Cải thiện hiệu quả đầu tư: Thách thức "nóng" cho Chính phủ nhiệm kỳ mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

“Chúng ta đầu tư khoảng 7 thì mới được 1 tăng trưởng, nghĩa là càng đầu tư thì càng thất thoát vốn. Đây chính là cảnh báo đối với nhiệm kỳ tới cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách dàn trải, đầu tư bằng mọi giá”…

Cải thiện hiệu quả đầu tư: Thách thức "nóng" cho Chính phủ nhiệm kỳ mới - Ảnh 1

ĐB Lê Như Tiến

Đây là chia sẻ của ĐB Lê Như Tiến bên lề phiên họp Quốc hội về những thách thức cần được giải quyết trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Phóng viên: Trong suốt 2 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội,ông đã có nhiều lần đăng đàn với những ý kiến sắc bén trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vậy ông đánh giá thế nào về lĩnh vực này khi kết thúc nhiệm kỳ khoá XIII?

ĐB Lê Như Tiến: Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy tốt vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đó là nòng cốt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy mạnh mẽ cử tri và nhân dân ở rộng khắp mọi nơi, đó là tai mắt của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Cùng với đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được cơ chế bảo vệ người phòng chống tham nhũng, lãng phí và những người tố cáo. Đồng thời, cũng chưa quy cụ thể trách nhiệm của những người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nếu người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị không quyết liệt, đặc biệt là “nhúng chàm” thì ai dám đứng ra tố cáo tham nhũng, lãng phí. Nói như các cụ “nhà giột từ nóc, nước đục từ đầu nguồn”, nếu người đứng đầu “nhúng chàm” thì không bao giờ cơ quan, tổ chức đó trong sạch được.

Để có thể phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, chúng ta cũng rất cần tăng cường lực lượng cho cơ quan phòng chống tham nhũng, lãng phí từ trung ương đến địa phương, đó là cơ quan bảo vệ pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát huy được vai trò của các cơ quan này thì tôi tin là công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ có chuyển biến, hiệu quả.

Tại phiên họp vừa qua,ông cũng có bài phát biểu về vấn đề nhà đầu tư bị gây khó dễ cho dù chúng ta đang nỗ lực kêu gọi đầu tư. Xinông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Đúng vậy, tôi muốn nói đến hành động mời gọi đầu tư, nhưng lại hành xử với nhà đầu tư theo “luật rừng” như ngăn rào, chặn cổng, cắt điện, cúp nước và có một số người thi hành công vụ trắng trợn vòi vĩnh đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn làm cho doanh nghiệp khốn đốn, nản lòng.

Mời gọi đầu tư, cho các nhà đầu tư “đi trên thảm đỏ”, nhưng vẫn nhức nhối vì “hàng đinh” phía dưới. Các chủ trương, chính sách tốt đẹp đã bị khâu thực hiện, người thực hiện dựng “barie” làm vô hiệu hóa các chính sách tốt đẹp về mời gọi đầu tư.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề khác người dân đang bức xúc. Chẳng hạn như vấn đề cải cách thủ tục hành chính, người dân vẫn mong đợi cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Tôi rất băn khoăn về nợ công mà các vị ĐB đã nói rất nhiều. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vay nợ, tiếp tục sử dụng vốn vay không hiệu quả thì sẽ khó phát triển kinh tế bền vững.

Một việc nữa mà tôi thấy ít vị ĐB nhắc tới là chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR, hay là hệ số đầu tư tăng trưởng. Trong khi các nước trong khu vực và thế giới, họ đầu tư 3 đến 4 thì được 1 tăng trưởng, còn chúng ta đầu tư khoảng 7 thì mới được 1 tăng trưởng, nghĩa là càng đầu tư thì càng thất thoát vốn. Đây chính là cảnh báo đối với nhiệm kỳ tới cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách dàn trải, đầu tư bằng mọi giá.

Như vậy thì nhiệm kỳ tới chúng ta cần phải làm gì để khắc phục vấn đề mà ông đã nêu ra trong lĩnh vực thu hút đầu tư cũng như tăng hiệu quả đầu tư?

Trong 3 đột phá mà chúng ta cần thực hiện thì đột phá đầu tiên là đột phá thể chế. Đó là tạo ra hành lang pháp lý, các quy định văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn dưới luật phải thật chuẩn mực để tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng một cách thực sự cho nhà đầu tư… Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức, bộ máy. Nguồn nhân lực phải chất lượng, tận tâm. Kỷ luật, kỷ cương trong nhiều lĩnh vực phải được siết chặt, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương giữa cấp trên và cấp dưới phải mạnh hơn, rõ hơn nữa.

Với bộ máy nhân sự mới, tôi rất kỳ vọng Chính phủsẽ tạo ra được chuyển biến, khắc phục được những bất cập này trong thời gian tới.

Xin cảm ơn đại biểu!