Cần mạnh tay hơn trong vấn đề thay đổi quy trình kiểm toán ngân hàng


(Tài chính) Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là điều hết sức bức thiết và là một trong những ưu tiên của việc quản lý ngành ngân hàng. Với tầm quan trọng như vậy, chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị chủ trì cũng như giám sát quá trình tái cơ cấu này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong đó trọng tâm là các ngân hàng thương mại?

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/hongnhung/2014_02_26/19.jpg
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tái cơ cấu ngân hàng có nguyên do từ tình trạng phát triển “nóng” của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua. Hậu quả dẫn đến những vấn đề khá nghiêm trọng như: nợ xấu, dòng vốn tín dụng bị tắc nghẽn, các ngân hàng không đóng góp cho việc phát triển kinh tế như mong đợi…

Bên cạnh đó, các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, sở hữu chéo, lợi dụng ngân hàng để trục lợi cho bản thân và tổ chức hay việc các ngân hàng sơ hở và quá mạnh tay trong giúp đỡ các tổ chức kinh tế… đã tạo nên những điều khó có thể tưởng tượng được lại xảy ra trong hệ thống ngân hàng (chẳng hạn tình trạng 7, 8 ngân hàng cùng đến siết nợ một lô hàng).

Trước nay, ngân hàng vốn được coi là những định chế tài chính khôn ngoan, có kinh nghiệm nhưng do phát triển “nóng” mà lỏng lẻo trong quản lý hoạt động cho vay và bị đánh lừa bởi hàng thế chấp. Tất cả những sai phạm đó đã đưa tới một vấn đề: ngành ngân hàng phải tái cấu trúc.

Mặc dù NHNN đã có những biện pháp rất mạnh tay trong vấn đề tái cấu trúc này: từ việc chủ trì, sáp nhập, tái cơ cấu đến bơm thanh khoản để giúp các ngân hàng, đồng thời quyết liệt trong xử lý các sai phạm. Tuy nhiên, có lẽ quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng mới chỉ ở bước khởi đầu. Chúng ta mới đang ở mức sắp xếp, tổ chức lại các ngân hàng.

Chẳng hạn trước đây có 100 ngân hàng, trong đó có tới 40 các ngân hàng thương mại, cổ phần thì giờ sắp xếp lại, gom lại cho gọn hơn. Việc sắp xếp lại đó chỉ là vấn đề tái tổ chức các cấu phần, chưa phải là tái cấu trúc thực sự tổ chức của từng cấu phần, có nghĩa mỗi ngân hàng phải được tự tái cấu trúc trước khi được sắp xếp, gom lại, hợp nhất lại. Vì thế, mặc dù nhiều ngân hàng đã và đang tái cấu trúc nhưng chưa đủ, đặc biệt trong các vấn đề tái cơ cấu mô hình, nhân sự, quản trị, quản lý rủi ro…

Theo tôi, trong tái cấu trúc ngân hàng, một trong những khâu mà các ngân hàng phải rất quan tâm là vấn đề quản trị công ty. Mặc dù NHNN rất cố gắng, nỗ lực và cũng đã thành công trong vấn đề sáp nhập một số ngân hàng cũng như bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng để tránh đổ vỡ. Thế nhưng, tái cấu trúc ngành ngân hàng phải đi vào vấn đề cốt lõi là quản trị rồi sau đó là vốn.

Vốn là nhân tố quan trọng đối với các doanh nghiệp: anh có một đồng thì được nợ bao nhiêu và xoay vòng bao nhiêu để mua, bán, sản xuất kinh doanh. Một đồng đó đối với ngân hàng còn quan trọng hơn rất nhiều bởi người dân có 1 đồng, có thể vay 2 hoặc 3 đồng nhưng ngân hàng có 1 đồng có thể vay tiền của dân chúng tới 10 đồng. Vì thế, phần lớn vốn của ngân hàng là tiền của xã hội, của dân chúng nên đồng tiền đó phải được bảo toàn. Qua những vấn đề sở hữu chéo, lỗ, nợ xấu… hình như trong vốn của ngành ngân hàng hiện tại có một phần ảo.

Trong hệ thống ngân hàng nếu vốn chủ sở hữu là vốn ảo thì đó là một rủi ro rất lớn. Theo quy định của NHNN, các tổ chức tín dụng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “có” rủi ro. Như vậy nếu hệ số CAR 8% là dưới quy định; 7% là không tuân thủ; 6% là có vấn đề; 5% là thực sự có vấn đề; 4% là đang bị mất vốn nghiêm trọng; 3% là mức có thể phá sản bất cứ lúc nào. Vì thế, việc áp dụng tỷ lệ đòn bẩy buộc các ngân hàng phải duy trì mức vốn tối thiểu trên tài sản, với yêu cầu về vốn được tính bằng phần trăm tổng giá trị tài sản. Vì hệ thống ngân hàng có vốn ảo nên điều quan trọng là phải xác định được tỷ lệ vốn thực của ngân hàng có bao nhiêu.

Nếu tỷ lệ đòn bẩy quá cao, vốn chủ sở hữu thực sự yếu kém thì chúng ta phải tái cấp vốn cho ngân hàng. Còn nếu chúng ta không tái cấp vốn mà cứ sống trong ảo ảnh đồng vốn ngân hàng tốt, tỷ lệ đòn bẩy rất tốt, hệ số CAR an toàn thì nó đồng nghĩa với việc ngân hàng đang hoạt động trong một mức độ rủi ro rất nghiêm trọng.

Vậy theo ông, đâu là những trở ngại trong quá trình tái cơ cấu này?

Tái cơ cấu ngành ngân hàng có rất nhiều trở ngại:

Thứ nhất, một trong những trở ngại lớn nhất của quá trình này là ý chí của các ông chủ ngân hàng. Khi tái cơ cấu toàn ngành sẽ đòi hỏi một sự sắp xếp lại các đơn vị, trong đó có vấn đề sáp nhập, mua bán giữa các ngân hàng. Tâm lý khi thành lập ngân hàng, ai cũng muốn làm chủ để phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của mình và của cổ đông. Khi thực hiện sáp nhập, nó đồng nghĩa với việc quyền làm chủ bị xóa. Đó là điều các ông chủ nhà băng không hề mong muốn.

Thứ hai, khi sáp nhập các ngân hàng thì vấn đề vốn chủ sở hữu sau khi sáp nhập sẽ là bao nhiêu bởi khi sáp nhập từ A sang B để trở thành C thì nợ xấu cũng như những khó khăn của A hay B đều làm giảm vốn chủ sở hữu của C.

Thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp sáp nhập, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng là do sở hữu chéo và từ những cổ đông hiện hữu của những ngân hàng sáp nhập với nhau. Bên cạnh đó, động cơ sáp nhập của các ngân hàng xuất phát từ sự cần thiết khi họ có những vấn đề cần phải sáp nhập để giải quyết chứ không phải một sự tự nguyện đến với nhau do chiến lược, định hướng, mục tiêu phát triển mới rõ ràng hơn.

Thứ ba, vấn đề thẩm định các ngân hàng cũng là một trở ngại cho quá trình tái cấu trúc. Trước khi sáp nhập, các ngân hàng phải qua tiến trình thẩm định tài sản, trong đó có vấn đề thẩm định nợ xấu. Vì thế, nhiều khi bản thân các ngân hàng cũng muốn sáp nhập với nhau nhưng rất ngại phải “ôm” thêm một đống nợ xấu.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) giữ vai trò như thế nào trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Tôi cho rằng, KTNN đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán ngành ngân hàng.

Kiểm toán ngành ngân hàng đòi hỏi một sự minh bạch, thông suốt và nhất quán. Tôi thấy rằng, ở Mỹ, báo cáo tài chính của họ rất đầy đủ, chi tiết, nhất là vấn đề nợ xấu hay ngân hàng đó có đang vướng kiện tụng tài chính hay không… Còn ở Việt Nam, báo cáo tài chính của các ngân hàng thường chỉ mang tính tổng hợp mà chưa đưa ra những ghi chú cụ thể, chi tiết. Đây là điều chúng ta phải quan tâm khi kiểm toán báo cáo tài chính ngành ngân hàng, trong đó các vấn đề tài sản nợ, tài sản có, lỗ, lãi… cần phải được giải trình rõ ràng, minh bạch trong báo cáo.

Bên cạnh đó, cường độ báo cáo tài chính của các ngân hàng Việt Nam còn rất hạn chế. Thông thường các ngân hàng mỗi năm đều có một báo cáo tài chính. Ở Mỹ, các ngân hàng phải báo cáo tài chính mỗi tháng một lần và được đăng công khai trên website Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). Đây là điều ở Việt Nam chưa có. Hoạt động của ngân hàng không chỉ là việc nắm giữ tiền gửi của dân chúng mà cao hơn đó còn là chủ quyền tiền tệ, chủ quyền quốc gia. Bởi thế, không có một ngành nghề kinh doanh nào được các quốc gia bảo vệ một cách tối đa như hệ thống ngân hàng. Chính vì chức năng đó, sự bảo vệ đó nên ngành ngân hàng cần phải minh bạch trong thông tin, đặc biệt là vấn đề tài chính.

KTNN cần mạnh tay hơn trong vấn đề thay đổi quy trình thể chế kiểm toán ngân hàng để tiến tới gần hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường mức độ kiểm toán cũng như thông báo công khai thông tin tài chính của các ngân hàng đến dân chúng. Bên cạnh đó, KTNN cũng như các công ty kiểm toán cần có sự phối hợp với các bộ phận thanh tra, kiểm tra của NHNN, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để cùng tạo ra một nền tài chính lành mạnh cho ngân hàng.

Vậy để hoàn thành tốt nhất vai trò kiểm toán ngành ngân hàng, theo ông KTNN cần có những giải pháp gì trong thời gian tới?

Theo tôi, để hoàn thành tốt nhất vai trò kiểm toán ngành ngân hàng, có những vấn đề KTNN có thể thực hiện ngay mà không cần phải chờ có luật mới hay những thay đổi về cơ chế, chính sách:

Trước hết, KTNN phải có những quy định kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, khi kiểm toán ngành ngân hàng, KTNN phải kiểm toán vấn đề nợ xấu một cách sát sao, chặt chẽ.

Thứ ba, phải kiểm toán vốn chủ sở hữu và kiểm soát tài sản nợ, tài sản có của các ngân hàng để loại bỏ những vấn đề về sở hữu chéo, vi phạm pháp luật…

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 1 - 2014