Cần lộ trình cụ thể để giải quyết nợ xấu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có trên 50% tổ chức tín dụng dự báo tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 có khả năng tăng so với cuối năm 2012. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giải quyết nợ xấu trong điều kiện hiện nay khó có thể thực hiện dứt điểm ngay mà cần phải có lộ trình và sử dụng đa dạng các biện pháp can thiệp.

Cần lộ trình cụ thể để giải quyết nợ xấu
Việc giải quyết nợ xấu trong điều kiện hiện nay khó có thể thực hiện dứt điểm ngay mà cần phải có lộ trình và sử dụng đa dạng các biện pháp can thiệp. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, tính đến 31/8/2013, tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng nợ xấu giảm, song hiện vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6% GDP và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt là, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối tháng 6/2013 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các ngân hàng và đang có xu hướng gia tăng liên tục.

Nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng cao là do chính sách tiền tệ nới lỏng được thực hiện trong một thời gian dài, trong khi tín dụng của ngân hàng là nguồn chính để hỗ trợ cho đầu tư của nền kinh tế. Đặc biệt, nguồn vốn vay từ ngân hàng lại không được đưa nhiều vào sản xuất, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất. Do đó, môi trường kinh doanh thiếu ổn định, cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị giảm sút, không đủ khả năng trả nợ ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao còn xuất phát từ áp lực cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối cao. Trong bối cảnh kinh tế biến động bất thường, nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án khó có khả năng trả nợ làm gia tăng nợ xấu trong khu vực này. Và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro trong hoạt động cũng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Mặt khác, do áp lực tăng tổng tài sản, nhiều ngân hàng bằng mọi cách để có vốn đã tăng lãi suất huy động lên mức cao, kéo theo lãi suất cho vay cũng rất cao; khả năng khách hàng không trả được nợ đến hạn càng lớn, nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh. Công tác thanh tra, giám sát nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và đầu tư một số lĩnh vực rủi ro cao.

Dù vậy, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động được 3 tháng. Theo điều lệ hoạt động của VAMC, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều bắt buộc phải bán nợ cho công ty này và tự tái cơ cấu để xử lý nhanh chóng vấn đề này. Về lý thuyết, với sự tham gia của VAMC, quá trình xử lý nợ xấu tại khu vực ngoài Nhà nước sẽ được đẩy nhanh, do ngân hàng không phải một mình loay hoay tìm hướng xử lý.

Nợ xấu sẽ được VAMC tiếp nhận và từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giải quyết nợ xấu trong điều kiện hiện nay khó có thể thực hiện dứt điểm ngay, mà cần thực hiện theo lộ trình cụ thể. Cùng với công cụ là VAMC, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đa dạng các biện pháp can thiệp, vai trò hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động của các ngân hàng thương mại cùng với sự phối hợp của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương Đảng) Hoàng Xuân Hòa cho rằng, các tổ chức tín dụng phải chủ động, tự xử lý nợ xấu thông qua nâng cao chất lượng quản trị điều hành, kiểm toán nội bộ, phát triển hệ thống quản trị rủi ro, thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng hơn.

Chính phủ cần có chính sách tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế như mua lại một số công trình bất động sản sắp hoặc đã hoàn thành mà chưa bán được phục vụ cho mục đích công, nhà ở cho các đối tượng chính sách và an sinh xã hội. Ban hành cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu trong ngắn hạn, không để lợi ích nhóm chi phối, biến nợ của ngân hàng thành nợ của Nhà nước. Phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp cho từng loại nợ xấu.

Nâng cao năng lực xử lý nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông qua hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, hoạt động mua bán, chứng khoán hóa tài sản xấu của các tổ chức này. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu và cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tín dụng, an toàn hoạt động ngân hàng và việc giải quyết tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng khi khách hàng không trả được nợ.