Cần công cụ kiểm soát việc phát hành trái phiếu địa phương

Theo Đại biểu Nhân dân

Trong thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã đề xuất được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bù đắp sự mất cân đối thu chi ngân sách của mình. Nhưng với nhu cầu đầu tư phát triển hiện nay của mỗi địa bàn thì cũng đã cần sử dụng các hình thức huy động vốn khác ngoài từ ngân sách Nhà nước, kết hợp công tư như hiện nay. Dù vậy, đây là một khoản nợ công nên có lẽ để tránh lặp lại bài học từ phát triển tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì hãy hoàn thiện cơ sở pháp lý trước khi áp dụng rộng rãi.

Cần công cụ kiểm soát việc phát hành trái phiếu địa phương
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thực tế, không chỉ đến khi tình hình kinh tế khó khăn, khiến thu chi ngân sách địa phương mất cân đối thì nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước mới đề xuất phát hành trái phiếu địa phương. Các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng từng công bố, nguồn ngân sách địa phương hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Và khi địa phương phát triển theo thế mạnh mình có thì chắc chắn nhu cầu vay nợ sẽ tăng lên. Bởi nhu cầu vốn để hoàn thiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội thường lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương có thể chưa nhiều nếu phát triển theo hướng này.

Vì thế, không nên nghĩ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là việc nhất thời, mà có thể vì mục tiêu phát triển lâu dài của một địa bàn. Mặt khác, tại Luật Quản lý nợ công đã quy định rất rõ quyền phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của UBND cấp tỉnh để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, hoặc vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương. 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với hình thức vay vốn này là dù vay cho mục đích nào thì đều có thể phải sử dụng ngân sách địa phương để trả tiền vay và lãi suất. Mà theo các luật hiện hành, ngân sách ở nước ta vẫn là ngân sách lồng ghép, ngân sách Nhà nước vẫn bao hàm cả ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương là một cấp trong ngân sách Nhà nước, nên nếu địa phương không trả được nợ thì ngân sách Nhà nước sẽ phải trả thay. Điều này cũng tương tự như việc Chính phủ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp. Hay nợ doanh nghiệp Nhà nước không tính vào nợ công nhưng rủi ro cuối cùng vẫn do ngân sách Nhà nước gánh. Do đó, dù rằng đồng ý với việc các thành phố lớn phát hành trái phiếu để giải quyết những nút thắt cơ bản, nhằm từng bước khôi phục tăng trưởng, giải quyết an sinh xã hội cho mình, thì nhiều ý kiến vẫn đề nghị cần thận trọng với hình thức phát hành trái phiếu này. 

Song có lẽ, việc thận trọng sử dụng hình thức phát hành trái phiếu này không phải vì có nhiều rủi ro cho ngân sách địa phương nói riêng, cũng như ngân sách Nhà nước nói chung. Quan trọng hơn là hiện chưa có đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn vay của chính quyền địa phương. Luật Quản lý nợ công mới xác định hai mục đích vay gồm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương và theo công trình. Nhưng chưa có đầy đủ quy định để điều chỉnh, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn này của địa phương hiệu quả. Trong khi đó, dự án Luật Đầu tư công, mua sắm công đã phải lùi thời hạn trình Quốc hội xem xét. Theo Chính phủ thì đầu tư công và mua sắm công là hai hoạt động có tính chất khác nhau nên không thể gộp lại thành một luật. 

Tuy nhiên, ngay cả khi tách thành Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công thì quá trình xây dựng luật cũng còn nhiều điểm cần phải cân nhắc kỹ. Mà rõ nhất là khái niệm vốn Nhà nước sử dụng trong đầu tư công không thể hiểu theo cách đơn giản là đồng vốn đầu tư từ ngân sách được. Thực tế, vốn đầu tư không vì mục đích kinh doanh, không có khả năng thanh toán sẽ có tính chất rất khác so với đầu tư vì mục đích sinh lời. Việc gộp hai hình thức sử dụng vốn ngân sách này vào một dự thảo luật đòi hỏi phải quy định thật chi tiết, chặt chẽ để kiểm soát tốt. Còn nếu quy định chung chung thì sẽ khó có thể kiểm soát hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư Nhà nước nói chung, cũng như vốn vay của địa phương nói riêng. Khi Luật Đầu tư công chưa rõ hình hài thì có lẽ lo ngại đối với phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ vẫn còn. 

Cùng với xu thế trao quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền địa phương, việc cho phép địa phương vay nợ là điều cần thiết. Và rõ ràng, việc vay nợ của chính quyền địa phương cần dựa trên phát triển thị trường trái phiếu địa phương và thị trường trái phiếu vùng, chứ không nên sử dụng các quỹ, các định chế tài chính nhà nước để vay nợ. Nhưng vay nợ dựa vào thị trường đòi hỏi một khung pháp lý để giám sát về yêu cầu công khai hóa, ban hành hướng dẫn về việc vay nợ, xử lý và trả nợ, bảo đảm ngăn chặn nguy cơ dịch vụ công bị gián đoạn. Đồng thời có các biện pháp để đề phòng động cơ lợi dụng bảo lãnh, cố ý làm liều. Khi khung pháp lý bảo đảm cho việc kiểm soát, giám sát việc sử dụng thì hãy tiến hành thận trọng, đừng lặp lại bài học thí điểm thành lập tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.