Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thủ tướng đã yêu cầu làm việc này từ rất lâu rồi. Tuy vậy, để làm được điều này, phải yêu cầu các bộ, ngành xác định được cụ thể danh mục các nhiệm vụ được coi là chính trị và công ích hàng năm cho từng DN cụ thể...

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đến hết năm 2013, tiến trình thực hiện “mới đang ở giai đoạn bắt đầu”. Trong thông điệp đầu năm Giáp Ngọ 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ mục tiêu tái cơ cấu DNNN, cùng với tiến trình đưa giá do Nhà nước kiểm soát tiến gần cơ chế thị trường, là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình cải cách.

Để đề án được thực hiện nhanh chóng, thông điệp của Thủ tướng chuyển thành hành động, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất giải pháp cốt lõi cho vấn đề này.

Những việc cần làm ngay để tái cơ cấu DNNN

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động - Ảnh 1

TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Việc tất yếu phải làm hiện nay là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là thực hiện cổ phần hóa. Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ ý chí thực hiện việc này và nêu rõ định hướng tái cơ cấu DNNN với chỉ tiêu sẽ cổ phần hoá 500 DNNN trong đó có cả tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Thủ tướng cũng định hướng rõ việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. Thủ tướng còn nói, đến năm 2016, chỉ giữ lại khoảng 500 DN 100% vốn Nhà nước và DN nào không cổ phần hóa thì phải thay lãnh đạo ở DN đó.

Thông điệp của Thủ tướng đã rất rõ và rất trúng vấn đề. Nội dung thông điệp này đã tạo áp lực cho việc phải mạnh mẽ thực hiện tái cấu trúc DNNN, trước hết là áp lực hành chính, tác động trực tiếp đến lợi ích của DN và những người đứng đầu DN, buộc họ phải hành động. Tuy vậy, để thông điệp này thành hành động, tiếp theo đây, theo tôi, phải làm ít nhất hai việc:

Một là, từng bộ, tập đoàn, tổng công ty phải lập và công bố ngay danh sách các DN phải cổ phần hóa và tỷ lệ cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015, công bố rộng rãi, công khai để tất cả những ai có quan tâm đều biết để theo dõi và đánh giá.

Hai là, về phía các bộ và Chính phủ, phải phản ứng nhanh và kịp thời trước các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện cổ phần hoá, nhất là những vướng mắc về pháp lý, về giải quyết các thủ tục hành chính để cổ phần hóa… Thực tế cho thấy, thời gian qua, phản ứng này của các bộ, cơ quan có liên quan là chậm so với yêu cầu.

Cũng cần hành động tương tự như vậy đối với thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo giá thị trường của các tập đoàn, tổng công ty.

Thủ tướng yêu cầu các DNNN tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thủ tướng đã yêu cầu làm việc này từ rất lâu rồi. Tuy vậy, để làm được điều này, phải yêu cầu các bộ, ngành xác định được cụ thể danh mục các nhiệm vụ được coi là chính trị và công ích hàng năm cho từng DN cụ thể. Sau đó, công khai hóa tất cả các nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ chính trị của từng DN để theo dõi, giám sát và đánh giá.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu “Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước”. Để thực hiện được yêu cầu này, các bộ chủ quản phải xác định được mục tiêu cụ thể hàng năm đối với từng DN, các chỉ tiêu tương ứng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, thiết lập hệ thống thu thập, cập nhật thông tin theo dõi và đánh giá DN theo các mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định, thiết lập bộ phận chuyên trách có năng lực tương ứng… Cho đến nay, các bộ chủ quản chưa quan tâm đến các nội dung cụ thể nói trên nên không làm tròn chức năng chủ sở hữu, không quản lý, giám sát và kiểm tra của chủ sở hữu đối với DNNN.

Phân nhóm DNNN và thành lập Uỷ ban quản lý DNNN

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động - Ảnh 2
TS. Nguyễn Minh Ngọc,
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển
(Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, vì những lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích xã hội và công cộng, thực hiện những cân đối kinh tế cơ bản thì vẫn cần vai trò lớn của DNNN.

Tuy nhiên, DNNN đã chưa thực hiện tốt sứ mệnh, một số DN còn gây ra những tác động không tốt như lãng phí nguồn lực, gây ảnh hưởng không tốt đến nợ công, thị trường tài chính và cấu trúc thị trường. Thời gian tới phải xác định rõ các sứ mệnh của DNNN, để từ đó phân nhóm/sắp xếp lại DN và xác định mức độ đầu tư vốn của Nhà nước vào các nhóm DN này.

Theo các phân nhóm này, các DNNN có thể được phân vào 4 nhóm:

Nhóm 1, Nhà nước sẽ giữ 100% vốn điều lệ đối với DNNN thực hiện sứ mệnh đáp ứng yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.

Nhóm 2, DN thực hiện sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng (cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, đường sắt, cảng biển, khai thác tài nguyên và các dịch vụ công ích khác), Nhà nước giữ 85% - 100% vốn điều lệ.

