Cần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dù khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn diễn ra khá phức tạp, nhưng hiện đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới khu vực Đông Nam Á.

Cần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài
Việt Nam cần phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình để đón dòng vốn FDI. Nguồn: internet
Đây được cho là một cơ hội để nước ta thu hút thêm vốn FDI, song cũng đòi hỏi phải có chính sách rõ ràng để sử dụng hiệu quả dòng vốn này.

Trong 9 tháng qua, vốn đăng ký mới trong tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 9,3 tỷ USD và vốn tăng thêm là 5,7 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9.2013, cả nước có 872 dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với gần 7,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và 5,37 tỷ USD vốn tăng thêm. Nhiều địa phương trên cả nước đã được các tập đoàn mạnh của Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư vào, với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Đại diện một số địa phương cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị mặt bằng sạch và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mới để thu hút nguồn vốn FDI.

Cơ hội thu hút vốn FDI của nước ta được nhận định còn rất lớn trong thời gian tới, bởi nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển vốn đầu tư ra khỏi một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Xu hướng này khiến các nền kinh tế có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam Preben Hjortlund cho biết, nếu trong năm 2012, 5 nền kinh tế đứng đầu khu vực châu Á về thu hút vốn FDI là Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Indonesia và Malaysia, thì hiện nguồn vốn này có xu hướng dịch chuyển sang một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Myanmar…

Ông Preben Hjortlund cho rằng, Việt Nam cần phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình để đón nhận cơ hội này, nhất là xu hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử, sản phẩm chế tạo và công nghệ xanh của doanh nghiệp thuộc khu vực Liên minh châu Âu.

Thời gian tới, để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực. Đồng thời, hướng đến các ngành, lĩnh vực tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh, sẽ tiến hành quy hoạch lại các khu công nghiệp, khu chế xuất để hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, từ đó tăng sức hút đốëi với nhà đầu tư nước ngoài. Song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề nghị, các địa phương phải kiểm soát chặt các vấn đề như bảo vệ môi trường, năng lực nhà đầu tư để triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, vốn FDI của thế giới trong năm 2013 sẽ cao hơn con số 1.350 tỷ USD của năm 2012. Và vốn FDI sẽ tăng lên 1.600 tỷ USD vào năm 2014, cũng như tăng lên mức 1.800 tỷ USD vào năm 2015, khi tình hình kinh tế cải thiện, niềm tin của người tiêu dùng tăng trong trung hạn.

Tuy vậy, kịch bản tăng trưởng FDI này có thể gặp nhiều rủi ro, như sự yếu kém về cơ cấu trong hệ thống tài chính toàn cầu, khả năng xấu đi của kinh tế vĩ mô và sự không ổn định về chính sách - những yếu tố có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Thực tế cũng cho thấy, sau hàng chục năm trải thảm đỏ mời gọi, nhiều địa phương đang phải mất công dọn dẹp lại các dự án FDI kém hiệu quả từng được cấp phép ào ạt. Vậy nên, việc một số địa phương có lượng vốn FDI đăng ký mới cũng chưa hẳn là tín hiệu vui, bởi quan trọng là lượng vốn này có được thực hiện hay lại chạy theo vết xe đổ cấp phép - thu hồi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng để tăng sức thu hút, cũng như sử dụng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả, góp phần tăng trưởng và giải quyết khó khăn nội tại của nền kinh tế.