Cần những giải pháp đột phá!

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Cổ phần hóa (CPH) được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu, triệt để, hiệu quả trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 18/2, nhiều đại biểu nhìn nhận, trong ba năm qua, kết quả CPH, sắp xếp doanh nghiệp (DN) đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt. Thậm chí, một số địa phương, bộ, tập đoàn chưa CPH được DN nào.

Cần những giải pháp đột phá!
CPH được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu, triệt để, hiệu quả trong tái cơ cấu DNNN. Nguồn: internet

Vẫn còn gần 1.000 DN 100% vốn Nhà nước

Báo cáo của Ban đổi mới và phát triển DN cho thấy, trong ba năm (2011-2013), cả nước mới sắp xếp được 180 DN và chỉ tính riêng số DN 100% vốn Nhà nước vẫn còn tới 949 DN (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh). Số DN đã CPH được trong ba năm chỉ đạt 99 DN, trong đó có 19 Tổng công ty Nhà nước và 28 DN CPH thành công thông qua phương thức mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Cùng với tốc độ chuyển đổi hình thức sở hữu chậm, tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng đạt thấp với tỷ lệ khoảng 19% (4.200/22.000 tỷ đồng cần thoái). Việc rút, thoái vốn cũng rất khó khăn khi trong tổng số 4.200 tỷ đồng đã thoái chỉ có 267 tỷ đồng bán được ra bên ngoài, còn lại là chuyển vốn nội bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, với tốc độ chậm như thế thì sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển DN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết được nguồn lực hiện có. "Cũng chính vì những bất cập này mà mặc dù đã có nhiều cố gắng tái cơ cấu về tài chính (như tăng vốn điều lệ, đàm phán cơ cấu lại các khoản vay, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là thoái vốn từ các khoản đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản) thì việc thực hiện nhóm giải pháp tái cơ cấu DNNN cũng chậm theo" - Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhận xét.

Đồng quan điểm này của Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Viết Muôn cho biết, bên cạnh việc một số cơ chế chính sách chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới, sắp xếp, CPH DNNN; sự hoạt động trầm lắng của thị trường chứng khoán, bất động sản ảnh hưởng lớn đến quá trình CPH, thoái vốn... thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ phận chuyên trách về sắp xếp, đổi mới, CPH DN còn yếu. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước chưa quan tâm đúng mức và chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chưa chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai đề án tái cơ cấu của các DN trực thuộc và các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời.

Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Viết Muôn nói: "Việc thực hiện CPH DNNN chậm đã diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh còn tới 77 DN chưa CPH; Hà Nội còn 49 DN; Hải Phòng còn 15 DN; Bình Định còn 7 DN; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tới 16 DN; Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản còn 8 DN; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam còn 11 DN.Chỉ tính riêng bảy đơn vị này đã có tới 183 DN trong tổng số 432 DN cần phải CPH của cả nước, chiếm tỷ lệ 43%".

Mỗi năm phải CPH hơn 200 DN

Theo các đề án đã phê duyệt, do ba năm 2011 - 2013, kết quả CPH DNNN đạt thấp nên số DN CPH còn lại trong hai năm 2014 - 2015 là 432 DN, như vậy bình quân mỗi năm phải CPH 216 DN. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới phù hợp, khả thi để giao, bán, giải thể, phá sản 22 DN; thoái hết gần 22 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành đã xác định... "Đây là nhiệm vụ to lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu DNNN, vì thế cần thực hiện những giải pháp mới, đột phá và phải dồn sức thực hiện thì mới có kết quả rõ rệt", Phó Trưởng ban Nguyễn Viết Muôn khẳng định.

Để CPH được 432 DN như nhiệm vụ đề ra, một trong những giải pháp đột phá được Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đề xuất là những DN có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tổ chức, công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác. Tùy điều kiện cụ thể ở mỗi DN loại này, Nhà nước có thể giữ cổ phần tuyệt đối lớn. Việc thực hiện giải pháp này nhằm mục tiêu thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường khi có điều kiện thì đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Thực tế CPH vừa qua chậm có nguyên nhân bối cảnh kinh tế chung, có nguyên nhân cơ chế, chỉ đạo thực hiện..., song nguyên nhân quyết định nhất là chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, cần có chỉ đạo tập trung quyết liệt đối với những đơn vị có nhiều DN thuộc diện CPH nhưng kết quả kém. "Thực tế đòi hỏi phải có sự gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu. Nếu không gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN thì khó tạo sự bứt phá. Bởi một khi các vị trí đứng đầu tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không chịu trách nhiệm cá nhân trong hoạt động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, trong trách nhiệm báo cáo... thì tình trạng cũ vẫn còn tái diễn. Cần mạnh dạn xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ trong tổ chức triển khai đề án, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo thời gian quy định thì phải xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định", Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu đề xuất.

