Cần phân định rõ hành vi “lách thuế” và “trốn thuế”

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng đã chia sẻ như vậy với phóng viên sau loạt bài “chống chuyển giá trên toàn cầu và khuyến nghị của ActionAid quốc tế” được đăng tải trên Tạp chí Thuế mới đây. Theo đó, ông Phụng cho rằng, mặc dù cả 2 hành vi này đều gây nên giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) và có lỗi với người nghèo, song cần phân định rõ và có thái độ phân biệt đối xử giữa các hành vi “lách thuế” và “trốn thuế”.

 Cần phân định rõ hành vi “lách thuế” và “trốn thuế”  - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Phụng
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế
PV: Mới đây, Tạp chí Thuế có đăng loạt bài về chống chuyển giá trên toàn cầu, trong đó có đề cập tới các thủ thuật lách thuế của Công ty SABMiller và khuyến nghi của ActionAid quốc tế, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
 
Phó vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng: Đọc loạt bài về chủ đề chống chuyển giá trên phạm vi toàn cầu đăng trên 3 số 28+30+31/2013 của Tạp chí Thuế, tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề, sự nỗ lực và lòng dũng cảm của ActionAid khi họ phát động chiến dịch “Sức mạnh thuế” nhằm góp phần ngăn chặn việc né thuế của các tập đoàn đa quốc gia thông qua các thủ thuật chuyển giá. Rõ ràng, chuyển giá mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ “cướp” đi nguồn lực của Chính phủ nhiều nước đang phát triển, bòn rút sự sống của nhân dân các nước này và mang đến sự thiệt thòi cho cộng đồng người nghèo. 
 
Các nội dung phân tích, lý lẽ cùng với thông tin, số liệu và bằng chứng về hành vi chuyển giá của SABMiller được đề cập một cách lôgic, cô đọng, dễ hiểu giúp cho độc giả nhìn nhận rằng, Việt Nam với quy mô thị trường gần 100 triệu dân cũng không nằm ngoài danh sách các nước đang bị mất đi nguồn lực do hành vi chuyển giá. Tôi đánh giá cao các khuyến nghị của ActionAid về chủ đề chống chuyển giá và ủng hộ chiến dịch mà họ đang triển khai trên phạm vi toàn cầu.
 
Ông đánh giá thế nào về tình hình chuyển giá của doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam và khả năng chống chuyển giá của chúng ta đến đâu?
 
Việc chuyển giá đã và đang xảy ra ở nước ta ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều dạng khác nhau như những thông tin được các cơ quan báo chí truyền thông đưa ra trong thời gian vừa qua. Biểu hiện của chuyển giá là có, nhưng từ hiện tượng đến việc tìm ra bằng chứng cụ thể để cáo buộc vi phạm là một quá trình không hề đơn giản. 
 
Các thủ thuật lách thuế như trường hợp của SABMiller cũng đã xuất hiện ở nước ta, từ việc đăng ký sở hữu thương hiệu tại nước ngoài, đăng ký đầu tư tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia có trụ sở điều hành tại các “thiên đường thuế”; việc định trị giá “phí bản quyền” sử dụng nhãn hiệu, giấy phép; xác định “phí quản lý”; thiết kế các giao dịch thương mại, các dịch vụ được cung cấp giữa các công ty có quan hệ liên kết; đến mức lãi tiền vay và cơ cấu giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay tại các dự án đầu tư nước ngoài,… đều có dấu hiệu bất thường.
 
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, Nhà nước đã ban hành các quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc phòng, chống chuyển giá, nhưng năng lực quản lý và sự phối hợp của các cơ quan chức năng còn chưa tương xứng, chưa theo kịp yêu cầu, nên tình trạng chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn đang diễn ra phức tạp, vừa gây thất thu ngân sách vừa làm ô nhiễm môi trường đầu tư. 
 
Lách thuế khiến Nhà nước thất thu nhiều tỷ đồng, đây là một nghịch lý. Vì thế, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần mạnh tay hơn nữa, cần “siết” lại chính sách ưu đãi thuế để buộc các công ty có hoạt động liên kết phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
Theo tôi, đó chỉ là cách nhìn từ một khía cạnh của vấn đề, vì không thể đánh đồng những việc chưa làm được trong quản lý để “quy kết” cho định hướng chính sách ưu đãi “có vấn đề”. Nhiều chính sách ưu đãi thuế hợp lý, đang phát huy tác dụng tích cực thì không cần phải “siết lại”. Chính sách ưu đãi nào không phù hợp, không tạo ra lợi ích cho toàn xã hội, không đạt hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra thì phải bãi bỏ hoặc chỉnh sửa kịp thời. 
 
 Vừa qua, Chính phủ có trình Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung các Luật thuế Thu nhập cá nhân, Thu nhập DN, Giá trị gia tăng trên cơ sở định hướng của Chiến lược cải cách thuế cũng như xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, trong lần sửa đổi này có việc điều chỉnh một số chính sách ưu đãi thuế và phương pháp quản lý thuế đối với DN đầu tư nước ngoài. Thiết nghĩ, chúng ta cần phân định rõ và có thái độ phân biệt đối xử giữa các hành vi “lách thuế” và “trốn thuế” mặc dù cả 2 hành vi này đều gây nên giảm thu NSNN và có lỗi với người nghèo.

 Tuy nhiên, “lách thuế” có nguyên nhân từ kẽ hở của luật pháp hoặc sự buông lỏng quản lý để DN giảm thiểu nghĩa vụ thuế nhưng không vi phạm pháp luật hiện hành, và như vậy cần phải điều chỉnh các văn bản quy phạm để họ không “lách” được. Ngược lại, “trốn thuế” đương nhiên là hành vi phạm pháp, cần phải xử lý nghiêm theo luật pháp. Vấn đề đặt ra là, có tìm ra được sai phạm không và việc xử lý có kiên quyết, có đúng chính sách hay không?
 
Để đối phó với các hành vi chuyển giá, Bộ Tài chính đã có giải pháp gì cho vấn đề này?
 
Chống chuyển giá là vấn đề không hề dễ dàng đối với tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Thực tế cho thấy, ngoài việc phải có đủ bằng chứng, thì cần phải thông hiểu luật pháp của các nước nơi các đối tác của DN đăng ký hoạt động hoặc tiến hành hoạt động kinh doanh. Nội dung các điều khoản trong các hiệp định ký với các nước về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế cũng rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thu thập dữ liệu, điều tra, xác minh, kết luận và xử lý các hành vi sai phạm.
 
Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/5/2012 về Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, cùng với nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định trị giá tính thuế đã được đưa vào Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế,  tạo cơ chế để ngăn ngừa, hạn chế trước các hành vi chuyển giá.
 
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã và đang thực hiện các chương trình kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. DN tự kê khai, cơ quan thuế kiểm tra xác định và xử lý đối với các giao dịch theo Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính bước đầu đã có kết quả tăng thu, giảm lỗ ở phần lớn các DN được thanh tra. Việc triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, kỹ năng quản lý, xây dựng các quy trình quản lý thuế hiện đại,… cũng là những việc có nội dung liên quan đến công tác chống chuyển giá.

Xin cảm ơn ông!