Nhóm 3, DN thực hiện sứ mệnh dẫn dắt sự phát triển của các ngành kinh tế và nền kinh tế (hoạt động trong các khu vực có nhiều rủi ro, nhưng nếu thành công sẽ có những tác động đòn bẩy đến các ngành hoặc nền kinh tế), Nhà nước giữ 75% - 85% vốn điều lệ.

Nhóm 4, những DN thực hiện sứ mệnh đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế (gồm các DN kinh doanh các đầu vào cơ bản của nền kinh tế như xăng dầu, điện, năng lượng), Nhà nước giữ 50 - 75% vốn điều lệ.

Một vấn đề nữa, thực tế triển khai quá trình tái cơ cấu DNNN đã quá chậm. Vì vậy, một mặt phải đẩy nhanh tiến độ và phải điều chỉnh phương án tái cơ cấu. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, quyền sở hữu trực tiếp các DNNN đã được quy về 3 đầu mối chính là các bộ, các tỉnh và Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước. Các phương án này có thể không phù hợp với phương án phân loại ở trên. Bên cạnh đó còn có một số nhược điểm như sự chồng chéo về vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước: vừa sở hữu DN vừa quản lý Nhà nước đối với các DN.

Điều này có thể dẫn đến sự thiên vị DNNN, phân biệt đối xử đối với các DN thuộc các thành phần khác trong công tác quản lý Nhà nước, làm phá vỡ tính thị trường của nền kinh tế và làm cho hoạt động của các cơ quan ở trên trở nên quá phức tạp và kém hiệu quả. Vì vậy, nên thành lập Ủy ban quốc gia về DNNN, trực thuộc Chính phủ, thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với các DN.

Muốn thúc đẩy tiến trình phải thay đổi phương thức

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động - Ảnh 3

TS. Trần Tiến Cường,
nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM)

Không chỉ là tiến trình đang rất chậm, tái cơ cấu DNNN đang gặp phải 3 thách thức cơ bản trong việc cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và phương thức tái cơ cấu.

Đến nay, tái cơ cấu DNNN chủ yếu mới biểu hiện ở kết quả xây dựng, phê duyệt đề án với những con số bề nổi như: 100/101 số đề án tái cơ cấu DNNN của các bộ, ngành, địa phương, 40 đề án của tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt; Thu gọn số lượng đầu mối DN nêu trong các đề án; Giảm bớt ngành, lĩnh vực kinh doanh để tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính... Nhưng, điều quan trọng nhất là hình thức tái cơ cấu vẫn theo phương cách cũ là sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao DN, chuyển giao dự án. Kể cả thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh cũng bằng cách chuyển giao DN, chuyển giao dự án theo phương cách cũ.

Mặt khác, tái cơ cấu DNNN mới chỉ tác động làm hạn chế một số nhân tố tạo nên sự phát triển theo chiều rộng của DNNN như thu hẹp số lượng DN, thu hẹp số lượng ngành nghề kinh doanh. Những nhân tố tạo nên chiều sâu phát triển của DNNN hoặc dẫn đến chuyển động về chất của cấu trúc khu vực DNNN dường như đang gặp trở ngại hay bế tắc về biện pháp thúc đẩy. Tái cơ cấu DNNN, kể cả trên đề án và trong thực tế, chưa dẫn đến chuyển động về chất của cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, chất lượng lao động, chất lượng, năng lực và phẩm chất cán bộ quản lý điều hành... Đây đang là thách thức thực sự đối với tái cơ cấu DNNN.

Thoái vốn là điểm nghẽn, cần tháo gỡ mới có thể thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vì đầu tư ngoài ngành chủ yếu tại 2 loại đối tượng này. Cổ phần hoá DNNN cũng là thách thức không dễ vượt qua với mục tiêu đến năm 2015 cổ phần hoá 500 DN, trong đó chủ yếu là các DN quy mô lớn, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, DN công ích và phải giải quyết được vấn đề thoái vốn ở cả 2 phạm vi: nền kinh tế và từng DN.

Ở phạm vi nền kinh tế thì trong các ngành, lĩnh vực không thiết yếu, không cần vai trò Nhà nước cần thoái vốn triệt để (không giữ tỷ lệ phần trăm sở hữu Nhà nước nào). Ở phạm vi các DNNN, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước vẫn cần nắm giữ nhưng với mức độ phần trăm sở hữu khác nhau tuỳ từng ngành, lĩnh vực, như: dưới 100%-75%, dưới 75%-65%, dưới 65%-51%, dưới 51%.

Tuy nhiên, tái cơ cấu DNNN lần này, theo nghĩa là tái phân bổ nguồn lực cho các khu vực DN, phải tính đến tổng mức sở hữu và đầu tư Nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm tái phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, vừa cho khu vực DNNN, vừa tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế khác cùng tham gia trong các ngành, lĩnh vực đó trừ ngành, lĩnh vực độc quyền Nhà nước.