Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vào cuộc sống:

Cải thiện niềm tin của doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) đã tạo ra bước nhảy vọt trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Sau 5 tháng triển khai trong thực tế, 2 luật này đã đi vào cuộc sống, song vẫn còn nhiều băn khoăn về khoảng cách giữa luật và thực tiễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Cởi trói”

Tại hội thảo về thi hành Luật DN, Luật Đầu tư 2014 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 23/11, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết: Cho đến nay, tất cả các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN đã được ban hành.

Nói rõ hơn về việc thi hành Luật DN, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: 5 tháng thực hiện Luật DN là quá ngắn để đánh giá tác động của đạo luật, đặc biệt là đạo luật quan trọng như Luật DN. Tuy nhiên, về cơ bản Luật DN đã đi vào cuộc sống và được cộng đồng đón nhận.

Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Từ 1/7/2015, số DN thành lập mới gia tăng liên tục với tốc độ cao. Sau gần 5 tháng thực hiện Luật DN, đã có khoảng hơn 40.800 DN đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Đây là con số cực kỳ ấn tượng. Riêng tháng 8/2015, có hơn 9.300 DN thành lập mới, tăng tới 84,1%. Tháng 11/2015 có hơn 8.400 DN thành lập mới, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2014.

“Tất nhiên có ý kiến cho rằng DN tăng lên không hẳn do Luật DN có hiệu lực, tôi đồng ý với quan điểm số lượng DN tăng lên không hoàn toàn nhờ tác động của Luật DN, nhưng theo dõi 15 năm nay, chúng tôi thấy tại bất cứ thời điểm nào khi có Luật DN mới ban hành, số DN thành lập mới đều gia tăng đột biến” – ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ.

“Nếu không có gì thay đổi, riêng năm 2015 này chúng ta sẽ có 94 nghìn DN thành lập mới. Đây là năm có số DN thành lập mới lớn nhất trong lịch sử. Điều đó cho thấy sự cởi trói trong tự do kinh doanh” – ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Một số liệu đáng chú ý khác được lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cung cấp là số DN đăng ký thay đổi hồ sơ DN. Trong thời gian từ 1/7 đến nay, có hơn 134 nghìn hồ sơ đăng kí thay đổi, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng mừng, có 1/3 trong số này đề nghị tăng vốn điều lệ. “Ngoài việc DN mới gia tăng, số DN đang hoạt động tiếp tục tăng vốn kinh doanh là tín hiệu cho thấy niềm tin DN vào cơ hội kinh doanh sắp tới. Đây là con số đột biến, ghi nhận thành công ban đầu của Luật DN” – ông Bùi Anh Tuấn nói.

Riêng về con dấu DN, ông Bùi Anh Tuấn thừa nhận DN tự quyết nội dung, hình thức và số lượng con dấu khiến có DN hồ hởi sung sướng, nhưng cũng có DN bỡ ngỡ không biết làm thế nào.

“Tuy nhiên vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, việc để DN tự quyết con dấu đã được DN đón nhận. Trung bình hàng tháng có hơn 10.000 DN thông báo con dấu mới. 5 tháng triển khai Luật DN, đến nay đã có gần 52 nghìn mẫu dấu mới, nhưng 99% vẫn theo hình thức như trước đây, chỉ khác nhau về kích cỡ. Điều này cũng dễ hiểu, vì hình thức con dấu từ lâu đã ăn sâu trong tiềm thức từng người. Song hiện ở Hải Phòng đã xuất hiện con dấu hình hoa phượng, 1 DN kinh doanh rượu đã có con dấu hình chai rượu” - ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ.

Vẫn còn bất cập

Lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thừa nhận do Luật DN có nhiều cải cách nên không tránh khỏi khó khăn bước đầu khi thực hiện, trong đó có việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN chậm. Thực tế, bản thân Luật DN hàm chứa nhiều quy định chi tiết, nên về cơ bản có thể trực tiếp áp dụng mà không cần chờ Nghị định.

Ngoài ra, áp lực lên cơ quan đăng ký kinh doanh rất lớn. “Hồ sơ DN gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh tăng 40% cùng kỳ, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã từng có tình trạng quá tải” – ông Tuấn cho biết – “Hồ sơ tăng mạnh, trong khi thời gian đăng ký thành lập DN giảm chỉ còn 3 ngày. Số hồ sơ tăng lên, thời gian xử lý thủ tục giảm, nhưng biên chế không thêm người nào”.

Nhận xét về thi hành Luật DN, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Công ty Luật Nguyễn Hưng Quang và cộng sự nhấn mạnh đến sự “mong manh giữa tiến bộ và rào cản”.

Đối với con dấu của DN, luật sư Nguyễn Hưng Quang chỉ rõ: Luật DN đã chỉ ra chế định mới về con dấu, mang lại cải cách lớn. Thế nhưng, Nghị định 78/2015/NĐ-CP lại quy định khi thông báo mẫu dấu gửi cơ quan đăng ký kinh doanh thì phải thông báo “thời điểm có hiệu lực của con dấu”. Quy định này vừa không đúng với quy định của Luật DN vừa không đúng với mục tiêu tạo tính chủ động cho DN đối với con dấu.

Ngoài ra, Nghị định 96/2015/NĐ-CP lại loại bỏ các loại hình DN được thành lập theo các Luật Công chức, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp… trong khi Luật DN không có hạn chế này.

“Hai vấn đề nêu trên cho thấy các Nghị định hướng dẫn đã có những điểm trái Luật DN. Đó không phải là những quy định mang tính hướng dẫn chi tiết mà là những quy định thay đổi hẳn nội dung, phạm vi áp dụng của Luật DN” – Luật sư Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh.

Đi sâu vào vấn đề kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật DN, Luật Đầu tư 2014, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) vẫn lo ngại nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh xuất hiện mới, vô hình trung trở thành vật cản cho sự phát triển của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho rằng: “Một điểm cần lưu ý là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì quy trình ban hành văn bản cấp Thông tư chỉ là hoạt động nội bộ của Bộ. Trong bối cảnh tính minh bạch trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, việc kiểm soát các Bộ ban hành Thông tư có chứa đựng về điều kiện đầu tư kinh doanh là không phải dễ dàng”.

Cho nên đại diện VCCI cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng DN với cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát việc ban hành về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật.