Cải thiện môi trường kinh doanh: Tư duy đột phá, hành động quyết liệt

ThS. ĐÀO DUY HÀ - Học viện Ngân hàng

Không chỉ thể hiện tư duy đột phá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo thực thi các bước đi quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo mục tiêu: Đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, như đã được đề ra tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cải cách đang lan tỏa sâu rộng

“Trong ba năm liên tiếp gần đây, Chính phủ đã 3 lần ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, qua đó chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm, tạo nhiều chuyển biến trong môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng... Nhìn chung bên cạnh sự tích cực vào cuộc có hiệu quả của Bộ Tài chính (hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính Thuế, Hải quan) thì các bộ, ngành chưa tích cực triển khai các nội dung cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Do vậy, để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong cải thiện môi trường kinh doanh, phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với CIEM tổ chức mới đây.

Ngoài Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, với nhiều nội dung mang tính đột phát, đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, DN sản xuất, kinh doanh. Với sự quyết liệt này, DN, người dân đang kỳ vọng tinh thần cải cách mạnh mẽ này sẽ sớm “thấm” xuống các bộ ngành, địa phương rồi lan tỏa sâu rộng ra toàn quốc.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của cộng đồng DN, các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần được thực hiện quyết liệt để tạo sự lan tỏa và ngấm rõ nét xuống cấp cơ sở. Nghị quyết 19/2016/NQ-CP thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, nhưng việc thực hiện văn bản này tại cơ sở còn nhiều hạn chế.

“Trong những năm gần đây, những cải cách thủ tục về thuế, hải quan, vận tải (phí, phụ phí tàu biển), quản lý lao động... của các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động khá tích cực đối với ngành dệt may…”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam phản ánh và cho biết thêm, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó, thì thời gian quan vẫn có nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho DN liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàm lượng formaldehyt); điều kiện nhập khẩu máy in; quy định tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động…

Đại diện Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam phản ánh, việc thực hiện quy định kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm bông nhập khẩu (lĩnh vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm trách) theo quy định hiện hành còn mất nhiều thời gian, tốn chi phí cho DN...

Từ tiếng nói của nhà quản lý ở cấp cơ sở, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa như kỳ vọng là tạo ra được đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh. Do đó, tới đây TP. Hồ Chí Minh xác định phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP đạt hiệu quả cao theo hướng sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện để cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, gia nhập thị trường, tính năng động của lãnh đạo, tiếp cận đất đai... Cùng với đó là tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước; xã hội hóa các dịch vụ công... đồng thời, đề nghị các bộ, ngành phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc của DN mà địa phương đề xuất… nhằm phục vụ người dân, DN tốt nhất.

Tăng cường giám sát đảm bảo tính thực thi cao

Để khắc phục những hạn chế trên, đưa các nội dung cải cách của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP “ngấm” xuống các cấp cơ sở, các chuyên gia cho rằng ngoài tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho DN; tư vấn pháp luật, giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến DN, Liên đoàn kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP tại các bộ, ngành, địa phương; khắc phục điểm yếu trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cấp này...

Nhấn mạnh khâu giám sát các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh sớm đi vào cuộc sống, TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN khẳng định, việc giám sát này sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. Muốn tăng cường giám sát để thúc đẩy công khai, minh bạch, thì công cụ cực kỳ quan trọng là xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Nếu không sẽ không bao giờ có công cụ để người dân và DN giám sát. Nếu không có giám sát thì bao giờ cũng có tiêu cực, nhũng nhiễu. Cùng với đó, Nghị quyết 35/2015/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển DN trên trang thông tin điện tử, công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, nếu không giải quyết thì phải nói rõ tại sao.

Nghị quyết 19/2016/NQ-CP đã giao nhiệm vụ cụ thể hơn cho Văn phòng Chính phủ là chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ và tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý, đồng thời mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của DN và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng giao Văn phòng Chính phủ thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Cũng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, hàng quý Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN sẽ giao ban về tình hình triển khai Nghị quyết 35/2016/NQ-CP và Nghị quyết 19/2016.

Liên quan đến hướng giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà cộng đồng DN nêu ra như trên, quan điểm nhất quán của Chính phủ: coi DN là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cam kết đồng hành cùng DN, sẵn sàng cùng các bộ, ngành lắng nghe ý kiến DN, giải quyết các khó khăn vướng mắc, các hiệp hội, để tạo thuận lợi, hỗ trợ và phát triển DN, làm cho môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi và an toàn. Với các văn bản quy phạm pháp luật của bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành sai với luật hoặc trái với quy định của văn bản cấp cao hơn, thì có một giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn so là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thực thi, bãi bỏ các văn bản này.

Đặc biệt, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã dành hẳn một ngày để thảo luận về công tác xây dựng thể chế, trong đó có trọng tâm là kiểm điểm việc ban hành các văn bản hướng dẫn để đưa các nội dung cải cách của Luật DN, Luật Đầu tư vào cuộc sống, đồng thời nội dung này được các thành viên Chính phủ thảo luận trước khi bàn thảo các vấn đề kinh tế-xã hội. Động thái này thêm minh chứng cho sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong khẩn trương đưa các nội dung cải cách về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào cuộc sống. Qua đó, hỗ trợ DN giảm tối đa chi phí, thời gian tuân thủ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó thực sự tạo ra “cú hích” cho phát triển DN trong thời gian tới nhằm mở thêm dư địa cho thu ngân sách, đồng thời ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016;

2. Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ;

3. Trang điện tử: Chinhphu.vn; VCCI.com.vn; Mof.gov.vn…