Cải cách bộ máy hành chính tại TP. Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù

Theo daibieunhandan.vn

Bộ máy hành chính đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra là tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn là ghi nhận của Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn trong buổi làm việc mới đây với UBND TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với một đô thị có trên 13 triệu dân, khối lượng các thủ tục hành chính lớn, việc áp dụng những cơ chế đặc thù để cải cách mạnh mẽ hơn nữa bộ máy hành chính vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet.

Cần phân cấp mạnh hơn

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mặc dù những năm qua, thành phố đã đổi mới phương thức làm việc như triển khai cơ chế một cửa tại 18/18 cơ quan chuyên môn, 24 quận - huyện, 322 phường, xã, thị trấn, sử dụng hệ thống lấy số tự động, máy quét mã vạch, nhiều đơn vị đã vận hành hệ thống nhắn tin lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính… Nhưng là một đô thị đặc biệt, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao, dân số tăng nhanh nên số lượng biên chế Bộ Nội vụ giao chưa đáp ứng được nhu cầu.

Một trong những kiến nghị quan trọng được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề xuất với Đoàn giám sát của QH là cho phép UBND Thành phố được thí điểm quyết định số lượng biên chế, số lượng người làm việc theo đề án xác định vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt. Thêm vào đó, cần phân cấp mạnh hơn nữa cho UBND Thành phố được quyết định số lượng cụ thể cơ quan chuyên môn, giúp việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố đang cần thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu thực tế để cải cách hành chính theo mô hình chính quyền điện tử. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù phải có đề án thành lập của UBND, xin ý kiến Chính phủ thông qua Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Chính phủ, UBND TP. mới xây dựng đề án trình HĐND Thành phố quyết định. “Thực hiện quy trình này mất rất nhiều thời gian và khó khăn trong việc xác định tiêu chí thành lập, không đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước tại một đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh”, ông Tuyến phân tích.

Việc phân cấp cho UBND Thành phố được xem xét, quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình cũng được lãnh đạo Thành phố kiến nghị. Lý do là bởi việc lấy ý kiến của Bộ Nội vụ về vấn đề này mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tính kịp thời của công tác tuyển dụng, bố trí nhân sự.

Vấn đề phân cấp cho UBND Thành phố được tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương lên ngạch chuyên viên chính và tương đương cũng được đề cập do kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính được Bộ Nội vụ tổ chức nên Thành phố không quyết định được chỉ tiêu thi nâng ngạch và không chủ động được thời gian tổ chức sao cho phù hợp với nhu cầu bố trí nhân sự.

Không sáp nhập thành “siêu” sở

Chủ tịch UBND Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ,  Thành phố xác định cải cách hành chính là một trong bảy chương trình đột phá; khẳng định, lãnh đạo Thành phố chấp hành đúng quy định nhưng vẫn kiên trì kiến nghị Trung ương cho cơ chế đặc thù nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 Đối với việc Bộ Nội vụ lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trong đó có việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông - Xây dựng và Phát triển đô thị, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, sáp nhập như vậy sẽ hình thành “siêu sở”, gây quá tải, ách tắc trong giải quyết công việc.

“Công việc của Sở KH - ĐT rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh TP. đang hướng tới mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Năm 2016, Sở KH - ĐT đã giải quyết 273.000 hồ sơ, tiếp nhận 50.000 văn bản và phát đi 35.000 văn bản, mỗi tháng có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Nếu nhập lại trong khi khối lượng công việc lớn như vậy thì không thể làm nổi, sẽ khiến trì trệ. Vì thế với riêng TP. Hồ Chí Minh, đề nghị giữ nguyên hiện trạng”, ông Phong bày tỏ.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất, Chính phủ cần quy định khung số lượng cán bộ, công chức của một đô thị đặc biệt và có sự phân biệt với các địa phương khác. Vấn đề khung lương của cán bộ, công chức ở TP. Hồ Chí Minh hiện đang “cào bằng” như các địa phương khác nhưng áp lực công việc thì gấp nhiều lần cũng chưa hợp lý. “Nên giao cho Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh có quyền chủ động để điều tiết thêm thu nhập cho đội ngũ nhằm tái tạo sức lao động”, ông Phong nói.

Bộ máy chính quyền cần phù hợp với thực tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, đóng góp lớn cho ngân sách cả nước, do vậy, cần phải có tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với thực tế.

Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, việc cải cách hành chính muốn có hiệu quả cần sự phối hợp của rất nhiều thành phần từ cán bộ công chức cho đến người dân; phải nâng cao nhận thức của cán bộ cũng như có những chế độ đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp để thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch QH cũng cơ bản đồng tình với đề xuất của TP. Hồ Chí Minh về việc chuyển mạnh các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn về tài chính và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế để giảm số người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Giải pháp trên rất xác đáng để giải quyết bài toán biên chế và nâng thu nhập cho cán bộ, công chức. Đoàn giám sát hoan nghênh những sáng kiến để cải cách bộ máy hành chính, ghi nhận những kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh và sẽ đưa vào báo cáo trình QH”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ.