Cần công bằng hơn với doanh nghiệp tư nhân

Theo Kinh tế & Dự báo

Với chủ đề "Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình đến hành động", Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã được khai mạc sáng 3/6/2013 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Cần công bằng hơn với doanh nghiệp tư nhân
Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: kinhtevadubao.com
Một lần nữa, vai trò và vị trí của khối doanh nghiệp tư nhân lại được nêu bật và được các nhà đầu tư yêu cầu phải được bình đẳng với các khối doanh nghiệp khác, đặc biệt khi đặt trong mối tương quan với doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tích cực, như: kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát giảm, lãi suất giảm... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đầu tư trong nước chưa cao, tồn kho cao, khả năng cạnh tranh thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn lớn...

“Các khó khăn thách thức còn ở phía trước. Chính phủ cần sự ủng hộ của doanh nghiệp trong tiến trình cải cách”, Bộ trưởng khẳng định.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, VBF là một diễn đàn hữu ích, là nơi các đề xuất của doanh nghiệp được Chính phủ lắng nghe.

Thay mặt khối doanh nghiệp trong nước, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ bốn vấn đề:

Một là, kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý, tỉnh táo với việc tăng trưởng trước mắt.

Hai là, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tránh giải pháp ngắn hạn, đẩy mạnh tái cơ cấu, không chậm trễ hơn trong cải cách DNNN, tăng tính minh bạch, nhanh chóng thoái vốn, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Ba là, tiếp tục đề xuất việc giảm thuế TNDN xuống 20%, bỏ trần lãi suất, cởi mở trong ngành du lịch

Bốn là, nỗ lực hội nhập hơn nữa, sớm ký các hiệp định thương mại lớn như TPP, Việt Nam – EU.

Phần lớn các doanh nghiệp vẫn trụ vững, nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng kinh doanh. Vì vậy, “hãy cổ vũ bằng cách tạo môi trường kinh doanh cởi mở, thông thoáng và bình đẳng”, ông Lộc mong muốn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao các ý kiến đóng góp thẳng thắn trên tinh thần xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như những phản hồi tích cực của lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến chính đáng, xây dựng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đã và đang triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức.

Trên tinh thần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện có kết quả. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng của các doanh nghiệp để tiếp tục có chính sách và giải pháp phù hợp.

Chia sẻ cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vì sự phát triển của doanh nghiệp và của xã hội, vì sự hợp tác và phát triển chung, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành của Việt Nam xem xét tiếp thu nghiêm túc các khuyến nghị hợp lý, chính đáng của các doanh nghiệp để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời cũng là một bước hoàn thiện thêm năng lực tổ chức hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tự tái cơ cấu, tự đổi mới nâng cao hiệu quả của chính bản thân mình.

Đổi mới lần 2: Cơ hội mới cho doanh nghiệp tư nhân

Vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân một lần nữa được nhấn mạnh tại Diễn đàn. Theo đó, về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn, cần có chính sách nhất quán đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng đối với doanh nghiệp tư nhân.

“Điều này phải được thể hiện qua tính nhất quán của chính sách, từ Hiến pháp tới các văn bản luật và dưới luật”, ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, các ước tính cho thấy khu vực nhà nước chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế, bản thân điều này không đáng quan ngại. Vấn đề ở chỗ, các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn – thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp… và thường hoạt động không hiệu quả. Điều này kìm hãm sự phát triển kinh tế.

EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiến hành cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất có thể để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Cũng đồng tình với người đồng nghiệp của EuroCham, ông Mark Gillin- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Khuyến nghị về khối doanh nghiệp này nằm vị trí đầu tiên trong 4 bài học khuyến nghị đối với Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh công cuộc “Đổi mới 2” của Việt Nam.

Theo đó, Mark Gillin cho rằng, cần thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân này phát triển. AmCham không mong muốn doanh nghiệp tư nhân kém hơn các khối doanh nghiệp khác.

Thực tế, những vấn đề được bàn luận tại diễn đàn lần này không phải là vấn để chỉ riêng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Mark Gillin nhấn mạnh, đã đến lúc Việt nam phải tiến lên với những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Hiện tại, còn quá nhiều cải cách cơ bản chưa được thực hiện hóa vì thế nền kinh tế đang phải gánh chịu.

“Việt Nam cần có những hành động sau khi thảo luận quá lâu, thay đổi tích cực và cải cách sẽ mang lại niềm tin. Với vòng quay đổi mới sau đổi mới 2 sẽ mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp tư nhân. Đổi mới sẽ mang lại sức sống mới cho Việt Nam”, ông Mark Gillin chia sẻ.