Cần sự chuyển biến thực sự tái cơ cấu kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kinh tế thế giới tuy có khởi sắc, nhưng dự báo, trong những năm tới vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, phục hồi chậm chạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái mới. Trước tình hình đó, kinh tế nước ta cần có những chuyển biến thực sự, để có thể hòa vào dòng chảy hội nhập và gặt hái được những thành công mới.

Cần sự chuyển biến thực sự tái cơ cấu kinh tế
Kinh tế Việt Nam cần có những chuyển biến thực sự. Nguồn: internet

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng kéo dài quá lâu trong những năm qua đã để lại hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế, làm trầm trọng thêm những biến thể của bệnh thành tích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, ngành, địa phương… phản ánh một kiểu tư duy cũ chậm đổi mới, không bắt kịp được đòi hỏi của xã hội và của nền kinh tế. Những khiếm khuyết trong hoạch định chiến lược kinh tế dài hạn, những giải pháp điều hành vĩ mô mang nặng tính hành chính, không phù hợp với kinh tế thị trường đan xen đã làm nảy sinh những khó khăn, thách thức cho bản thân nền kinh tế trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2012.

Đó là tình trạng tồn kho hàng hóa, tồn kho bất động sản, thiếu sức cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế. Phần lớn hàng tồn kho hiện nay là bất động sản, chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng của toàn quốc. Tồn kho, nhất là tồn kho bất động sản - một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu rất lớn trong ngân hàng - có nguyên nhân từ tình trạng không ai phải chịu trách nhiệm tới cùng về những hậu quả mà mình gây ra. Điều này càng đúng đối với doanh nghiệp nhà nước.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là chính tình trạng đó đã gây ra sự mất động lực phấn đấu vươn lên trong khối doanh nghiệp nhà nước. Trạng thái tư tưởng này đã và đang lan rộng và bắt rễ sâu ở một số khu vực, không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều, bởi vì đó là hiện tượng kinh tế, vấn đề xã hội. Vì thế, những ách tắc của tổng cầu, của động lực xã hội, của khả năng thanh toán hay của sức cạnh tranh chỉ có thể được giải quyết khi những ách tắc này được khơi thông.

Điều cần thiết phải thay đổi và cải thiện tình hình là đổi mới căn bản tư duy về vai trò của doanh nghiệp nhà nước cũng như cách thức quản lý để tạo sự bình đẳng trong thị trường. Đồng thời cần thúc đẩy các chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả và vị thế của nền kinh tế. Nếu không dám cắt bỏ những đặc quyền, đặc lợi của khối doanh nghiệp nhà nước trong cuộc tái cơ cấu này, chúng ta sẽ còn sa lầy ở những bùng nhùng của chính sách kinh tế, khi vừa muốn những chính sách này đúng trên tổng thể và lại muốn có những ưu ái riêng cho một vài đối tượng đặc biệt. Một khi không thực sự tôn trọng đúng mức các thành phần kinh tế khác thì sẽ tiếp tục cách phân bổ nguồn tài nguyên và vốn liếng vào khu vực kinh tế kém hiệu quả như trước đây, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế hiệu quả, tăng tính cạnh tranh, tăng trưởng bền vững.

Bản thân doanh nghiệp – dù thuộc thành phần kinh tế nào cũng phải coi đây là một cuộc chiến đấu để tự làm mới mình, phải tự cứu mình, đổi mới tư duy quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới chiến lược kinh doanh; phải dám lột xác để lớn mạnh, đương đầu với khó khăn thách thức của thị trường. Điều hành vĩ mô cũng rất cần đổi mới tư duy. Mọi giải pháp, mục tiêu đều phải xuất phát từ thực tiễn thị trường với quan điểm phát triển bền vững, lợi ích toàn cục của nền kinh tế; giải pháp tình thế phải gắn kết với các giải pháp trung và dài hạn.

Mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế được đặt ra từ vài năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hình hài rõ nét về cách thức, đường đi, mục tiêu. Trong khi đó, yêu cầu tái cấu trúc kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đang trở nên ngày càng bức thiết. Do vậy, tái cấu trúc kinh tế vẫn đang là một trong những thách thức lớn đối với chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2014 và  những năm tới.