Cần Luật Chống chuyển giá

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng “chiêu bài” độc quyền về nguyên liệu hoặc công nghệ, khiến cơ quan quản lý rất khó xác định chi phí đầu vào thực tế mà doanh nghiêp (DN) Việt Nam phải bỏ ra.

Cần Luật Chống chuyển giá
Việt Nam đang thiếu các cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác ấn định thuế có tính chất hệ thống và căn cứ pháp lý
Như các phương tiện thông tin đại chúng từng phản ánh, hiện nay, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đang có dấu hiệu chuyển giá tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tin cơ quan chức năng cần lại được xem như bí mật kinh doanh của Coca Cola, Adidas hay Metro...

Câu chuyện lòng vòng nhằm chuyển lợi nhuận về nước mà không phải chịu thuế tại Việt Nam của các DN đầu tư nước ngoài từ lâu đã được nhắc tới. Ngay cả khi Coca Cola được cơ quan Thuế TP. Hồ Chí Minh  coi như một địa chỉ nghi vấn suốt nhiều năm qua, vẫn chưa có một đại gia nước ngoài nào thực sự bị điểm mặt, chỉ tên vì chuyển giá.

Cái khó lớn nhất được nhiều chuyên gia nhắc tới là việc các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng “chiêu bài” độc quyền về nguyên liệu hoặc công nghệ, khiến cơ quan quản lý rất khó xác định chi phí đầu vào thực tế mà DN Việt Nam phải bỏ ra.

Trả lời báo chí, đại diện Coca Cola lại khẳng định chính sách về giá mà Tập đoàn này áp dụng giữa các bên liên quan là xuyên suốt. Và theo Tập đoàn này, dù đã vào Việt Nam khá lâu nhưng Coca Cola vẫn trong giai đoạn mở rộng thị trường. Với lí luận này, đại diện của Coca Cola cho rằng DN phải chi rất nhiều tiền để quảng bá, bảo vệ thương hiệu cũng như thị phần trước sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới.

Quan điểm của DN không nhận được sự đồng tình từ giới chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý Thuế khi cho rằng việc Coca Cola cũng như nhiều “đại gia” khác chấp nhận lỗ 10 - 20 năm liền để mở rộng thị trường là khó tin. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng từ việc không tin đến khi chứng minh được hành vi chuyển giá là một quá trình rất dài.

Trao đổi tại Hội nghị quốc tế về chống chuyển giá vừa được tổ chức tại Hà Nội, theo hiến kế của GS. Nhan Đình - Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Bộ Tài chính Trung Quốc), trong trường hợp DN sử dụng “vũ khí” độc quyền, cơ quan quản lý cần kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có việc phân tích lợi nhuận cùng ngành tại một hoặc nhiều thị trường để xử lý.

Ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc so sánh giá giao dịch độc lập gặp rất nhiều khó khăn do khó tìm được sự tương đồng hoàn toàn của hàng hóa dịch vụ để so sánh, nên khó có sự thống nhất của DN khi bị điều chỉnh. Hiện nay đang áp dụng phương pháp giá vốn cộng lãi, chủ yếu so sánh về chức năng hoạt động của DN khi thanh tra các DN gia công may mặc còn với các tập đoàn đa quốc gia lại là vấn đề khác.

Để khắc phục tồn tại phát sinh trong lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan đến hoạt động đối ngoại quốc tế cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần có sự chỉ đạo tích cực từ cấp Trung ương.

Trước mắt, Nhà nước cần có văn bản quy định nhiệm vụ cụ thể cho các ngành có liên quan như: cơ quan thuế, hải quan, quản lý đầu tư, công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng thực hiện tốt việc phối hợp theo thẩm quyền về trao đổi, cung cấp thông tin, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch liên kết và chuyển giá của các DN FDI.

Theo đó, cơ quan quản lý Thuế được quyền áp dụng những biện pháp tạm dừng hoàn thuế Giá trị gia tăng đối với các DN khai báo kết quả kinh doanh lỗ quá vốn chủ sở hữu cho đến khi DN khắc phục được tình trạng liên tục kê khai lỗ, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đồng bộ với Bộ Luật Dân sự của Việt Nam quy định về các điều kiện tồn tại pháp nhân kinh tế.

Về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Dân sự. Hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt.