Cần tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014 đạt được kết quả tích cực: tăng trưởng kinh tế quý I cao hơn cùng thời kỳ này năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế chưa cải thiện, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất… Theo TS. Nguyễn Minh Phong, để phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm, cần tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.

Cần tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế - Ảnh 1
TS. Nguyễn Minh Phong
 Phóng viên: Thưa Ông, ông nhìn nhận như thế nào về những dấu hiệu tích cực trong các tháng đầu năm của nền kinh tế nước ta, đặt trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới?

TS. Nguyễn Minh Phong: Năm 2014 là năm kinh tế thế giới có sự chuyển hướng khá rõ rệt theo hướng cải thiện và kinh tế Việt Nam cũng nằm trong xu hướng như vậy. Trong vòng 4 tháng đầu năm đã có những tín hiệu khá tích cực, điển hình là có sự ổn định trên thị trường tài chính tiền tệ, đồng thời chúng ta cũng duy trì được các đầu mối tăng trưởng kinh tế chung và đã có những cải thiện về hiệu quả đầu tư xã hội, được thể hiện ở những chỉ số cụ thể. Ví dụ, chỉ số lạm phát thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 12 năm qua. GDP tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm qua. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt và thậm chí trong vòng 4 tháng qua chúng ta đã có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tỷ giá giữ ổn định, đồng thời giãn cách của giá vàng trong nước và thế giới đã giảm xuống, thay vì 5-7 triệu như năm ngoái thì nay chỉ còn 2 triệu đồng/lượng thậm chí có những lúc thấp hơn 2 triệu đồng/lượng. Tăng trưởng kinh tế đã có, nhưng tăng trưởng từ đầu tư khu vực nhà nước giảm và nhất là đầu tư từ ngân sách, đầu tư xã hội ít hơn nhưng tăng trưởng cao hơn cho thấy vốn tăng trưởng tốt, thay vì đầu tư mang tính chất đầu cơ như thời gian trước đây. Về cơ bản, những điểm đột phá chưa rõ ràng, ổn định, mặc dù chúng ta đã duy trì được nội lực cũng như nắm bắt được cơ hội phát triển chung.

Để thúc đẩy sản xuất phát triển, lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh cả ở khâu huy động và cho vay, nhưng tăng trưởng tín dụng 4 tháng qua chỉ đạt 1%. Vậy có phải việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn, thưa Ông?

Có thể khẳng định là như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy một số điểm khách quan để giải thích cho lý do này. Ví dụ như trái phiếu thì Nhà nước quy định chỉ có ngân hàng mới được mua cho nên chắc chắn trái phiếu mua bằng tín dụng của ngân hàng. Thứ nhất, tín dụng vào doanh nghiệp liên quan đến rất nhiều yếu tố, trước hết là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, chỉ khi nào doanh nghiệp có cơ hội thì mới vay. Thứ hai là điều kiện tiếp cận tín dụng trong thời gian qua chưa được cải thiện nhiều do các ngân hàng vẫn e ngại nợ xấu, khả năng thanh toán, điều kiện thế chấp của doanh nghiệp. Bên cạnh đấy, bản thân doanh nghiệp, những dự án đầu tư cũng như động lực đầu tư phải cân nhắc, nhất là những tháng đầu năm. Tôi tin rằng những tháng cuối năm cùng với quá trình xúc tiến mạnh hơn thì việc tiếp cận vốn ngân hàng sẽ được cải thiện tích cực hơn. Nhưng điều này cũng phải gắn liền với các cải thiện điều kiện tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tiếp những doanh nghiệp khó nhưng có cơ hội đầu tư. Đồng thời, giảm lãi suất để những doanh nghiệp có động lực đầu tư tiếp cận được tín dụng, có như vậy thì mới bảo đảm khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng 15% trong cả năm.

Lạm phát đã không còn đáng lo ngại, thậm chí 3 tháng đầu năm tăng rất thấp và trong tháng 4, 5 có nhích hơn, nhưng tình hình chung cho thấy sức mua yếu và hàng tồn kho cao. Vậy đâu sẽ là giải pháp để kích tổng cầu trong các tháng tới, thưa Ông?

Điểm nhấn của những giải pháp cũng như bối cảnh của năm 2014 là kích tổng cầu. Vì thế việc kích cầu trong thời gian tới rất quan trọng. Tôi cho rằng, kích cầu phải chú ý kích cả 2 cầu là tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất, để tăng đầu tư vào sản xuất, cũng như tiêu dùng thích ứng. Phải chú ý đến một loạt giải pháp. Đối với sản phẩm, phải chú ý đến giá bán cũng như cơ cấu sản phẩm. Về cơ cấu sản phẩm, chú ý đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường có chất lượng cao, bao gồm trong nước cũng như của nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là những nhà nhập khẩu nước ngoài với tinh thần vượt qua hàng rào kỹ thuật của các thị trường này, giá cả bảo đảm cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, so với khả năng yêu cầu và so với khả năng chi trả của nhân dân, tránh trường hợp chi phí cao khiến khó giảm giá bán.

Giảm chi phí sản xuất để giảm giá bán rất quan trọng, thậm chí phải có những khuyến mại, kích thích tiêu dùng từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đấy, cũng phải chú ý nâng cao khả năng thanh toán của thị trường, bao gồm khả năng thanh toán của nhân dân cũng như khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Việc nâng cao khả năng thanh toán rất quan trọng, bao gồm tăng thu nhập cho dân, quan trọng hơn với doanh nghiệp là khả năng khoanh nợ, giãn nợ rồi thực hiện tạm ứng vốn ngân sách, kể cả vốn đối ứng của năm 2015 để thực hiện được dự án đầu tư của năm tới, đồng thời kích thích nhu cầu đầu tư cũng như tiêu dùng đầu tư. Bên cạnh đấy, xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, từ đó khai thác các cầu tiêu dùng từ các thị trường nước ngoài, cũng như các thị trường đang khuất như ở vùng sâu vùng xa và trong toàn bộ quá trình này thì việc liên kết 4 nhà cũng như phối với giữa các cơ quan hữu quan cần thiết để tạo điều kiện gỡ các nút thắt, tạo điều kiện thực hiện những phản ứng chính sách, thị trường.

Vấn đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân doanh phát triển, trở thành trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế được đề cập khá nhiều. Theo Ông, làm thế nào để niềm tin doanh nghiệp trở lại và bùng nổ phát triển như thời kỳ Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2005?

Rõ ràng là động lực ban đầu của tự do hóa các điều kiện để hình thành doanh nghiệp cũng như quản lý doanh nghiệp đã nhạt dần. Giai đoạn hiện nay đòi hỏi những động lực mới, trong đó tôi thấy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, ngày càng được coi là động lực tăng trưởng chính và là chủ lực đầu tư phát triển trong thời gian tới. Với nhận thức này cùng với đột phá thể chế, trong đó có việc sửa những luật liên quan, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, hình thành Luật Đầu tư công và những thể chế khác có liên quan rất cần thiết.

Chúng tôi cho rằng, về cơ bản tổng thể từ đầu năm 2014 đến nay chúng ta đã xác lập đúng các phương hướng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần giảm tải, giảm thiểu cùng lúc 3 gánh nặng: gánh nặng về mặt tài chính bao gồm thuế và các chi phí đầu tư cũng như là tiền thuê đất… cho doanh nghiệp; gánh nặng về tín dụng, nhất là lãi suất và điều kiện tiếp cận tín dụng; thể chế, đặc biệt là các thủ tục, chi phí nhũng nhiễu khác để doanh nghiệp nhẹ gánh, từ đó có được chi phí hợp lý, môi trường đầu tư thuận lợi theo tinh thần tự do hóa, bình đẳng hóa và đặc biệt là tăng khả năng liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, được sự hỗ trợ của các thể chế nhà nước cũng như tăng vai trò của hiệp hội.

Ngoài những cải cách, phát huy nội lực, chúng ta có thể tranh thủ khai thác cơ hội thị trường từ các cam kết hội nhập quốc tế ra sao, thưa Ông?

Rõ ràng chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng mạnh mẽ và đầy đủ hơn. Một đất nước, một doanh nghiệp không thể tự trông cậy vào nguồn lực của chính mình mà cần phải khai thác các nguồn lực ở bên ngoài. Đây là bài học chung trên thế giới và Việt Nam cũng tâm đắc với bài học này. Tôi cho rằng cần phải chú ý 3 điểm khi khai thác các nguồn lực ở bên ngoài. Một là, chủ động thông tin, tăng cường khả năng phân tích dự báo để có thể có phản ứng chính sách, phản ứng thị trường phù hợp từ phía nhà nước, doanh nghiệp. Hai là, chủ động được nguồn nguyên phụ liệu cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng những điểm mà Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm những điểm bám chặt chẽ, vững chắc cũng như có cơ hội khai thác những lĩnh vực, công đoạn và những hoạt động có giá trị gia tăng cao, từ đó khẳng định vai trò, vị thế của mình. Thứ ba, phải có năng lực kỹ thuật cao để vượt qua những rào cản cũng như tạo ra đổi mới và phát triển hệ thống phân phối ở bên ngoài, trong đó có vấn đề khai thác các nguồn lực kiều hối cũng như mạnh dạn đầu tư ra bên ngoài để có khả năng bám sát, chi phối thị trường nhằm tăng cường khả năng liên kết với thị trường bên ngoài.

Xin cám ơn Ông!