Cải cách thủ tục hành chính thuế thông qua xã hội hóa

TS. Lý Phương Duyên

(Tài chính) Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử. Theo đó, việc nộp thuế điện tử cần phải có sự tham gia của cả hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế.

Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kê  khai và nộp thuế điện tử. Nguồn: internet
Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử. Nguồn: internet
Cơ sở xã hội hóa công tác quản lý thuế
Theo Luật Quản lý thuế, ngoài hai chủ thể chính là cơ quan thuế, công chức thuế và người nộp thuế (NNT), thì hầu hết các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều tham gia quản lý thuế ở nhiều lĩnh vực, với mức độ và phạm vi khác nhau. Theo đó, NNT có nghĩa vụ: “Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế” (Điều 7). Quốc hội là cơ quan tối cao thông qua các luật thuế, thông qua số tiền thuế, tiền phạt được xóa theo qui định của pháp luật, phê chuẩn dự toán, quyết toán NSNN; Chính phủ, Bộ Tài chính, có trách nhiệm qui định chi tiết, hướng dẫn, chỉ đạo quản lý thuế đúng các luật thuế, chỉ đạo lập dự toán thu và tổ chức thực hiện, xử lý các khiếu nại tố các về thuế theo thẩm quyền (Điều 12); HĐND và UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc chấp hành các luật thuế (Điều 10,11). Hội đồng tư vấn thuế phường xã tham gia tư vấn cho cơ quan thuế về các khoản thuế ở xã phường, thị trấn đảm bảo đúng pháp luật, dân chủ, công khai, công bằng, hợp lý (Điều 12). Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản của NNT; Các cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, lĩnh vực như công an, quản lý nhà đất, quản lý thị trường, thương mại, các cơ quan chi trả thu nhập, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội… trong phạm vi nhiệm vụ quản lý hoặc có nắm giữ các thông tin liên quan đến NNT có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan chức năng, kể cả tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật thuế; phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế (Điều 13, 16).

Bên cạnh đó, Điều 14, 15 Luật Quản lý thuế  cũng giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm động viên nhân dân, giáo dục các hội viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế; các cơ quan thông tin, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về thuế, nêu gương tốt và phản ánh, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật thuế. Ngoài ra, Luật Quản lý thuế còn tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ tư vấn thuế, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân nộp thuế có thêm kênh tiếp cận các chính sách thuế, thực hiện tốt hơn các thủ tục về thuế (Điều 20).
 
Tuy nhiên, sự tham gia của các cơ quan nhà nước vào quá trình quản lý thuế chính là sự thực hiện các chức năng của mình mà không được coi là xã hội hoá (XHH) quản lý thuế. Vì vậy, XHH quản lý thuế chỉ được xem xét đến sự tham gia của NNT trong kê khai thuế; các ngân hàng, các tổ chức kinh tế trong khấu trừ thuế, thu nộp tiền thuế; rộng hơn là sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức năng tuyên truyền, hỗ trợ về thuế, sản xuất các tài liệu, phần mềm liên quan đến việc kê khai thuế và sự tham gia của các đại lý thuế trong việc hỗ trợ  NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
 
Xã hội hoá quản lý thuế ở Việt nam
 
Với quy định của Luật Quản lý thuế, sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước vào công tác quản lý thuế trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, trên một số nội dung cơ bản. 
 
Cơ chế tự khai tự nộp (Self Asessement System- SAS) được áp dụng thí điểm ở Việt Nam từ năm 2004 và từ năm 2007, sau khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2007) thì tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều thực hiện SAS và cơ chế này áp dụng cho mọi sắc thuế. Theo đó, bộ máy tổ chức quản lý đã chuyển đổi theo mô hình chức năng thay vì quản lý theo sắc thuế, công tác tuyên truyền hỗ trợ được chú trọng hơn với sự ra đời của bộ phận tuyên truyền hỗ trợ ở tất cả các cục thuế, chi cục thuế; việc hỗ trợ kê khai được thực hiện một cách mạnh mẽ với sự trợ giúp của phần mềm kê khai thuế. Hiện nay, tất cả NNT đều đã quen với việc tự khai, tự nộp thuế và việc thực hiện cơ chế này là thành công đầu tiên của việc xã hội hoá quản lý thuế ở Việt Nam. 
 
Cơ chế khấu trừ thuế tại nguồn được áp dụng từ những năm đầu, khi Việt Nam triển khai Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Đến năm 2009, khi Luật Thuế TNCN chính thức thực hiện thì mới thấy rõ sự trở lại mạnh mẽ của phương thức này và được xem là một trong những bước đi quan trọng của quản lý thuế TNCN, thể hiện nỗ lực xã hội hóa công tác quản lý thuế. 
 
Dịch vụ hỗ trợ NNT là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhận được sự tham gia đông đảo của các khu vực kinh tế trong thời gian qua. Hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT ngày càng phong phú và đa dạng, có tính giáo dục nhẹ nhàng cũng cho thấy sự thành công chức trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ NNT. 
 
Về phát triển đại lý thuế, Điều 20 Luật Quản lý thuế đã quy định về vấn đề kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, là cơ sở cho việc phát triển lĩnh vực này. Để tạo điều kiện cho các đại lý thuế hành nghề, Bộ Tài chính đã có thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 3/4/2008 (được thay thế bằng Thông tư số 117/2012/TT-BTC ngày 19/7/2012) hướng dẫn đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. 
 
Theo báo cáo của Hội tư vấn thuế, tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 201 đại lý thuế được thành lập, với 497 nhân viên hành nghề và khoảng 2.150 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
 
Giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa quản lý thuế
 
Mặc dù công tác xã hội hóa quản lý thuế đã bước đầu có những thành công nhất định, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được nguồn lực và tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong quản lý thuế. Hầu hết các công việc đều do cơ quan thuế chủ động hoặc sử dụng các chế tài  để thực hiện, chứ chưa có cơ chế khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tiếp cận và tham gia. Việc kê khai nộp thuế điện tử đang được quyết liệt triển khai nhưng NNT còn gặp một số trở ngai khi thực hiện do trình độ tin học còn hạn chế và cơ sở hạ tâng chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT chưa phù hợp với từng nhóm NNT. Dịch vụ đại lý thuế chưa phát triển đầy đủ, do xã hội chưa nhận thức được những lợi ích mà đại lý thuế mang lại. Để kịp thời khắc phục, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế tự khai tự nộp và cơ chế khấu trừ tại nguồn, Việt Nam có thể xem xét và mở rộng diện thực hiện xã hội hoá quản lý thuế trên một số lĩnh vực.
 
Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kê  khai và nộp thuế điện tử. Theo đó, việc nộp thuế điện tử cần phải có sự tham gia của cả hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Các ngân  hàng thương mại phải nâng cao năng lực, bảo mật thông tin, có mạng lưới rộng khắp và phải có phần mềm kết nối với cơ quan thuế để đảm bảo thuận tiện nhất cho NNT. 
 
Tiếp đến, cần huy động tối đa nguồn lực ngoài nhà nước trong tuyên truyền, hỗ trợ NNT. Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để khu vực tư nhân có thể cùng tham gia quản lý thuế. Với các nước đang phát triển, trong điều kiện nguồn lực có hạn, thì khu vực tư nhân có thể tham gia vào thị trường này thông qua việc xuất bản các loại sách hướng dẫn về việc xác định đối tượng nộp thuế, xác định số thuế phải nộp cho từng đối tượng cụ thể. Các loại sách liên quan đến việc hướng dẫn các luật thuế cần được biên soạn theo hướng dễ đọc, dễ nhớ thay vì các điều khoản luật xơ cứng. Nếu như việc xuất bản các phụ trương trên báo và các chương trình truyền hình hàng ngày cần có sự hỗ trợ rất lớn của nguồn lực công, thì các nguồn lực tư nhân có thể được sử dụng trong việc phối hợp với cơ quan thuế để sản xuất các chương trình truyền hình đặc biệt dưới hình thức các trò chơi truyền hình, kết hợp với việc phỏng vấn cán bộ thuế, kế toán, kiểm toán và luật sư về các vấn đề phức tạp liên quan đến việc thực hiện các sắc thuế. 
 
Bên cạnh việc sử dụng các nguồn lực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ mang tính thương mại như trên, việc sử dụng các hình thức tư vấn tự nguyện cũng là một ý kiến rất đáng được quan tâm trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế. Do mang tính chất phi lợi nhuận nên các chương trình hỗ trợ này có thể sử dụng nguồn lực và sự hảo tâm của các tổ chức phi chính phủ, các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức tài chính thế giới và nên được tập trung thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định để có tác động lan truyền rộng khắp
 
Về lâu dài, cần duy trì và phát triển dịch vụ đại lý thuế. Để thực hiện được nội dung này, cần mở rộng đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân đủ điều kiện. Đồng thời, có ràng buộc về việc cập nhật kiến thức và đào tạo chuyên sâu hàng năm để các cá nhân hành nghề đại lý thuế có thể tiếp cận được các thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Những ích lợi và tầm quan trọng của việc sử dụng đại lý thuế cũng cần được tuyên truyền rộng rãi cho NNT để họ có thể lựa chọn loại hình dịch vụ nhiều hơn, đảm bảo cho các đại lý thuế hoạt động ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.