Cải cách thể chế nhằm huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIII, 3 năm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi ngân sách còn cao... Để góp thêm góc nhìn về năm bản lề 2013 và giải pháp cho hai năm 2014-2015, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2013 là năm bản lề trong kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn có nhiều hạn chế như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong phiên họp khai mạc. Vậy theo ông, điều đó sẽ tác động ra sao đến nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014 và các năm tiếp theo?

Ông Nguyễn Quang Thái: Tình hình kinh tế của nước ta trong mấy năm qua có những mặt sáng - tối đan xen trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và bối cảnh nội tại của nền kinh tế. Riêng năm 2013, chúng ta cũng thấy rất nhiều điều đáng quan tâm. Có rất nhiều chỉ tiêu mà chúng ta cũng đã thực hiện tương đối đạt, chứng tỏ kinh tế đã có bước phục hồi nhất định trong một số lĩnh vực. Lạm phát cũng được hạn chế, xuất khẩu được đẩy mạnh. Tất cả những yếu tố đó làm cho cân đối vĩ mô, ổn định vĩ mô đã được đảm bảo một bước.

Tuy nhiên chúng ta còn rất nhiều những yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục, đó là lạm phát tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn tương đối cao, nhiều điều chỉnh lạm phát ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhưng khi giải thích với người dân về chuyện tăng giá điện, đôi khi cũng không được đầy đủ lắm. Sản xuất kinh doanh thì cần dựa vào vốn, tín dụng, tuy nhiên việc đưa vốn, tín dụng vào sản xuất thì cả 2 phía: ngân hàng cũng muốn an toàn mà người dân, doanh nghiệp thì cũng muốn tìm được phương án sản xuất hợp lý, chưa tìm được thì cũng không muốn vay vốn.

Thế cho nên mức tăng trưởng tín dụng còn thấp và cuối cùng là do mô hình tăng trưởng còn cũ, chưa thay đổi cơ bản, dựa vào vốn mà vốn ít thì làm cho kinh tế tăng trưởng chậm, đó cũng là xu hướng chung điều chỉnh cơ cấu kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Thế nên, chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi tình hình để đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất của nhân dân và kỳ vọng của các cử tri.

Vậy theo ông, nhiệm vụ tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đang bị vướng ở khâu nào?

Thực ra, mô hình tái cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng là cả một vấn đề lớn mà không thể giải quyết một số mặt chưa được. Nhưng trong các phân tích của một số nhà kinh tế, khâu quan trọng nhất là về thể chế kinh tế, nói nôm na là cơ chế chính sách. Hiện nay có 4 lĩnh vực làm cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh thì đang gặp khó khăn.

Thứ nhất là về doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực chúng ta đang hy vọng tốt thì thực ra chiếm dụng vốn lớn, tuy nhiên không tạo ra được nhiều việc làm, thậm chí một số lĩnh vực hoạt động không hiệu quả, gây nợ nần. Thứ hai, lĩnh vực dân doanh cũng có những khó khăn nhất định, như những doanh nghiệp vừa và nhỏ trước những áp lực hội nhập cũng làm cho những sản phẩm không tiêu thụ được nhiều và khó khăn.

Rồi đến khu vực nông nghiệp - nông thôn, nơi có 70% dân số và 50% lực lượng lao động cũng đang gặp khó khăn, tiêu thụ sản phẩm cũng đang gặp khó khăn. Nên tuy khu vực thứ 4 là khu vực đầu tư nước ngoài có tăng trưởng nhất định, nhưng chúng ta vẫn phải có những điều chỉnh trong việc quản lý để làm sao có hiệu quả hơn. Tất cả những lĩnh vực đó cho thấy ách tắc của nền kinh tế cần được xử lý trong tương lai.

Theo ông, cải cách thể chế cần được đẩy mạnh theo hướng nào?

3 vấn đề đột phá chiến lược là định hướng đúng, nhưng là vấn đề dài hạn. Ví dụ như cơ sở hạ tầng, nhân lực, không thể một sớm một chiều là có đội ngũ nhân lực cao được. Nhưng để mở ra, làm cho nền kinh tế xoay theo một hướng mới hướng đến hiệu quả chất lượng cao, để tạo ra môi trường kinh doanh, kinh tế thuận lợi chính là thể chế. Nói một cách đơn giản là làm sao để có một luật chơi mới, sân chơi bình đẳng trong nền kinh tế và có những quy tắc chơi để người chơi tham gia trong quá trình đó có hiệu quả.

Về luật lệ, toàn dân tham gia đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp, sửa chữa Luật Đất để kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua. Nhưng hàng loạt quy định luật pháp và quy chế kèm theo nữa cũng đòi hỏi phải có những đột phá. Theo báo cáo của Chính phủ, lĩnh vực điện lực chưa có những đột phá mạnh mẽ. Đặc biệt là tư duy phát triển kiểu mới trong hội nhập thế giới chúng ta cũng chưa có những nhận thức chung. Do đó, nói thì giống nhau nhưng hiểu biết và cách vận dụng ở mỗi địa phương, mỗi ngành mỗi lĩnh vực không giống nhau.

Theo ông điểm căn bản phải thay đổi là gì?

