Cần luật hóa các tiêu chí phân nhóm dự án đầu tư công

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư công chưa quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí phân loại dự án các nhóm A, B, C mà chuyển Chính phủ quy định chi tiết là chưa hợp lý và sẽ tạo nhiều kẽ hở trong thực thi chính sách. Các dự án, chương trình quốc gia có thể bị xé nhỏ để thay đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Cần luật hóa các tiêu chí phân nhóm dự án đầu tư công
Việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đáp ứng các dịch vụ cho người dân có đóng góp không nhỏ của đầu tư công. Nguồn: internet

Trong thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đáp ứng các dịch vụ cho người dân có đóng góp không nhỏ của đầu tư công. Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, nguồn lực đầu tư còn bị phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao xảy ra khá thường xuyên, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, tạo áp lực lớn đối với cân đối ngân sách nhà nước ở các cấp.

Nguyên nhân là do việc quản lý đầu tư công hiện được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... Trong hai năm trở lại đây, việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị 32/ CT-TTg, Chỉ thị 27/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra một số chuyển biến trong công tác quản lý đầu tư công.

Để đổi mới công tác quản lý đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống, tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đầu tư công. Dự Luật này đã xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, nhất là quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Đồng thời, đưa ra nhiều quy định nhằm quản lý việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, đến lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư.

Dự án Luật Đầu tư công đã quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tương ứng với QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Song, thẩm quyền quyết định đầu tư công của các cơ quan chức năng tại dự thảo luật mới dừng ở mức nhắc lại Nghị quyết số 49 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và các quy định về phân cấp quản lý Nhà nước hiện hành.

Tất nhiên, Nghị quyết số 49 đã quy định cụ thể các tiêu chí về quy mô vốn, mức độ tác động của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Vì vậy, việc nhắc lại Nghị quyết số 49 của dự án Luật Đầu tư công sẽ bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhưng điều quan trọng là công trình có tổng mức đầu tư, mức độ tác động như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương lại chưa được quy định. Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn về các nguyên tắc, tiêu chí phân loại dự án các nhóm A, B, C.

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, quy định phân loại dự án đầu tư công là rất quan trọng và có mối liên hệ xuyên suốt với nhiều quy định khác của dự thảo Luật. Các tiêu chí để xác định dự án nhóm A, B, C không được quy định chi tiết trong dự thảo Luật, nhất là các tiêu chí về quy mô, đặc điểm; mà lại giao cho Chính phủ quy định là chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính minh bạch và thiếu tính khả thi.

Việc không quy định tách bạch về quy mô của dự án đầu tư công nhóm A, B, C và các chương trình, dự án quan trọng quốc gia sẽ tạo kẽ hở trong thực thi. Thực tế, đã có tình trạng dự án, chương trình có thể bị xé nhỏ giảm quy mô để thay đổi thẩm quyền quyết định để không chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chủ trương đầu tư. Đây là một nguyên nhân khiến tồn tại tình trạng đầu tư công tràn lan, không hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý đầu tư công và nâng cao tính khả thi cho dự án Luật Đầu tư công, các Đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ các tiêu chí phân loại quy mô các dự án nhóm A, B, C; tạo cơ sở pháp lý cho việc phân cấp hợp lý, minh bạch thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tăng cường quản lý Nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, tránh tình trạng chia nhỏ các dự án quy mô lớn, hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn lực ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, quy định việc bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.