện các công việc của dự án trong từng thời gian triển khai dự án. Việc cân đối chi phí thực hiện dự án với các nguồn có thể huy động theo thời gian sẽ giúp chúng ta hình dung được bức tranh về tính khả thi của dự án. Các nguồn tài trợ khi đầu tư có thể là nguồn tự có hay nguồn vay, khi dự án hoạt động có thể huy động từ nguồn doanh thu.

Tóm lại, muốn dự án mang tính khả thi cao thì sự tham gia của các chủ DN trong lập dự án là rất cần thiết, vì chủ DN là người xác định những mong muốn phát triển DN và các dự án nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển đó. Muốn họ tham gia có hiệu quả, cần xây dựng một mô hình lập dự án đơn giản, mang tính mở cao, giúp chủ đầu tư chủ động tham gia, chỉ đạo việc lập dự án từ đó tạo ra các dự án khả thi, tránh những sai lầm khi đầu tư và góp phần lớn cho sự phát triển bền vững của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Cung, Khó khăn của DN: Vấn đề và giải pháp, NXB Thống kê;

2. Jorge Diego Fuentes Sanches, A guide to the project management body of knowledge;

3. Tô Hoài Nam, Tham luận về thực trạng DNNVV tiếp cận tín dụng ngân hàng một số khó khăn, vướng mắc hoạt động kinh doanh của các DNNVV - kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ, Hội nghị Thủ tướng với DN 2014;

4. Tổng cục Thống kê, Sự phát triển của DN Việt Nam giai đoạn 2006-2011, NXB Thống kê.