Theo tôi, tới đây cần phải có những chủ trương được lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thông qua đường hướng, trên cơ sở đó quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân để thấy môi trường kinh tế của chúng ta trong điều kiện mới, hội nhập ngày càng sâu. Không phải chỉ là anh làm cái barie, làm cái rào cản thương mại để lọc hàng hóa vào, mà cái chính là phải đổi mới bên trong nền kinh tế Việt Nam để nền kinh tế Việt Nam mạnh lên. Chính nền kinh tế mạnh lên sẽ thích ứng ngày càng sâu được và đó chính là  thể chế từ bên trong, đòi hỏi tư duy phát triển dài hạn hơn để phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ thích ứng với điều kiện mới.

Nhìn lại giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2006 – 2010, có ý kiến cho rằng chúng ta đã khai thác khá triệt để những lợi thế tĩnh như đất đai, tài nguyên và phát triển kinh tế, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2011-2015, cần tập trung vào những nhóm giải pháp nào?

Cái nhận xét đó là đúng, vì mô hình tăng trưởng cũ dựa vào lợi thế tĩnh nhiều hơn, còn cái lợi thế động, chủ động tạo ra trong quá trình hội nhập quốc tế cũng còn nhiều mặt cần điều chỉnh hơn nữa. Thứ nhất là việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Đây không phải là vấn đề khoa học mà ở toàn bộ việc phát triển đất nước phải được động viên sức của toàn dân tham gia.

Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ không chỉ từ nguồn ngân sách của Nhà nước mà từ các nguồn lực khác, như giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp cũng phải là khu vực của các trường học phát triển và tạo ra việc làm. Đặc biệt là quá trình hội nhập rất là mạnh mẽ thì phải được phổ biến đến mọi người để người ta biết rằng hội nhập nó yêu cầu như thế nào và cụ thể là cái gì như vậy là các doanh nghiệp mới có thể liên kết với nhau để tạo ra thế cạnh tranh mạnh hơn tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thưa ông, có quan điểm cho rằng đất nước ta đang đứng trước cơ hội phát triển hết sức to lớn, đó là hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta đang đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với một số nước, khu vực. ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này và chúng ta cần làm gì để biến những cơ hội trở thành hiện thực?

Đúng như vậy. Đến nay nhu cầu hội nhập là tất yếu khách quan. Chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ, tham gia với ASEAN và chúng ta tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì chúng ta thấy nó cũng được những mặt xuất khẩu và đẩy mạnh nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, chúng ta tham gia với TPP rồi FTA với các nước ASEAN+6 có rất nhiều hiệp định song phương, mở rộng ra đến hơn 50 hiệp định mà chúng ta tham gia. Nhưng hiểu biết của người dân về lĩnh vực này chưa cao.

Chúng ta phải hiểu rằng, yêu cầu của hội nhập mới cao hơn, không phải chỉ đưa ra những rào cản, mà phải đưa ra những cam kết hội nhập để phát triển đất nước chúng ta, để bình đẳng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, nông nghiệp không chỉ xuất khẩu thô mà có thể tham gia vào chuyển đổi như thế nào để tham gia chế biến nông sản, sản phẩm đó không chỉ tham gia trong nước mà còn góp vào thị trường kinh tế thế giới.

Thưa ông, trong báo cáo của Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội thì phần phân tích nguyên nhân cũng đã nêu: “Chính sách đổi mới trong thời gian qua về cơ bản đã phát huy hết vai trò là động lực phát triển, cần phải có những đột phá mới để tạo động lực cho sự phát triển”. ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Các nhà kinh tế có nghiên cứu và đề xuất vấn đề phát triển của đất nước, làm sao cho đất nước chúng ta thích ứng với hội nhập quốc tế, vai trò của người dân, của tất cả các thành phần kinh tế đều được phát huy, chứ không phải chỉ bộ phận này, bộ phận khác được giao rất nhiều tài sản của Nhà nước nhưng lại làm thất thoát, lãng phí gây bức xúc cho nhân dân.

Cho nên tới đây, dù Chính phủ có đề xuất là tăng bội chi ngân sách, sử dụng cho đầu tư nhưng việc công khai và minh bạch những chi phí như EVN tăng giá điện cũng phải công bố, công khai. Điều đó sẽ làm cho nền kinh tế chúng ta từng bước phát triển, đồng thời làm cho nhân dân tin tưởng vào tính công khai minh bạch của quá trình phát triển. Nếu chỉ một bộ phận tiến lên, một bộ phận khác ăn theo thì không được. Phải làm sao huy động sức mạnh toàn dân làm động lực quan trọng nhất để tiến lên trong thời kỳ mới.

Như vậy quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế, thưa ông?

Vâng, đúng như vậy, tức là phải phát triển mới và những cái mới sẽ làm cho dân tộc Việt Nam có thể tham gia một cách chủ động tích cực vào hội nhập. Và, Việt Nam mạnh lên thì mới là hội nhập thành công chứ không phải là che chắn để Việt Nam có thể hội nhập được và yêu cầu sự nể nang của các nước để giảm điều kiện hội nhập.

Chúng ta phải mạnh lên để hội nhập thành công. Đấy chính là thể chế mà thể chế đấy chính là phát huy sức mạnh của dân tộc để phát triển nền kinh tế, kể cả các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước và kể cả ngoài nhà nước và trong nhà nước.

Xin cám ơn ông!