Cần có Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặt ra trong năm 2014 - 2015 là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, nhưng đến hết tháng 3/2015 vẫn còn 262 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải có luật điều chỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tính từ Quyết định 202-CT ngày 8/6/1992 đến nay, cổ phần hóa đã triển khai được 24 năm, đã có 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp nhà nước hoàn tất cổ phần hóa. Mục tiêu đặt ra trong năm 2014 - 2015 là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, nhưng đến hết tháng 3/2015 vẫn còn 262 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, chiếm 60% doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, không ít ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm là do chưa có luật điều chỉnh. Từ trước đến nay, hoạt động này chỉ được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật: nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phải xác định đúng vị trí của cổ phần hóa. Quốc hội phải coi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2015 - 2016 là vấn đề trọng điểm và cần phải có luật về vấn đề này, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, tiến trình, thủ tục thực hiện... Trường hợp không có Luật Cổ phần hóa, thì cần có nghị định mang tầm vóc luật quy định về nội dung trên.

Cùng quan điểm này, ông Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: ở một số nước như: Thụy Điển, Phần Lan, việc tăng, giảm vốn nhà nước vượt quá hoặc thấp dưới tỷ lệ tối thiểu do Quốc hội quy định và phê chuẩn. Hoặc như nước Pháp đã ban hành đạo luật tạo khung khổ chung cho các hoạt động tư nhân hóa, quy định quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Ông Cường cho rằng, việc cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước - những hoạt động thoái đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, liên quan đến vốn, tài sản, cán bộ quản lý, người lao động… đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược… Do đó cần phải có luật để điều chỉnh và lẽ ra việc này phải được tiến hành từ lâu rồi. Dù muộn nhưng cần phải có Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ủng hộ quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị xem xét lại vô số những vấn đề cần khắc phục trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tránh thất thoát quá lớn tiền của Nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước vẫn hoạt động chưa hiệu quả nghĩa là khối tài sản khổng lồ của người dân chưa được đưa vào lưu thông, vẫn bị bỏ không, không có sự giám sát của Quốc hội. “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất phải giám sát xem khối tài sản khổng lồ của toàn dân được cổ phần hóa được sử dụng như thế nào, tài sản công không thể không có sự giám sát của Quốc hội được. Thước đo cuối cùng là để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn”, bà Lan nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, không cần thiết xây dựng luật về việc này vì không có luật, việc bán dần, thoái vốn nhà nước vẫn diễn ra nhiều năm qua. Bên cạnh đó, thường phải mất vài năm mới hoàn tất việc xây dựng một văn bản luật, liệu như thế có làm tiến trình cổ phần hóa đã chậm, lại càng chậm hơn vì phải… chờ luật điều chỉnh?

Liên quan đến vấn đề này, những ý kiến đề nghị cần có luật cho rằng, thứ nhất, cổ phần hóa là một quá trình, gồm cả giai đoạn thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp… Thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa thuộc quyền của cổ đông nhà nước. Ở nhiều quốc gia, quyền này thuộc về Quốc hội và được quy định chặt chẽ. Nước ta chưa có các tiêu chí tương tự và điều này là rủi ro trong việc giám sát vốn nhà nước trong các doanh nghiệp khi mà tới đây, số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm nhiều, thay vào đó là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.

Thứ hai, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện tại được thực hiện song song cùng với việc xây dựng luật. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tới đây, đa phần là những doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp quan trọng, doanh nghiệp trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng. Với các doanh nghiệp này, tài sản của doanh nghiệp không đơn thuần là bất động sản, là đất đai… mà còn là tài nguyên, tài sản của đất nước. Vì vậy, việc ban hành Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn.