Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ

Theo Tuyết Lai/daibieunhandan.vn

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, trong những tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính của ngành đang được các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ngành cũng tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt các thủ tục không cần thiết cho người hưởng, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hướng tới phục vụ người dân

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, ngành tiếp tục triển khai hệ thống các phần mềm nghiệp vụ; kiện toàn hệ thống chăm sóc khách hàng để hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người dân và doanh nghiệp.

Nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Duy trì hệ thống mạng WAN, triển khai các giải pháp về an toàn thông tin từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện, bảo đảm kết nối thông suốt và bảo mật thông tin cho các hoạt động của ngành trên môi trường mạng.

Thực tế, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, một số địa phương tích cực triển khai cấp lại, đổi thẻ cho người dân không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu. Cụ thể, từ giữa năm 2018, BHXH TP Hồ Chí Minh cũng phân cấp cho BHXH các quận, huyện và văn phòng BHXH thành phố thực hiện cấp lại, đổi thẻ cho người tham gia BHYT.

Các đối tượng như người có công, hưu trí, cận nghèo, học sinh, sinh viên, trẻ em, hộ gia đình... có thể lập hồ sơ cấp lại thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH quận, huyện nào hoặc Văn phòng BHXH thành phố, trong trường hợp điều chỉnh thông tin trên thẻ; đổi mã quyền lợi hưởng BHYT; thay đổi nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu; thời điểm đủ 5 năm liên tục hoặc mất, hỏng.

Trong quý III, BHXH Việt Nam cũng tiếp nhận được phản ánh, kiến nghị của cá nhân và doanh nghiệp về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.

Các phản ánh, kiến nghị đã được các đơn vị nghiệp vụ và BHXH địa phương giải quyết kịp thời, đúng quy định, cập nhật thông tin đầy đủ trên hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, vẫn còn một số hạn chế mà ngành cần khắc phục, như tại BHXH cấp huyện, cá biệt vẫn để xảy ra việc hướng dẫn người thụ hưởng chế độ BHXH về thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, gây phiền hà, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Theo BHXH Việt Nam, trong 5 năm qua, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) mà ngành BHXH quản lý đã giảm trên 75%, từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; trong đó, riêng năm 2017 giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.

Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày và thẻ BHYT từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày, cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Đồng thời, số giờ thực hiện TTHC cũng giảm mạnh từ 335 giờ xuống còn hơn 50 giờ và đang hướng đến giảm xuống còn 49 giờ....

Năm 2017, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng 18 bậc so với năm 2016 và là đơn vị đứng đầu trong các cơ quan thuộc Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin  để phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2018.

Tại báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên chỉ số về nộp thuế và BHXH tại Việt Nam nằm trong ASEAN 4, tăng 81 bậc so với năm 2017 và đạt vị trí thứ 86/190 (năm trước xếp ở vị trí 167)…

Trong những tháng cuối năm này, ngành BHXH tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT, góp phần minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, nhất là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Đồng thời, phối hợp với Cục Việc làm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu để sẵn sàng cho việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH trong thời gian tới, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp và hạn chế tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Mặc dù vậy, hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự đồng bộ, một số cơ sở dữ liệu chưa tập trung, liên thông toàn quốc ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giao dịch điện tử, nhất là trong lĩnh vực giám định BHYT.

Do đó, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành, nhằm khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu cho các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.