Cần chi tiết hóa các nội dung phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

Theo Đầu tư Chứng khoán

"Năm 2012, tuy việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ đã ăn ý hơn, nhưng vẫn chưa nhuần nhuyễn. Cần khắc phục tình trạng này từ năm 2013”.

Trong thông điệp đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải tăng cường kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để điều tiết tổng cầu, bảo đảm kiềm chế lạm phát thấp hơn và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn năm 2012. Theo ông, để thực hiện được yêu cầu quan trọng này, việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ cần khắc phục những hạn chế chủ yếu nào?

Cần chi tiết hóa các nội dung phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ - Ảnh 1
TS. Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính
Trong một thời gian khá dài, việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ thiếu sự ăn ý, nếu không muốn nói là “ông chẳng bà chuộc”. Có những thời điểm, chính sách tiền tệ ra sức hút tiền từ nền kinh tế về để chống lạm phát tăng cao, nhưng chính sách tài khóa lại vẫn bơm ngân sách ra để đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu, đầu tư công. Đây là một trong những lý do khiến nỗ lực chống lạm phát cao khó đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tình hình đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2012, khi chính sách tài khóa và tiền tệ đã có sự phối hợp ăn ý hơn. Dẫu vậy, so với đòi hỏi của thực tiễn, sự phối hợp này vẫn còn độ “vênh”, chưa thực sự thường xuyên nhuần nhuyễn. Đây là hạn chế lớn nhất cần khắc phục không chỉ trong năm 2013, để thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Muốn khắc phục được độ “vênh” trong phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, cần ưu tiên thực hiện những giải pháp gì?

Điểm nhấn trong năm 2012 là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bắt tay cam kết tăng cường phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, để đáp ứng các mục tiêu lớn mà Chính phủ theo đuổi là ưu tiên kiềm chế lạm phạt, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, để sự phối hợp đạt đến độ nhuần nhuyễn và đi vào chiều sâu hơn, hai bên cần tiếp tục chi tiết hóa thêm các nội dung cần ưu tiên triển khai trong quá trình điều hành.

Theo đó, nên xây dựng các phương án phối hợp cụ thể, bám sát các diễn biến khác nhau của tình hình vĩ mô. Cũng cần khắc phục tình trạng phần nhiều nội dung phối hợp điều hành mới chỉ dừng lại ở cấp trung ương, mà chưa sâu rộng đến cấp địa phương. Nội dung phối hợp nên được cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định mạch lạc, khả thi giữa hai ngành tài chính và ngân hàng.

Đặc biệt, hai bên cần thường xuyên trao đổi, hội ý trước thời điểm mỗi ngành bắt đầu triển khai các chính sách mới mà có khả năng tác động qua lại lẫn nhau. Việc phối hợp chặt chẽ như vậy mới tạo thuận lợi cho tính toán tổng thể, kỹ lưỡng các giải pháp triển khai, sao cho khi thực hiện chính sách tiền tệ phải đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực lên chính sách tài khóa và ngược lại.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn, khiến thu ngân sách chịu nhiều sức ép, theo ông, chính sách tiền tệ cần có sự chia sẻ ra sao với chính sách tài khóa, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô?

Năm nay, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nên sẽ tác động không thuận đến thu ngân sách. Trong khi đó, để đảm bảo duy trì các khoản chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển không bị hụt lớn, đáp ứng mục tiêu tăng tưởng GDP cao hơn năm 2012, đòi hỏi không thể cắt giảm mạnh chi ngân sách. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ sẽ phải hỗ trợ chính sách tài khóa nhiều hơn, nhằm đảm bảo cân đối thu - chi hợp lý cho nền kinh tế.

Theo đó, chính sách tiền tệ cần tính đến phương án ứng vốn cho nền kinh tế trong những thời điểm cụ thể, để phần nào bù đắp nguy cơ hụt thu ngân sách. Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt sử dụng các công cụ điều hành, để hướng khả năng dồi dào thanh khoản của hệ thống ngân hàng vào tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu trái phiếu chính phủ. Qua đó, góp phần gia tăng tỷ lệ thành công cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2013. Từ đó, huy động được lượng vốn cần thiết để tài trợ cho các hoạt động chi tiêu công, giảm sức ép lên thu ngân sách, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.