Cần quản lý vàng vật chất theo tính chất của công cụ tiền tệ?

Hồng Nhung

(Tài chính) Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, các đồng tiền lớn như USD, Euro liên tục mất giá và các kênh đầu tư đều trở nên rủi ro thì vàng đang trở thành nơi “trú ẩn” an toàn của dòng tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại sao vàng "hút" dòng tiền?

Trong thời gian qua, giá vàng liên tục có những đợt điều chỉnh tăng, giảm bất ngờ nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn là: Sức hút của kim loại quý này luôn luôn là vĩnh viễn. Bởi vàng là loại tài sản riêng tư, hữu hình với giá trị thật và không thuộc vào hệ thống tài chính nào. Chính vì vậy, khi nền kinh tế có những biến động bất ổn thì ngay lập tức, vàng được tìm đến như nơi cất trữ giá trị thật của người dân và các nhà đầu tư không chỉ của Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác. Hơn nữa, vàng đang trở thành công cụ tiết kiệm, bảo toàn vốn hiệu quả trước các áp lực mất giá của tiền ngân hàng. Sự mất giá liên tục của đồng USD trong thời qua và sự leo thang của lạm phát hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007, Ngân hàng Trung ương các nước đã điều chỉnh dự trữ ngoại hối quốc gia, chuyển qua mua vàng...

Đó là chưa kể, vàng đã và đang trở thành công cụ đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn bất ổn. Đặc biệt, giá vàng trong những năm gần đây đã tăng mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính nếu như sự ổn  định tương đối của giá vàng trong thập kỷ 90 không  phản ánh thực chất cung -  cầu trên thị trường vàng thế giới bởi các Ngân hàng Trung ương và các công ty khai thác vàng kết hợp giữ giá vàng ở mức thấp và quyền sở hữu vàng cá nhân được quản lý chặt chẽ, diễn biến trên thị trường vàng thời gian gần đây đã phản ánh thực chất hơn tương quan cung cầu vàng. Ngoài nhu cầu vàng với mục tiêu cất trữ, đảm bảo giá trị tài sản, đặc biệt trong điều kiện rủi ro tiềm ẩn, thì nhu cầu vàng cho mục đích sản xuất, tiêu dùng cũng tăng nhanh. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu cơ vàng cũng tăng mạnh gắn liền với xu thế tăng giá của vàng, đặc biệt, khi mức độ sinh lợi từ đầu tư vàng tương đối cao so với các sàn phẩm đầu tư khác và mức độ rủi ro thị truờng tương đối thấp.

Cần cơ chế quản lý chặt chẽ và linh hoạt

Mới đây, việc Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh lại thị trường vàng với sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng và đảm bảo về mặt giá trị vàng.  Theo đó, mục tiêu của Nghị định 24 nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị định cũng nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với thị trường vàng, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, có giải pháp hợp lý để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quyền mua, bán vàng miếng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp giấy phép.

Thực tế, sau một thời gian Nghị định 24 có hiệu lực, việc thanh toán bằng vàng (nhất là trong lĩnh vực bất động sản) đã giảm rất nhiều, những niêm yết công khai hoàn toàn chấm dứt. Nguyên nhân là người dân không còn mặn mà với vàng như trước. Bởi vậy, dù giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thì cũng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá giữa VNĐ với USD cũng được giữ bình ổn. Đây có thể coi là một thành công của đề án chống “vàng hóa” được Ngân hàng Nhà nước triển khai.

Hơn nữa, thành công bước đầu của Nghị định 24 không chỉ được thể hiện qua những tác động tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn được phản ánh qua thị trường, tâm lý người dân. “Năm 2012 đã không còn sốt vàng và không xuất hiện hình ảnh người dân vác bao tải tiền, rồng rắn xếp hàng mua vàng”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo Quỹ Quản lý các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ), vàng miếng ở nước ta vẫn còn mang nặng tính chất tiền tệ nên Nhà nước cần quản lý vàng vật chất theo tính chất của một công cụ tiền tệ, bởi chỉ trên cơ sở quản lý vàng đó thì mới có thể quản lý được tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, quản lý được giá cả, góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế.

Thứ nhất, do tính chất tiền tệ của vàng miếng ở nước ta còn khá mạnh song cũng không thể để tình trạng lưu thông vàng miếng thay thế tiền đồng trong thanh toán. Nhà nước cần phải quản lý giao dịch này và từng bước hạn chế dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, với tình trạng người dân quen sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, đặc biệt là trong hoạt động mua bán bất động sản, sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, khiến chỉ số lạm phát cao và gây ra nhiều rủi ro cho sự phát triển chung của kinh tế.

Thứ hai, tạo điều kiện bảo đảm sự phát triển lành mạnh thị trường vàng trong nền kinh tế, nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng, phát triển các sản phẩm trên thị trường theo hai nguyên tắc căn bản sau: (i) Bảo đảm Ngân hàng Nhà nước thực hiện được vai trò quản lý vàng vật chất; Việc kinh doanh, xuất khẩu vàng vật chất nên được quản lý theo nguyên tắc thị trường; (ii) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được tham gia đầu tư, kinh doanh từ biến động giá vàng mà không nhất thiết phải nắm giữ vàng vật chất. Đồng thời Nhà nước có đủ công cụ thị trường, không phải thông qua quyết định hành chính, để quản lý và bảo đảm giá vàng có liên thông với thị trường quốc tế.