Cần hỗ trợ doanh nghiệp dân doanh tái cơ cấu

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Chỉ ra rằng, điểm đáng lo nhất để hồi phục nền kinh tế chính là doanh nghiệp dân doanh không khỏe, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp dân doanh.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp dân doanh tái cơ cấu - Ảnh 1
Ông Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: Chính phủ phải có quỹ bảo lãnh dành cho doanh nghiệp dân doanh. Quỹ này phải thật lớn, thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu giúp doanh nghiệp dân doanh tiếp cận được vốn. Từ đó, mới giải quyết được dư nợ tín dụng. Tại sao dư nợ tín dụng 10 năm trước đây là 30% mà trong những năm vừa qua chỉ 10 – 12%? Như vậy, điểm nghẽn chính là ở khu vực dân doanh.

Nợ xấu hiện nay, tồn kho hiện nay là nhà thương mại. Đây là bài toán vĩ mô của nền kinh tế, ta phải giải quyết hài hòa sao cho người có nhu cầu thực sự được mua nhà. Với sự hỗ trợ và lãi suất của chính phủ, mọi công dân được đối xử công bằng. Những người có thu nhập trung bình, thu nhập cao họ cũng đóng thuế. Đây là cơ chế vừa giải quyết được bài toán vĩ mô, vừa giải quyết được bài toán nhà ở và từ đó, việc giải quyết nợ xấu của các ngân hàng sẽ rất tốt. Gói hỗ trợ đó nên quan tâm đến những người thu nhập trung bình, đã đóng thuế.

Phóng viên: Vậy, năm 2014, Chính phủ cần tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, quan trọng là phải kiên định việc ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp, khoảng 5-7% trong thời gian dài, giống như mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Khi lạm phát ổn định được như vậy, thì lãi suất mới có thể ổn định ở mức 7-9% trong dài hạn được. Lúc đó, nhà đầu tư, người dân mới cảm thấy yên tâm. Người gửi tiền yên tâm, người vay cũng yên tâm, biết được khoản chi trả lãi trong thời gian dài, từ đó người ta đưa cái thông số này vào việc tính toán hiệu quả dự án.

Trước đây, năm 2009, khi sử dụng gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất. Nhưng, chính vì quá lỏng lẻo, nên đã khiến lạm phát bùng lên sau đấy, đẩy lãi suất lên cao.

Thực sự, các doanh nghiệp hiện nay chưa quên được nỗi ám ảnh lo sợ đó nên hạn chế đầu tư. Nếu hạn chế đầu tư thì làm sao có được tăng trưởng? Cái điều lo nhất là nếu các doanh nghiệp dân doanh không khỏe được, không lớn được, thì khi chúng ta hội nhập, như gia nhập TPP chẳng hạn, chắc chắn chúng ta càng khó khăn. 

Do hội nhập, nên đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể. Trong khi đó, sức khỏe của các doanh nghiệp dân doanh chưa được bồi dưỡng, chưa được hỗ trợ đúng mực, thì nền kinh tế của mình sẽ trở thành nền kinh tế phụ thuộc.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, mục tiêu tăng trưởng 5,8% mà Chính phủ đặt ra liệu có phù hợp?

Quan điểm của tôi là mục tiêu từ 5,5-5,8% là mức có thể đạt được, hợp lý. Để giải quyết bài toán tăng trưởng, thì phải giải quyết bài toán về vốn, đó chính là tổng vốn đầu tư. Con số này phải là 1,2 triệu nghìn tỷ trở lên, chiếm khoảng 30% GDP. Vốn này phải huy động từ nhiều thành phần kinh tế trong đó khu vực dân doanh, dân cư và tư nhân là 41%, tức là vào khoảng 520 nghìn tỷ. 2 năm vừa rồi, đầu tư ở khu vực này chỉ khoảng 400 nghìn tỷ. Để đạt được như trên, thì cần thêm 120 nghìn tỷ nữa. Vấn đề này rất khó!

Khu vực nước ngoài chiếm khoảng 20-22%, thì khả năng họ giải ngân 12 tỷ USD là khả thi. Như mấy năm vừa qua là 10- 12 tỷ USD. Còn lại, khu vực nhà nước thì cứ duyệt đầu tư công là chi thôi. Ngân sách nhà nước quyết trần nợ công và quyết trái phiếu thì khu vực nhà nước là khả thi rồi. Khu vực nước ngoài khả thi. Khu vực còn lại duy nhất là dân doanh. Để đảm bảo tăng trưởng, phải huy động được nguồn lực trong khu vực này cho đầu tư.

Muốn giải quyết bài toán này, theo tôi cần ủy ban độc lập, ủy ban của Chính phủ để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp dân doanh. Những doanh nghiệp này họ đang cần gì? Cần cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động. Họ cần niềm tin vào ổn định chính sách. Họ cần vốn với mức lãi suất thấp, ổn định và điều kiện là phải có quỹ bảo lãnh dành cho doanh nghiệp dân doanh đủ lớn để làm cầu nối giữa họ với người cho vay.

Chính phủ phải nhìn thấy chỗ đang bị tắc này, thì kinh tế mới đạt được tăng trưởng như mục tiêu đề ra, giải quyết công ăn việc làm, giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn lên trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, tránh được sự lệ thuộc.

Đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa phê duyệt Đề án tái cơ cấu đầu tư công, theo ông có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế?

Đầu tư công chúng ta đã trình bày trong Chỉ thị 1792 rồi và dĩ nhiên trong thời gian vừa qua, trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, đã có lồng vấn đề tái cơ cấu đầu tư công rồi. Tôi chỉ quan tâm đến tái cơ cấu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Ở đây đang vướng cổ phần hóa, cụ thể là trong việc thoái vốn.

Theo tôi, cổ phần hóa không nên chờ thị trường, mà chúng ta hãy đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa cho dù thị trường hiện nay như thế nào. Nhà đầu tư phải nhìn thấy cơ hội, nhìn thấy tương lai mới mua cổ phiếu đó. Những doanh nghiệp lỗ, thì dù thị trường chứng khoán có phục hồi, cổ phiếu đó cũng không bán được giá cao. Cho nên, tốt nhất là chúng ta nên cắt lỗ để lấy chi phí đó làm chi phí cơ hội để làm việc khác hiệu quả hơn.

Giữ tư tưởng bảo toàn vốn là chết.