Cần thêm “đường” cho cây mía

Thu Hường

(Tài chính) Không niên vụ nào Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) không “kêu cứu” về chuyện Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng đường tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, căn nguyên chính khiến ngành đường “lẹt đẹt” bao năm qua nằm ở năng suất thấp nhất, chất lượng mía kém, giá thành sản xuất cao nhất nhì thế giới.

Cần thêm “đường” cho cây mía
Tính cạnh tranh kém của ngành mía đường Việt Nam chính là ở phần cây mía nguyên liệu. Nguồn: internet

Niên vụ sản xuất đường 2013/2014 đã chính thức kết thúc từ tháng 6/2014, với sản lượng đường ước đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch VSSA, cho biết vụ sản xuất năm 2013/2014, sản lượng đường tăng kỷ lục, cao gấp đôi so với vụ năm 2000/2001. Năng suất đường ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 5,47 tấn/ha, tăng gấp 2,5 lần so với mùa vụ năm 2000/2001.

Năng suất thấp nhất

Do điều kiện thời tiết trong vụ ép 2013/14 rất thuận lợi cho việc thúc đẩy mía chín, nên  chữ đường (CCS) mía cả nước trong vụ đã có những cải thiện đáng kể, tăng hơn 0,5 CCS. Trong đó, miền Bắc tăng hơn 0,5 CCS, miền Trung tăng gần 0,2 CCS.

Tuy năng suất và chất lượng đường tăng nhưng năng suất mía thì theo chiều hướng ngược lại, năng suất mía trên cả nước lại giảm hơn 2 tấn/ha so với vụ trước. Trong đó, miền Bắc giảm gần 4,2 tấn/ha, miền Trung giảm hơn 2,4 tấn/ha và miền Nam giảm hơn 1,5 tấn/ha.
Tính đến cuối tháng 6/2014, lượng đường tồn kho còn khoảng 500.000 tấn. Giá bán buôn đường trắng loại 1 tại cửa kho dao động ở mức 12.500 - 13.500 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2013.

Theo tính toán của VSSA, nếu tính bình quân chi phí mua mía ở mức hơn 1 triệu đồng/tấn, quy đổi ra giá thành sản xuất đường là 13.500 đồng/kg thì với giá bán đường như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang phải chịu lỗ tới hơn 1.000 đồng/kg.

Như thường niên, cứ vào vụ sản xuất, VSSA lại kêu cứu vì thừa đường. Bộ Công Thương đã phải cấp phép cho DN đường xuất khẩu (XK) khoảng 230.000 tấn đường RS (đường trắng) qua cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) nhưng xem ra vẫn chưa đủ, vì các DN trong ngành cho rằng lượng XK quá khiêm tốn.

Cùng với động thái đề nghị được XK, VSSA luôn kêu ngành mía đường khó khăn như hiện nay là do công tác ngăn chặn buôn lậu chưa hiệu quả, để cho mỗi năm có tới hàng trăm ngàn tấn đường lậu tràn vào với giá rẻ đè bẹp đường nội địa. VSSA liên tục kiến nghị về những bất cập trong chính sách, cho rằng Nhà nước cần có chính sách bảo hộ ngành mía đường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng VSSA  đã không tận dụng được lợi thế và tiềm năng để phát triển như được ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ tháo gỡ đầu ra cho XK khi thừa đường, thiết bị sản xuất được đầu tư, nông dân cần cù, cơ chế, chính sách đều ổn… nên bao năm qua, ngành mía đường vẫn “lẹt đẹt”. Sự chậm tiến của ngành mía đường nằm chính ngay trong nội tại của ngành này, bất cập ngay từ khâu sản xuất.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng ngành mía đường Việt Nam đang phải “vật lộn” với đường giá rẻ nhập từ Thái Lan, bởi mấu chốt là chưa giải quyết được cái gốc là năng suất cây mía. Nếu cải tiến được công nghệ, chi phí sản xuất, không cần phải vất vả chống đường nhập lậu như hiện nay, tự đường nhập lậu không còn đất sống trên thị trường.

Theo ông Lộc, nếu so sánh lợi thế cạnh tranh giữa Việt Nam và Thái Lan thì trình độ sản xuất mía đường có một khoảng cách khá chênh lệch. Chi phí thuê đất vùng Đông Nam bộ cao hơn Thái Lan. Thái Lan có chi phí làm phân bón thấp hơn, năng suất đường cao hơn và giá thu mua mía vùng Đông Nam bộ cao hơn Thái Lan.

Tỷ lệ thất thoát CCS trong  mía sau thu hoạch ở Thái Lan chỉ 5%. Ở Việt Nam, việc thu hoạch và vận chuyển thủ công, không đúng kỹ thuật nên khoảng 10 - 15% lượng đường đã bị thất thoát, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ có 1 - 2%.

Năng suất mía nước ta chỉ đạt khoảng 62 tấn/ha, trong khi thế giới đạt trên dưới 120 tấn/ha. Năng suất đường cũng thấp, chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, cách khá xa Thái Lan (hơn 8 tấn/ha), Australia (gần 12 tấn/ha).

Giá thành cao nhất

Thu nhập của người trồng mía ở Việt Nam đang rất thấp so với trong khu vực và thế giới. Khảo sát của Ủy ban Mía đường cho thấy lợi nhuận trồng mía của vùng Đông Nam bộ là 5,16 triệu đồng/ha, vùng Trung Tây Nguyên là 8,432 triệu đồng/ha trong khi lợi nhuận của người trồng mía ở Thái Lan đang là 20,645 triệu đồng/ha.

Còn theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, cây mía của Việt Nam sản xuất ra có giá thành cao ngất ngưởng, khoảng 50 USD/tấn. Trong khi đó, cây mía tại Thái Lan hoặc Campuchia chỉ khoảng 30 USD, châu Âu thì khoảng 18 USD, nơi sản xuất mía tốt nhất thế giới  là Bzazil chỉ còn 12 USD/tấn.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), nhận định với chi phí sản xuất mía gần như cao nhất thế giới, ngành mía đường của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn lớn. Đặc biệt, chỉ còn vài tháng nữa là bước sang năm 2015, thời hạn giảm thuế nhập khẩu đường theo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN, khi thuế suất giảm về 0%, chắc chắn nhiều nhà máy đường khó có thể “sống sót”.

Số phận của ngành mía đường và người trồng mía Việt Nam đang thực sự ở tình trạng báo động. Muốn gỡ khó, không ai khác, chính ngành mía đường phải thay đổi ngay trong nội tại của mình. Muốn làm được, ngành mía đường buộc phải làm cuộc cách mạng từ cây mía cho đến hạt đường để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Theo một đại diện của VSSA, tính cạnh tranh kém của ngành mía đường Việt Nam chính là ở phần cây mía nguyên liệu, chứ không phải ở nhà máy. Vì hiện nay, các nhà máy đường phần lớn đã  đầu tư bài bản về thiết bị, công nghệ không thua kém các nước tiên tiến. Tuy nhiên, phần này chỉ có tác động vào 20 - 25% giá thành sản phẩm, còn quyết định chính là giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm 75 - 80%.  

Để ngành mía đường phát triển bền vững, cần cấu trúc lại diện tích trồng mía, nghiên cứu giống, thâm canh theo hướng hiện đại. Sử dụng giống mía tốt, sạch bệnh dựa trên nền tảng nghiên cứu chọn tạo bài bản.Trong chế biến, cần tăng cường sản xuất phế phụ phẩm, để giảm giá thành mía đường. Song song đó, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành mía đường như thủy lợi tưới và tiêu nước, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.