Cầm cương lãi suất, cách nào?

Theo daibieunhandan.vn

Cánh cửa hội nhập kinh tế ngày càng rộng mở, yêu cầu tự do hóa lãi suất tín dụng lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong Kỳ họp thứ 10 lần này cần cụ thể hóa được quan điểm để các tổ chức tín dụng được điều chỉnh theo luật chuyên ngành và hoạt động theo hướng tự do hóa lãi suất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần để tổ chức tín dụng tự do hóa lãi suất trước

Tiếp thu định hướng của Đảng, Nhà nước về từng bước tự do hóa lãi suất, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã tiếp tục được điều chỉnh về điều khoản liên quan và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh 2 phương án: Phương án 1: Quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay; Phương án 2: Giữ như quy định của Dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu; đồng thời, xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Khi thanh khoản hệ thống ổn định, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp, các nhân tố vốn gây bất ổn cho thị trường tiền tệ là vàng và dollar đã bị kiềm chế, cho nên rất cần đưa ra lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, bảo đảm lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Do vậy, trước mắt, dù chọn phương án nào trong hai phương án kể trên thì nhất thiết cũng phải làm rõ việc đưa các tổ chức tín dụng ra khỏi sự điều chỉnh của quy định này và để nó hoạt động theo luật chuyên ngành và do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo. Đó là điều kiện tiên quyết để thị trường tài chính ngân hàng phát triển đúng xu thế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nới hay siết?

Lãi suất là một loại giá đặc biệt, được sử dụng làm đòn bẩy kinh tế cho những mục tiêu khác nhau. Việc “cầm cương” con ngựa lãi suất ra sao, thì tác động ngược lại sẽ tương ứng như vậy. Hệ quả mà chúng ta thấy trong những năm qua, đó là nếu “lỏng dây cương”, “con ngựa lãi suất” sẽ lồng lên còn nếu “siết chặt” quá, sẽ làm mất động lực của các nhà băng, thậm chí mất cả động lực của người đi vay, khiến cho nền kinh tế trì trệ. Chính vì lẽ đó, những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn kiên trì thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt, hợp lý.

Trong thực tế, lãi suất là thước đo quan hệ cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn tồn tại quá nhiều yếu tố ngoại lai tác động không nhỏ, khiến lãi suất có thời điểm không phản ánh đúng thực chất của mối quan hệ này. Trong nhiều trường hợp lãi suất được hình thành từ những mệnh lệnh hành chính, khiến cho các quy luật thị trường bị lờ đi, hoặc bị bóp méo. Vấn đề đặt ra là: Có nên tiếp tục áp dụng biện pháp “áp chế tài chính” để quy định một trần lãi suất? Và nếu quy định trần lãi suất, thì điều gì sẽ xảy ra và lúc nào mới kết thúc?

Thúc đẩy tiến trình tự do hóa lãi suất

Do tính chất linh hoạt và nhạy cảm của lãi suất, nên đối với một nền kinh tế ngày càng mang nhiều yếu tố thị trường, nó càng cần được “tự do định đoạt” dựa trên những quan hệ cung cầu về vốn, trong điều kiện môi trường kinh doanh tín dụng đạt được sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã có những “nới lỏng” đối với nhiều loại lãi suất như: Chỉ quy định trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn dưới 13 tháng; không khống chế trần lãi suất cho vay bằng ngoại tệ và tích cực can thiệp thị trường tiền tệ bằng công cụ thị trường mở. Qua đó, từng bước tạo cơ hội cho các nhà băng xác lập lãi suất dựa trên nhu cầu vốn thực của xã hội.

Như đã phân tích ở trên, lãi suất là một loại giá đặc biệt, được hình thành từ nhiều nhân tố, cho nên lãi suất còn có khả năng tác động đối với chính các yếu tố xác định lên nó như: Khối lượng tiền tệ, quan hệ cung cầu vốn, tỷ suất lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp.

Do vậy, cần tạo ra những cơ chế vận hành kinh tế vĩ mô sao cho nhà điều hành thị trường tiền tệ có thể “chỉ huy” thị trường lãi suất bằng một cây đũa pha lê - tuy không cần cứng rắn nhưng lại có hiệu lực cao mà không cần thiết phải đưa ra một con số cụ thể cho một loại hình lãi suất cụ thể. Cây gậy đó có khả năng nắm bắt tín hiệu thị trường một cách nhạy bén, hiệu quả. Nghĩa là cần tạo lập một môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, công bằng, trong đó các “cầu thủ” chơi theo một luật, nhà điều hành sẽ như người cầm còi để “thổi” những trường hợp chơi không đúng luật và đương nhiên sẽ có chế tài tức thì cho “cầu thủ phạm luật”!

Khi đó, thị trường sẽ tự điều chỉnh để tìm đến một mức lãi suất hợp lý phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Lộ trình này cần được thúc đẩy để sớm đạt được tự do hóa lãi suất, bởi sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng gia tăng, và thị trường vốn không thể nằm ngoài cuộc chơi. Một chính sách lãi suất hiệu quả và cởi mở theo hướng tự do hóa sẽ bảo đảm cho lãi suất phát huy được những mặt tích cực, tránh được sự lãng phí các nguồn lực, tránh được tình trạng “đục nước thả câu” của những tổ chức tín dụng không lành mạnh.

Từ nhiều năm nay, nhận thấy những mặt tích cực của việc tiến hành tự do hóa lãi suất Ngân hàng Nhà nước đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận về tự do hóa lãi suất, từ đó có những bước đi và hệ thống chính sách về lãi suất tương đối phù hợp với điều kiện nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính sách lãi suất cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng tự do hóa, phù hợp với mức độ hội nhập thị trường tài chính khu vực và quốc tế, theo sát lãi suất thị trường quốc tế.

Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo chỉ tuân theo tín hiệu thị trường, cần thiết lập đường cong lãi suất của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn để các ngân hàng thương mại có cơ sở xác định mức lãi suất phù hợp và linh hoạt theo diễn biến của thị trường.