Cần đẩy nhanh tiến độ đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, đại diện các nhà đầu tư đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng về các chính sách liên quan thu hút đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vấn đề thị trường vốn, và đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

Cần đẩy nhanh tiến độ đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Cần có quy chế công bố thông tin đối với DNNN hay DN chuyển đổi. Nguồn: internet

Theo đại diện một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, năm 2012 khi tổng kết về việc Chính phủ Việt Nam giải quyết các thắc mắc của các nhà đầu tư nước ngoài, thì riêng năm 2011 đã xử lý được 26%. Với tốc độ như vậy, thì chỉ 4 năm là các cơ quan chức năng ở Việt Nam sẽ giải quyết hết mọi kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư. Nhưng thực tế cho thấy, các khúc mắc liên tục nảy sinh theo thời gian, vì vậy liên tục cần có diễn đàn như Diễn đàn DN Việt Nam để nhà đầu tư và các bộ ngành đối thoại, giải đáp.

Đi vào vấn đề đổi mới, cái cách DNNN, trong nhiều phát biểu, đại diện các nhóm công tác của Diễn đàn nhắc đến việc cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa DNNN. Thực tế giai đoạn 2010 trở về trước, quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh chóng. Nhưng khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tiến trình này đang diễn ra rất chậm chạp.

Theo nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của Diễn đàn DN Việt Nam, tiến độ cổ phần hóa rất chậm. Từ những năm 2004 - 2005, mỗi năm cổ phần hóa được khoảng 800 DN. Tuy nhiên, gần đây, ví dụ như năm 2012, chỉ cổ phần hóa được hơn 10 DN. Thậm chí năm nay, số lượng cổ phần hóa còn thấp hơn. Vì vậy Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hơn nữa.

Trong khi đó, khi trả lời về vấn đề đổi mới, sắp xếp DNNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, hơn 10 năm gần đây, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa trên 3.000 DN. Và việc cổ phần hóa này đã góp phần nâng cao hiệu quả của DNNN, tạo yếu tố cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Các vấn đề còn tồn tại sẽ được rút kinh nghiệm để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp đổi mới DNNN.

Riêng về vấn đề các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, các nhà đầu tư đánh giá cao chủ trương của Chính phủ, yêu cầu các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cho rằng, nên thoái vốn càng sớm càng tốt. Thậm chí, nên nhìn rộng ra vấn đề cổ phần chi phối tại DNNN để thu hút thêm các thành phần kinh tế khác đầu tư vào DNNN.

Điểm khúc mắc hiện nay là thoái vốn với giá nào, vì nếu làm mất vốn, đại diện vốn Nhà nước tại DN sẽ bị quy trách nhiệm. Về điều này, bà Vũ Thị Mai cho biết, sẽ đẩy nhanh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, và các DNNN. Bộ Tài chính đang nghiên cứu và dự tính sẽ tính đến các giải pháp thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh dưới mệnh giá. Do đó sẽ phải có hướng dẫn để đẩy nhanh thoái vốn.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết ghi nhận ý kiến của các nhà đầu tư về việc nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số vấn đề không mới vẫn được nhắc đến lần này liên quan đến quản trị DNNN, ví dụ như nhóm công tác Đầu tư và thương mại của Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng, cần tăng cường giám sát minh bạch thông tin vì nhiều DNNN hoạt động không có hiệu quả. Theo đó, cần có quy chế công bố thông tin đối với DNNN hay DN chuyển đổi.

Còn về việc phân bổ nguồn lực, nhóm công tác cho rằng, nhiều dự án hạ tầng đã được quy hoạch phát triển bởi các DNNN, trong khi các dự án đó có thể thu hút vốn tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia. Câu hỏi mà nhóm này đặt ra là, nếu như một dự án hạ tầng ban đầu quy hoạch là DNNN đầu tư, mà nếu có DN tư nhân hay nước ngoài muốn tham gia thì công ty Nhà nước có thể rút lui để dành dự án đó cho nhà đầu tư nước ngoài hay không?