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước, ngay trong tháng 2 này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn Nhà nước theo hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ...

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng cũng đề xuất hoàn thiện nhanh các cơ chế, chính sách liên quan, nhất là với các cơ chế, chính sách về quản lý DNNN, bên cạnh việc ban hành các nghị định về điều lệ của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đang còn bị "nợ" thời gian qua, cần đẩy nhanh việc trình ban hành đồng bộ cả luật, nghị định hướng dẫn thi hành về quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước và DN.Ngoài ra, cần ban hành các văn bản về cơ chế quản lý nợ, về đổi mới quản trị DN, các hình thức sắp xếp, chuyển đổi DN ngoài hình thức CPH; về quy chế quản lý tài chính; sửa đổi, bổ sung quy định về giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể DNNN phù hợp Luật Doanh nghiệp...

Thoái vốn với lộ trình phù hợp

Các DN trong Tập đoàn Cao-su Việt Nam đã CPH hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với trước khi chuyển đổi và đây là thực tế có sức thuyết phục nhất để tiếp tục CPH các DN còn lại. Song, để có thể CPH thành công thì cần nhất là hoàn thiện các điều kiện pháp lý, nhất là trong việc DN đầu tư ra nước ngoài. Như trong việc đầu tư ra thị trường Cam-pu-chia, Tập đoàn cần được IPO để thu vốn về. Với việc thoái vốn ngoài ngành, do thị trường chứng khoán chưa hồi phục nên đề nghị cho phép các dự án trong nước thoái vốn với lộ trình phù hợp để tránh thất thoát tài sản, và với một số dự án ngoài ngành cũng cần cho hoàn thành dự án rồi mới thoái vốn. Nếu thoái vốn một cách vội vã, theo kiểu "cho kịp, cho có" thì sẽ giống như như áo may chưa xong, thiếu khuy, thiếu túi chưa bán được. Hơn nữa, với việc thoái vốn do đã đầu tư chéo mà vẫn bảo đảm được giá trị đầu tư thì cần cho thoái vốn theo thỏa thuận hoặc theo giá sổ sách để tránh kéo dài thời gian. Đồng thời, Tập đoàn cần có cổ đông chiến lược trước khi CPH để bảo đảm CPH an toàn và thành công...

Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận

Phải giải quyết được các vướng mắc cơ bản

Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đã thực hiện xong CPH, và đã kết thúc IPO vào tháng 12-2011, vừa qua đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung và trở thành công ty đại chúng. Việc kiên quyết tái cơ cấu và CPH là hướng đi đúng, tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục giải quyết, như nội dung tái cơ cấu chậm, cách thức rời rạc nên kết quả hạn chế. Phải giải quyết được các vướng mắc cơ bản như tính giá trị sử dụng đất, giá trị DN, lợi thế thương hiệu, cơ cấu nguồn vốn và thoái vốn... Đặc biệt là các quy định về thoái vốn dưới mệnh giá, về lương. Nếu không có sự thay đổi tư duy sẽ không hoàn thành tiến độ tái cơ cấu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV Trần Bắc Hà

Minh bạch hoạt động kinh doanh

Cái vướng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là cơ sở vật chất phân tán, hệ thống phân phối có mặt ở 63 tỉnh, thành phố, quy mô cửa hàng bán lẻ tuy nhỏ nhưng khi CPH thì phải định giá đầy đủ các yếu tố đất, nhà xưởng, tài sản cố định. Việc CPH và trở thành công ty đại chúng sẽ giúp minh bạch hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy định chế tài với chủ sở hữu Nhà nước tại DN, giám sát chủ sở hữu; về hệ thống tiền lương... Tập đoàn cũng kiến nghị nên thống nhất một đầu mối báo cáo là Ủy ban chứng khoán Nhà nước để tránh tình trạng DN đã CPH phải báo cáo rất nhiều nơi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo