Cần quyết tâm cao trong điều hành giá năng lượng

Theo Đại biểu Nhân dân

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015) và cũng là năm thực hiện việc đưa giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi chỉ tiêu kiềm chế giá tiêu dùng chỉ khoảng 6% và tăng trưởng GDP phải đạt cao hơn năm ngoái, để thực hiện yêu cầu này đòi hỏi một quyết tâm chính trị trong điều hành giá năng lượng.

Cần quyết tâm cao trong điều hành giá năng lượng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của các tập đoàn trong ngành Năng lượng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là một yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, nếu không làm chủ được thì sẽ thất bại ngay chính trên sân nhà. Và để làm được điều đó, tất yếu phải đưa được giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế giá thị trường.

Một dẫn chứng được đưa ra đối với mặt hàng than cung cấp cho ngành Điện mới bằng khoảng 70% giá thành sản xuất và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác bằng 90% giá xuất khẩu. Trong khi, để nhập khẩu 1 tấn than ở thời điểm hiện tại phải mất tới 150 USD/tấn, nghĩa là gấp tới hơn 2 lần so với giá xuất đi (trung bình giá than đá xuất khẩu cuối năm 2012 hơn 65 USD/tấn). Bù lỗ của ngành Than cho các ngành kinh tế không chỉ hạn chế đầu tư của Ngành, mà giá than không theo kịp với giá thị trường đã làm méo mó sức cạnh tranh thực tế của các ngành nghề, doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi giá điện trung bình của Việt Nam đang ở đâu đó 7 cent/kWh (7,2 cent/kWh) - trong khi khả năng nhập khoảng 30 triệu tấn than vào năm 2020 cho sản xuất điện khó khả thi - để bảo đảm an ninh năng lượng, một kế hoạch sản xuất điện từ khí hóa lỏng (LPG) với mức giá lên tới 16 cent/kWh cũng đã được tính tới. Thế nhưng, không chỉ ngành Than vẫn phải bù qua giá cho điện hơn 6.500 tỷ đồng trong năm 2012, ngành Điện cũng đang phải bù giá cho những hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng. Theo công bố giá thành sản xuất điện năm 2011 thì mỗi kWh điện sản xuất ra khi bán đến hộ tiêu dùng đã lỗ tới 56 đồng/kWh.

Mục tiêu đưa giá năng lượng theo thị trường đã được quán triệt, bằng những mệnh lệnh hành chính đanh thép. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị định 84, giá xăng dầu trong nước vẫn lỗi nhịp so với thế giới, còn giá điện thì cho dù có Quyết định 24, vẫn phải trông chờ vào nguồn thu ngân sách để bù lỗ cho tới tận 2015. Điều mà lẽ ra, nếu tính toán tốt, việc tăng giá điện theo lộ trình cho phép trong năm qua sẽ bớt được áp lực cho ngân sách cũng như số lần tăng trong thời gian tới.

Tại Hội thảo về Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013, Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá cần phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, linh hoạt theo diễn biến kinh tế. Và để bảo đảm lạm phát ở mức 6% trong năm 2013, việc điều hành các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm, không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực có quan hệ gắn kết chặt chẽ không thể tách rời như than và điện, với tỷ trọng nhiệt điện than hiện nay chiếm tới hơn 50% công suất nguồn phát, nếu đưa giá than theo thị trường đối với sản xuất điện vào năm nay, ắt hẳn dẫn tới áp lực tăng giá điện lớn hơn.

Làm sao để đưa giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng theo đúng mục tiêu của Chính phủ và đúng với quy luật của thị trường, nhưng bảo đảm kiểm soát lạm phát, tránh sốc đối với doanh nghiệp và người dân - đòi hỏi cần một sự tính toán khoa học thời điểm/lộ trình tăng giá đối với từng mặt hàng, ngành hàng ngay từ những ngày đầu năm này. Nhưng cao hơn cả, cần một quyết tâm chính trị bởi vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá sẽ quyết định có hay không, sớm hay muộn một thị trường năng lượng cạnh tranh và minh bạch.