Cần sớm triển khai thí điểm thực hiện chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam

TS. Bùi Sỹ Lợi (Theo Tạp chí Tài chính - Bảo hiểm)

(Tài chính) Việt Nam đang có cơ cấu dân số “vàng” với 58% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia về dân số, sau năm 2030, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam thuộc diện nhanh nhất Châu Á và tới năm 2050 có trên 30% dân số trên 60 tuổi.

Chính vì vậy, với mục tiêu hình thành hệ thống hưu trí đa tầng, nhằm đối phó tích cực và hiệu quả hơn với xu hướng già hóa dân số, tạo tiền đề để cải cách hệ thống hưu trí cơ bản, hiện nay Chính phủ đang tích cực hoàn thiện dự thảo về chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung để áp dụng thí điểm vào năm 2014 là phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tạo nguồn lực dài hạn cho nền kinh tế để đảm bảo an sinh xã hội.

Sự cần thiết thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam

Thứ nhất, hình thành hệ thống hưu trí đa tầng, là bước đệm, tiền đề cải cách hưu trí cơ bản hiện hành

Trải qua một quá trình lịch sử, với bước đi qua từng thời kỳ khác nhau chính sách bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định và từng bước nâng cao đời sống cho người lao động thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Với cách thiết kế theo mô hình hưu trí Pay-as-you-go, Việt Nam hiện đang duy trì chế độ hưu trí đơn tầng, trong đó đề cao sự chia sẻ giữa các thế hệ, sử dụng nguồn đóng góp Quỹ của những người hiện đang tham gia để chi trả cho những người đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh, số người hưởng ngày càng tăng lên trong khi số người đóng tăng chậm chưa tương xứng với sự phát triển nguồn nhân lực, khiến Quỹ hưu trí ngày càng bị thâm hụt và đứng trước nhiều khó khăn về khả năng chi trả. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với cách đóng - hưởng bảo hiểm xã hội như hiện nay, đến năm 2021 thu trong năm chỉ đủ chi trong năm, sau đó phải lấy từ nguồn quỹ dự trữ, đến năm 2034, nguồn quỹ dự trữ cũng cạn kiệt, lúc đó quỹ hưu trí cơ bản không còn khả năng chi trả.

Mặt khác, mức lương hưu bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng hiện nay chưa thực sự đảm bảo đời sống của người nghỉ hưu, do vậy khi điều chỉnh tiền lương cơ sở ngân sách nhà nước và quỹ hưu trí luôn chịu áp lực phải tiến hành điều chỉnh tiền lương cho cả người nghỉ hưu.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy để giải quyết vấn đề này, quá trình cải cách hệ thống hưu trí tại nhiều quốc gia đang diễn ra theo xu hướng thay thế hệ thống hưu trí đơn tầng bằng hệ thống hưu trí đa tầng để xử lý hài hòa giữa việc nâng cao tính tương trợ, chia sẻ của hệ thống với việc tăng cường khả năng an sinh hưu trí phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của từng cá nhân. Hệ thống hưu trí đa tầng được thiết kế với tầng đầu tiên là hưu trí cơ bản dành cho tất cả những người lao động với sự bảo trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, với khả năng hữu hạn của ngân sách, sự bảo hộ của nhà nước chỉ ở mức “sàn lương hưu” tối thiểu. Người lao động muốn hưởng mức lương hưu cao hơn, trước hết phải tham gia mức đóng cao hơn theo nguyên tắc đóng - hưởng ; sau đó sẽ được tạo điều kiện để tham gia vào tầng thứ hai là hưu trí bổ sung (có sự giám sát của Nhà nước bằng pháp luật), hoặc tầng thứ ba là hưu trí mang tính chất kinh doanh.

Trong đó, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm mục đích bổ sung cho bảo hiểm hưu trí cơ bản, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua các hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, việc thiết kế thêm tầng hưu trí bổ sung nhằm chia sẻ với hưu trí cơ bản sẽ là tiền đề, bước đệm quan trọng cho việc cải cách hưu trí cơ bản theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.

Thứ hai, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Đối với người lao động tham gia chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ có cơ hội hưởng lương hưu bổ sung ngoài lương hưu cơ bản hiện hành, qua đó góp phần cải thiện đời sống khi nghỉ hưu.

Đối với người sử dụng lao động tham gia chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí (vì phần tham gia đóng góp của doanh nghiệp cho người lao động được tính vào chi phí trước khi tính thuế). Chính sách hưu trí bổ sung là công cụ hữu hiệu để lưu giữ người lao động tài năng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, với mong muốn trở thành “Người bạn đồng hành trong cuộc sống của nhân viên”. Do vậy việc xây dựng chương trình Quỹ hưu trí bổ sung là cần thiết để thể hiện sự chăm sóc của công ty không những trong thời gian nhân viên làm việc cho công ty mà cả sau khi nghỉ hưu. Là một công cụ mới và hữu hiệu trong việc tuyển dụng và giữ nhân viên.

Thứ ba, có khung pháp lý để quản lý thống nhất các chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung mang tính tự phát

Với mục tiêu và chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam, trong thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung như: Công ty Unilever Việt Nam; Công ty TNHH Nestle Việt Nam; Công ty Dutch Lady Việt Nam... thực hiện đối với hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, số tiền trích vào quỹ không được tính vào chi phí của doanh nghiệp, khi nhận tiền người lao động phải đóng thuế thu nhập theo quy định của Nhà nước.

Do Nhà nước chưa có khung pháp lý đối với chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung nên cơ chế hình thành, hoạt động, đầu tư và quản lý của các quỹ này tại mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau và mang tính tự phát, dễ dẫn đến những hệ quả phức tạp khi xảy ra khiếu kiện, tranh chấp. Chính vì thế, cần thiết phải có khung pháp lý để điều chỉnh toàn diện các quan hệ phát sinh giữa người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan trong việc đóng, hưởng, quản lý, đầu tư, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Thứ tư, phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới

Trong khối các nước APEC hiện chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai hưu trí bổ sung. Hiện nay, đã có hơn 80 nước trên thế giới đã triển khai, hầu hết các nước trong khối ASEAN đã triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung. Việc triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung - với các chính sách ưu đãi về thuế với doanh nghiệp tham gia - sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập, thu hút đầu tư, tạo niềm tin để nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đầu tư ổn định, lâu dài và xây dựng chiến lược phát triển bềng vững tại Việt Nam.

Thứ năm, tạo nguồn lực dài hạn cho nền kinh tế để đảm bảo an sinh xã hội

Nguồn vốn tiết kiệm dài hạn của các quỹ hưu trí bổ sung sẽ được sử dụng để đầu tư dài hạn, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn cho mục tiêu phát triển dài hạn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển là tiền đề cho việc tăng thu ngân sách và gia tăng các nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội. Việc có thêm dòng vốn đầu tư dài hạn sẽ giúp thúc đẩy thị trường vốn của Việt Nam, vốn chủ yếu dựa vào huy động ngắn hạn của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Như vậy, thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là bước đi cần thiết để đáp ứng những nhu cầu trong xã hội hiện nay và phù hợp với sự phát triển của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế. Việc triển khai, thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam nhằm tận dụng được những lợi thế hiện nay của xã hội về cơ cấu dân số vàng, nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển,… và cũng là để hệ thống hưu trí của Việt Nam có được những sự chuẩn bị cần thiết để có đủ khả năng chống đỡ cho giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.

Lộ trình triển khai thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam

Song song với quá trình già hóa dân số ở Việt Nam là quá trình “dân số vàng” kéo dài đến khoảng năm 2030, vởi phần lớn cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động. Nếu sớm có khung pháp lý thì đây sẽ là yếu tố đầu vào của chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung. Khi những người lao động trong độ tuổi lao động tích cực tham gia chính sách bảo hiểm hưu trí cơ bản và chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung tức là người lao động đã cùng với chủ sử dụng lao động chủ động tự lo được cuộc sống sau khi nghỉ hưu, giúp tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.

Chính phủ nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý trong năm 2013 sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng cho quá trình khiển khai thực hiện thí điểm theo nhóm đối tượng doanh nghiệp trong năm 2014. Tuy nhiên, đây là hình thức mới ở Việt Nam cho nên cần phải có bước thí điểm cách thức tổ chức thực hiện đối với một số nhóm doanh nghiệp trong khoảng thời gian đủ dài (có thể 5 – 10 năm), sau đó tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về phương thức tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, hoàn thiện chính sách và mô hình để triển khai rộng trong phạm vi tất cả doanh nghiệp có khả năng và có nhu cầu.

Thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung giúp Việt Nam hình thành hệ thống hưu trí đa tầng – đây cũng là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trước bối cảnh già hóa dân số

Một số vấn đề về thí điểm thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung

Hình thức tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung theo phương thức mức đóng góp xác định thay vì mức hưởng xác định như chính sách bảo hiểm hưu trí cơ bản hiện hanh.

Đối tượng tham gia bao gồm tất cả nhân viên có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên. Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được đóng góp bởi công ty và người lao động theo tỷ lệ lương cơ bản hàng tháng cộng thêm tỷ lệ chênh lệch giữa lương cơ bản và lương đóng bảo hiểm xã hội được quy định bởi Nhà nước (do hai bên thỏa thuận). Nguồn đóng góp quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung của người lao động và người sử dụng lao động được sử dụng để đầu tư sinh lợi thông qua hoạt động của các công ty quản lý quỹ thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư.

Lợi nhuận phát sinh từ hoạt động đầu tư quỹ được tính toán, phân chia để quay trở lại gia tăng giá trị tồn tích trong tài khoản hưu trí bổ sung của người lao động tham gia chương trình. Đây là yếu tố mấu chốt để phân biệt tính đặc thù của bảo hiểm hưu trí bổ sung so với chế độ bảo hiểm hưu trí cơ bản và các loại hình bảo hiểm nhân thọ khác hoạt động theo Luật kinh doanh bảo hiểm.

Điều kiện để người tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung có thể thụ hưởng  quyền lợi từ chương trình, tùy từng trường hợp cụ thể có thể xuất phát từ các sự kiện như : người lao động đến tuổi nghỉ hưu ; người lao động chết hoặc bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; người lao động tự nguyện xin nghỉ việc sau ít nhất 5 năm làm việc cho Công ty; người lao động chuyển hẳn sang làm việc cho một Công ty khác; do Công ty yêu cầu chấm dứt hợp đồng vì dư thừa lao động, thay đổi cơ cấu tổ chức hay do chuyển nhượng đơn vị kinh doanh.

Người thụ hưởng quyền lợi từ quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, ngoài bản thân người lao động tham gia đóng góp quỹ, còn bao gồm cả thân nhân được người lao động chỉ định làm người thụ hưởng. Người lao động được quyền chỉ định 1 hay nhiều người thụ hưởng quyền lợi từ chương trình, tuy nhiên việc chỉ định người thụ hưởng phải theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Bên cạnh đó, việc chỉ định người thụ hưởng chương trình phải được thực hiện theo quy định của Công ty, và phải được cập nhật thường xuyên nếu có thay đổi.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là cần thiết để đáp ứng những nhu cầu đa dạng của người lao động, doanh nghiệp hiện nay và phù hợp với sự phát triển của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm bước đầu chỉ nên lựa chọn một nhóm doanh nghiệp FDI hoặc các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước, hoặc các công ty khác có năng lực tài chính, kinh tế đáp ứng được điều kiện tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhằm đúc rút kinh nghiệm để có quy định cụ thể trong Luật bảo hiểm xã hội.